Sự phát triển tâm thần vận động ở trẻ  (phần 2)

  1. Khi trẻ được 18 tháng tuổi

Mốc phát triển:

  • Vận động thô: đi vững, có thể đi lên bậc thang và chạy, kéo đồ chơi trong khi đi, có thể tự cởi quần.
  • Vận động tinh: biết cầm ly, cầm muỗng, cầm viết vẽ nguệch ngoạc,
  • Ngôn ngữ: nói nhiều từ đơn, sử dụng được ít nhất 10 từ đơn (đúng tình huống), bắt chước những từ mà người khác nói
  • Cá nhân – xã hội: thích đưa đồ vật cho người khác khi chơi, tỏ ra có tình cảm với người thân quen, chơi giả bộ như cho búp bê ăn, chỉ cho người khác xem điều thú vị mà trẻ thấy, có thể làm theo mệnh lệnh mà không cần minh họa

Những điều cha mẹ có thể làm:

  • Có môi trường an toàn và tràn ngập tình yêu thương, điều quan trọng là phải nhất quán và dễ đoán biết đối với trẻ.
  • Khen hành vi tốt nhiều hơn là phạt hành vi xấu
  • Mô tả cảm xúc của trẻ. Ví dụ, hãy nói “Con sẽ thích khi đọc quyển sách này”
  • Khuyến khích chơi trò giả bộ
  • Đọc sách và nói chuyện về các bức tranh
  • Bắt chước cách nói của trẻ
  • Sử dụng các cụm từ đơn giản, ngắn gọn
  • Hỏi các câu đơn giản
  • Giấu vật dưới chăn và gối rồi khuyến khích trẻ đi tìm
  • Có đồ chơi để trẻ có thể kéo hoặc đẩy an toàn
  • Khuyến khích trẻ uống bằng ly và sử dụng muỗng, đừng quá bận tâm sự bừa bộn của trẻ.
  1. Khi trẻ được 24 tháng tuổi

Mốc phát triển:

  • Vận động thô: đứng nhón chân, đá bóng, ném bóng, bắt đầu chạy, leo lên – xuống giường, ghế mà không cần sự trợ giúp, đi lên xuống cầu thang, nhảy về phía trước
  • Vận động tinh: xây tháp với 6-7 khối, xâu hạt với đầu dây cứng
  • Ngôn ngữ: nhận biết tên người quen và bộ phận cơ thể, nói được câu có 2 – 4 từ, sử dụng được ít nhất 50 từ, nghe theo chỉ dẫn dễ hiểu, lắng nghe truyện ngắn
  • Cá nhân – xã hội: Tỏ ra càng ngày càng độc lập; xúc ăn không rơi vãi; Bắt chước hành động của người khác như quét nhà,lau nhà, chải tóc; Chơi giả bộ như nấu ăn, cho búp bê ăn, gọi điện thoại; chia sẻ đồ chơi với người khác; Thể hiện sự bướng bỉnh (làm những gì người khác bảo không được làm)

Những điều cha mẹ có thể làm:

  • Khuyến khích trẻ giúp các việc đơn giản trong nhà, như quét nhà và dọn chén, khen khi trẻ giúp đỡ tích cực
  • Ở tuổi này, trẻ chơi cạnh nhiều hơn chơi cùng nhau và chưa biết chia sẻ. Những lúc chơi chung, hãy đưa cho trẻ thật nhiều đồ chơi. Quan sát trẻ thật kỹ và can thiệp nếu chúng đánh nhau hay cãi nhau.
  • Để tâm đến trẻ và khen khi trẻ làm theo hướng dẫn. Đừng để tâm quá nhiều đến những hành vi bướng bỉnh. Dành nhiều thời gian khuyến khích hành vi tốt hơn là trừng phạt những hành vi chưa tốt.
  • Dạy trẻ xác định và nói các bộ phận cơ thể, động vật và những vật thông thường khác
  • Khuyến khích trẻ nói ra từ thay vì chỉ tay. Nếu trẻ không nói được cả từ (“sữa”), hãy gợi ý cho trẻ âm đầu tiên (“s”). Dần dần, cha mẹ có thể nhắc để trẻ nói cả câu — “Con muốn uống sữa”.
  • Đừng sửa khi trẻ diễn đạt không đúng. Thay vào đó, cha mẹ hãy giúp trẻ diễn đạt lại cho đúng. Ví dụ như, “Đó là quả bóng”.
  • Đá bóng qua lại với trẻ. Khi trẻ đã đá tốt, khuyến khích trẻ chạy rồi đá
  • Khuyến khích chơi các trò chơi luân phiên
  1. Khi trẻ được 3 tuổi

Mốc phát triển:

  • Vận động thô: chạy dễ dàng, đạp xe 3 bánh, leo trèo tốt, đi lên và xuống cầu thang mỗi chân một bậc, đứng bằng 1 chân
  • Vận động tinh: cần bút vẽ nét thẳng, bắt chước vẽ hình tròn, đóng mở được nắp chai
  • Ngôn ngữ: nói câu dài, vốn từ phong phú, hiểu mệnh lệnh 2-3 yêu cầu, trả lời được các câu hỏi (tên, tuổi, …)
  • Cá nhân – xã hội: bắt chước người lớn và bạn bè cùng tuổi, thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc, có thể tự thay quần áo

Những điều cha mẹ có thể làm:

  • Đưa trẻ đến các điểm vui chơi tập thể hoặc chỗ lạ có các trẻ khác, để khuyến khích trẻ chơi hòa thuận với các bạn khác
  • Nói ra cảm xúc của trẻ. Ví dụ, hãy nói “Mẹ biết là con đang cáu bởi vì con đã ném mảnh ghép đó”. Khuyến khích trẻ nhận biết các cảm giác khác nhau trong sách truyện
  • Đề ra các quy tắc và giới hạn đối với trẻ, và nghiêm khắc tuân thủ. Nếu trẻ phá vỡ quy tắc, phạt trẻ ở yên trên ghế hoặc trong phòng và ngó lơ trong 30 giây đến 1 phút. trẻ khi chúng làm đúng quy tắc.
  • Hướng dẫn trẻ bằng các hướng dẫn gồm 2 hoặc 3 bước. Ví dụ, “Đi vào phòng con lấy giầy và áo của con”
  • Cùng trẻ chơi đếm số như đếm các bộ phận cơ thể, bậc cầu thang và các vật cha mẹ sử dụng hoặc nhìn thấy hàng ngày
  • Dắt trẻ lên xuống cầu thang. Khi trẻ có thể đi lên xuống dễ dàng, khuyến khích trẻ sử dụng tay vịn cầu thang.
  • Chơi các trò chơi ngoài trời với trẻ. Đến công viên hoặc chỗ có đường đi bộ dài. Để trẻ chơi tự do mà không cần các hoạt động theo khuôn phép.
  1. Khi trẻ được 4-6 tuổi:

Mốc phát triển:

  • Vận động thô: đi lên xuống cầu thang dễ dàng, nhảy chụm chân, nhảy lò cò, có thể đạp được xe hai bánh không có bánh phụ
  • Vận động tinh: có thể cầm kéo, nặn, tô màu theo hình, vẽ hình tròn, hình vuông, vẽ hình người
  • Ngôn ngữ: nói câu dài (vốn từ lên đến hàng nghìn từ), thích nghe kể chuyện, diễn đạt phong phú, kể lại một câu chuyện đơn giản
  • Cá nhân – xã hội: tự biết lấy thức ăn trong tiệc buffet, biết tự đánh rằng, mặc quần áo, rửa tay bằng xà bông, tham gia hoạt động có tổ chức (chơi kéo co)

Những điều cha mẹ có thể làm:

  • Cho trẻ tự do hơn trong việc chọn hoạt động nào để chơi với bạn và để trẻ tự giải quyết vấn đề của mình, nhưng cha mẹ hãy ở gần để giúp đỡ nếu cần
  • Cùng trẻ chơi các trò chơi đóng giả. Để trẻ làm người chỉ huy và bắt chước hành động của trẻ
  • Đưa ra cho trẻ các lựa chọn đơn giản bất cứ khi nào cha mẹ có thể nghĩ ra. Cho trẻ chọn đồ mặc, đồ chơi hoặc món ăn cho bữa phụ. Giới hạn trong 2 hoặc 3 lựa chọn.
  • Chuẩn bị cho trẻ đồ chơi khơi gợi trí tưởng tượng, như quần áo hóa trang, bộ đồ bếp và các miếng xếp hình
  • Kiên nhẫn trả lời cặn kẽ các câu hỏi “tại sao” của trẻ. Nếu cha mẹ không biết câu trả lời, hãy nói “cha/mẹ không biết” hoặc giúp trẻ tìm câu trả lời
  • Yêu cầu trẻ tường thuật lại những điều đã xảy ra trong câu chuyện vừa nghe hoặc thuật lại những điều xảy ra trong ngày
  • Dạy trẻ chơi các trò ngoài trời như trò đuổi bắt, rồng rắn lên mây, trốn tìm
  • Dạy trẻ về địa chỉ và số điện thoại cần liên lạc
  • Dạy trẻ khái niệm về thời gian như buổi sáng, chiều, tối, hôm nay, ngày mai và hôm qua. Bắt đầu dạy trẻ các ngày trong tuần
  • Đây là thời điểm tốt để nói với trẻ về hành vi đụng chạm an toàn. Không ai được chạm vào “các bộ phận kín” trừ bác sĩ hoặc y tá trong khi khám bệnh hoặc bố mẹ khi muốn giữ cho con sạch sẽ

Những người cùng với trẻ trong tiến trình phát triển không ai khác ngoài cha mẹ. Trẻ sẽ thật hạnh phúc biết bao với sự âu yếm, sự dịu dàng, những trò chơi, những câu truyện mà cha mẹ dành cho chúng. Tất cả những điều này đều được đứa trẻ cảm nhận và thể hiện trong quá trình phát triển theo cách này hoặc cách khác. Nhưng đáng quý hơn hết đó chính là sự đồng hành của cha mẹ dành cho trẻ.

Chuyên gia tâm lý Bùi Anh Thư
Đơn vị tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố

Tài liệu tham khảo:

  1. Bài giảng Nhi khoa tập 1, Nhà xuất bản Y học
  2. https://www.cdc.gov/ncbddd/actearly/milestones/index.html
  3. https://www.who.int/tools/child-growth-standards/standards/motor-development-milestones