Sự phát triển tâm thần vận động ở trẻ  (phần 1)

Cân nặng, chiều cao là những điều mà các bậc cha mẹ và người chăm sóc thường quan tâm và dành nhiều sự lưu ý. Nhưng dường như điều này là chưa đủ cho sự phát triển của “các bạn nhỏ”. Sự phát triển của trẻ không chỉ là sự phát triển về cân nặng, chiều cao mà còn là sự phát triển về tâm thần vận động. Dù là trẻ nhỏ hay lớn thì mỗi độ tuổi đều có một cột mốc những điều mong đợi trẻ có thể đạt được. Là cha mẹ, chúng ta cũng cần nên nắm bắt được một số mốc phát triển quan trọng trong tính trình phát triển của trẻ.

Nhận biết sự phát triển tâm thần vận động của trẻ thông qua 4 lĩnh vực: vận động tinh, vận động thô, ngôn ngữ, cá nhân – xã hội.

  1. Khi trẻ được 3 tháng tuổi

Mốc phát triển:

  • Vận động tinh và vận động thô: có thể ngẩng đầu lên, ngoái đầu về phía có âm thanh, bắt đầu đưa tay lên miệng
  • Ngôn ngữ: chủ yếu là tiếng khóc
  • Cá nhận – xã hội: nhìn theo mẹ, nhìn theo vật di chuyển trước mặt

Những điều cha mẹ có thể làm:

  • Âu yếm, nói chuyện và vui chơi với trẻ trong khi ăn, tắm hoặc thay quần áo, …
  • Nói chuyện, đọc sách, hát cho trẻ nghe
  • Cùng trẻ xem tranh ảnh và nói chuyện về các tranh ảnh đó
  • Khuyến khích trẻ nhấc đầu lên bằng cách đưa đồ chơi ngang tầm mắt trẻ
  • Chơi ú òa cùng trẻ
  • Chú ý đến tiếng khóc khác nhau của trẻ để biết cách nhận ra trẻ muốn gì
  1. Khi trẻ được 6 tháng tuổi

Mốc phát triển:

  • Vận động thô: giữ chắc đầu không cần đỡ, bắt đầu ngồi không cần đỡ, lật người từ ngửa sang úp và ngược lại (từ 4-5 tháng), đôi khi bò trườn về phía trước
  • Vận động tinh: với tay theo đồ chơi, cầm nắm đồ vật, chuyển vật từ tay này sang tay kia, đưa đồ vật lên miệng
  • Ngôn ngữ: phản ứng với tiếng động bằng cách tạo ra tiếng động, phát ra vài nguyên âm, biết hưởng ứng khi nghe tên mình
  • Cá nhân – xã hội: nhận biết người quen và biết người lạ, thích chơi với người khác đặc biệt là cha mẹ, cười ra thành tiếng, nhìn chăm chú đồ vật

Những điều cha mẹ có thể làm:

  • Vui đùa với trẻ mỗi ngày trên sàn
  • Đọc sách cho trẻ mỗi ngày, tán dương khi trẻ bập bẹ
  • Giữ thẳng bé trong khi bé ngồi hoặc đỡ bé bằng gối. Để bé quan sát xung quanh và đưa đồ chơi để bé nhìn trong khi bé ngồi thăng bằng
  • Đặt bé nằm sấp hoặc ngửa và đặt đồ chơi hơi ngoài tầm với một chút. Khích lệ bé trườn để với đồ chơi.
  • Khi trẻ nhìn vào vật gì hãy chỉ vào vật đó và nói về vật đó
  • Lặp lại âm thanh bé tạo ra và nói những từ đơn giản ứng với các âm thanh đó. Ví dụ, nếu bé nói “ba,” quý vị nói “bà” hoặc “ba”
  1. Khi trẻ được 9 tháng tuổi

Mốc phát triển:

  • Vận động thô: ngồi không cần đỡ, bò trườn, bắt đầu đứng vịn
  • Vận động tinh: di chuyển vật một cách uyển chuyển từ tay này sang tay kia, nhặt đồ vật nhỏ bằng ngón cái và ngón trỏ
  • Ngôn ngữ: Tạo nhiều tiếng khác nhau cũng như “mamamama” và “bababababa”, bắt chước âm thanh và điệu bộ người khác, sử dụng ngón tay để chỉ
  • Cá nhân – xã hội: bắt chước vỗ tay, vẫy tay, chơi trò chơi ú òa, có thể sợ người lạ, có thể gắn bó với người thân quen

Những điều cha mẹ có thể làm:

  • Khi trẻ vận động nhiều hơn, hãy theo sát để biết trẻ vẫn ở bên
  • Duy trì các thói quen sinh hoạt; chúng đặc biệt quan trọng đối với giai đoạn này
  • Chơi trò “lượt mẹ, lượt con”
  • Chơi ú òa và trốn tìm.
  • Mô tả vật trẻ đang nhìn; ví dụ, “quả bóng tròn màu đỏ”
  • Đoán xem trẻ muốn gì khi trẻ chỉ vào vật nào đó
  • Bắt chước âm thanh và từ ngữ của trẻ
  • Đọc và nói chuyện với trẻ
  • Để nhiều khoảng không cho trẻ có thể di chuyển và khám phá trong khu vực an toàn
  • Để trẻ ở gần những vật mà trẻ có thể vịn đứng lên một cách an toàn
  1. Khi trẻ được 12 tháng tuổi

Mốc phát triển:

  • Vận động thô: đứng vững, có thể đi men tốt, tự đứng lên – ngồi xuống, có thể tự bước đi vài bước nhưng dễ ngã
  • Vận động tinh: chỉ đồ vật bằng ngón trỏ
  • Ngôn ngữ: thực hiện được yêu cầu đơn giản bằng lời, sử dụng các điệu bộ đơn giản (vẫy tay, lắc đầu), nói vài từ đơn “ba, bà, mẹ”
  • Cá nhân – xã hội: tỏ ra sợ hãi trong một số tình huống, khóc khi cha/mẹ bỏ đi, biết phối hợp khi mặc quần áo (đưa tay, đưa chân), lặp lại hành động, tiếng động để gây sự chú ý

Những điều cha mẹ có thể làm:

  • Ôm, hôn và khen trẻ thật nhiều nếu trẻ có hành vi tốt
  • Dành nhiều thời gian khích lệ các hành vi tốt thay vì phạt các hành vi không tốt
  • Đọc sách cùng trẻ mỗi ngày, nhờ trẻ lật trang, cùng trẻ chơi trò chơi thay nhau gọi tên tranh.
  • Giấu các đồ chơi nhỏ và đồ vật khác để trẻ đi tìm
  • Yêu cầu trẻ gọi tên các bộ phận cơ thể hoặc đồ vật
  • Mở rộng những gì trẻ nói hoặc định nói, hoặc vật trẻ chỉ. Nếu trẻ chỉ một chiếc xe tải và nói “t” hoặc “tải”, cha mẹ hãy nói “Đúng rồi, chiếc xe tải to màu xanh”.

Chuyên gia tâm lý Bùi Anh Thư
Đơn vị tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố

Tài liệu tham khảo:

  1. Bài giảng Nhi khoa tập 1, Nhà xuất bản Y học
  2. https://www.cdc.gov/ncbddd/actearly/milestones/index.html
  3. https://www.who.int/tools/child-growth-standards/standards/motor-development-milestones