Làm gì khi trẻ đối mặt với căng thẳng? (phần 3)

Làm gì khi trẻ đối mặt với căng thẳng phần 1
Làm gì khi trẻ đối mặt với căng thẳng phần 2

Làm thế nào để đối phó với căng thẳng

Mặc dù căng thẳng trong cuộc sống là điều mà tất cả chúng ta đều có thể phải trải qua theo thời gian, kể cả trẻ em. Căng thẳng có thể giúp trẻ phát triển và xây dựng một số khả năng ứng phó . Mặt khác, căng thẳng mãn tính hoặc kéo dài có thể tạo ra các vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sau này cuả trẻ.

Ví dụ, một nghiên cứu được công bố trên Hiệp hội Xã hội học Hoa Kỳ cho thấy rằng trẻ em có cha mẹ có vấn đề về sức khỏe tâm thần có nhiều khả năng gặp phải tình trạng đau khổ khi trưởng thành. Mức độ đau khổ khi trưởng thành phụ thuộc vào thời gian trẻ tiếp xúc với tác nhân gây căng thẳng khi có cha mẹ có sức khỏe tâm thần kém và mức độ nghiêm trọng của các vấn đề sức khỏe tâm thần của cha mẹ. 

Các nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng trẻ em trải qua “căng thẳng độc hại” — được định nghĩa là căng thẳng kéo dài, nghiêm trọng và không được giảm nhẹ bởi cha mẹ/người chăm sóc ít quan tâm — có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ thể chất và tinh thần của trẻ cho đến khi trưởng thành. 

Cha mẹ có một vai trò quan trọng trong việc làm thế nào để trẻ kiểm soát căng thẳng. Không phải lúc nào cha mẹ có thể ngăn chặn sự căng thẳng xảy ra ngay từ đầu, nhưng cha mẹ có thể giúp trẻ vượt qua nó, để trẻ có thể rút kinh nghiệm và trở nên mạnh mẽ hơn.

Dưới đây là một số ý tưởng để giúp trẻ đối phó với căng thẳng:

  • Cho trẻ một không gian an toàn, không phán xét, bảo mật và đáng tin cậy
  • Cha mẹ lắng nghe; cho phép trẻ chia sẻ cảm xúc của chúng mà không cố gắng làm trẻ im lặng, sửa sai hoặc phủ nhận cảm giác của trẻ. Trẻ nhỏ hơn có thể cần được giúp đỡ để gọi tên cảm xúc của chúng và giúp trẻ hiểu những biểu hiện đang diễn ra trong cơ thể, là sự thông báo của sự căng thẳng. Khuyến khích trẻ lớn hơn viết ra cảm xúc của chúng hoặc viết nhật ký
  • Cha mẹ là hình mẫu. Đứa trẻ xem cha mẹ như một hình mẫu cho hành vi lành mạnh. Học tập và kiểm soát căng thẳng của bản thân và quản lý nó theo những cách lành mạnh
  • Hãy dành thời gian trọn vẹn cho trẻ, không phân tán sự chú ý đến những việc khác, cho dù lúc đang chơi, nói chuyện hay lắng nghe cảm xúc của trẻ
  • Chuẩn bị trước cho trẻ trước mọi tình huống căng thẳng, vạch ra những điều có thể xảy ra và trả lời bất kỳ câu hỏi nào mà trẻ đặt câu hỏi
  • Xây dựng cho trẻ về giá trị bản thân. Động viên, khích lệ, đồng hành và dẫn dắt trẻ tham gia các hoạt động mà trẻ thích thú, đam mê
  • Hãy cẩn thận về những chương trình truyền hình, sách và trò chơi mà trẻ đang quan tâm
  • Trẻ cần có những hoạt động thể thao, năng khiếu để xoa dịu những khó chịu, căng thẳng khi chúng gặp phải
  • Đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc, thời gian tập thể dục bên ngoài và các bữa ăn lành mạnh

Khi nào cần tìm trợ giúp chuyên nghiệp

Đôi khi cha mẹ không thể làm điều đó một mình và mức độ căng thẳng của trẻ đã đến mức trẻ cần sự trợ giúp của chuyên gia để vượt qua. Các dấu hiệu cho thấy trẻ cần ngay từ các liệu pháp, tư vấn của chuyên gia tâm lý như: 

  • Trẻ đã bắt đầu không muốn tiếp xúc với cha mẹ hoặc bặn bè 
  • Trẻ đang trải qua không chỉ căng thẳng mà còn có dấu hiệu lo lắng hoặc trầm cảm
  • Trẻ không thể kiểm soát cơn giận dữ hoặc sự hung hăng của mình
  • Trẻ gặp khó khăn khi hoạt động ở trường hoặc trong các tình huống xã hội
  • Sự mất mát của người thân yêu, ly hôn hoặc bắt nạt ở trường học

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Dung
Đơn vị tâm lý – Bệnh viện Nhi đồng Thành phố
 

Tài liệu tham khảo:

  1. https://medlineplus.gov/ency/article/002059.htm
  2. Is Your Child Dealing With Stress? (verywellmind.com)
  3. https://www.mayoclinichealthsystem.org/hometown-health/speaking-of-health/stressed-out-kids