Rối loạn phổ tự kỷ và thời gian sử dụng thiết bị điện tử

Là cha mẹ của một đứa trẻ Rối loạn phổ tự kỷ, bạn sẽ muốn giúp con mình sống một cuộc sống lành mạnh nhất có thể. Đây là lý do tại sao bạn cần nhận thức được tác động của công nghệ nghe – nhìn đối với việc nuôi dạy con bạn. Có nhiều cha mẹ còn thiếu kiến thức chăm sóc con cái toàn diện. Trong bài “Nguyệt san” này, Tôi muốn chia sẽ đến một chủ đề: “Rối loạn phổ tự kỷ và thời gian thường xuyên xem điện thoại, tivi”. 

Rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em “là một dạng rối loạn thần kinh não bộ, đồng thời là một chứng rối loạn phát triển, trong đó người mắc phải có biểu hiện kém phát triển trong giao tiếp, tương tác với người khác và trong hành vi. Họ có thể biểu hiện nhiều triệu chứng, thiếu hụt kỹ năng và mức độ suy yếu, đồng thời hạn chế rõ rệt các hoạt động và sở thích, khả năng nhận thức, khả năng ngôn ngữ, chậm phát triển trí tuệ”(1).

Phải chăng trẻ em thường xuyên xem điện thoại và tivi sẽ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ? Cho đến bây giờ, chưa có một báo cáo nào chứng minh trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ do thường xuyên xem điện thoại và tivi. Điều này có nghĩa là, vẫn theo quan điểm, người mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ vẫn do di truyền và do lỗi nhiễm sắc thể X gây ra, môi trường sống không có thành tích trong việc sinh ra rối loạn này: “Xem tivi hoặc video khi trẻ được 12 tháng tuổi có liên quan đáng kể với các triệu chứng giống rối loạn phổ tự kỷ hơn khi trẻ 2 tuổi (thay đổi 4,2%, KTC 95% 0,1% -8,3%), so với trẻ không xem màn hình. Chơi hàng ngày giữa cha mẹ và con khi 12 tháng tuổi có liên quan đáng kể với ít triệu chứng giống rối loạn phổ tự kỷ hơn khi 2 tuổi (thay đổi -8,9%; KTC 95% -16,5% đến -0,9%) so với chơi ít hơn hàng ngày”(2). Theo nhiều nghiên cứu và trên thực tế, cho thấy rằng, trẻ rối loạn phổ tự kỷ có mối liên hệ với việc thường xuyên xem tivi và điện thoại. Các nhà nghiên cứu nhận thấy: “Thời gian sử dụng thiết bị càng lâu thì các triệu chứng của rối loạn phổ tự kỷ (đặc biệt là các triệu chứng giác quan), và sự chậm phát triển càng rõ ràng, đặc biệt là trong lĩnh vực ngôn ngữ”(3).

Điển hình của rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em thường xuyên xem điện thoại và tivi, phổ biến với các hành vi sau:

*    Kỹ năng tương tác xã hội kém: ít đáp ứng khi gọi tên, hạn chế tiếp xúc mắt, ít tương tác với mọi người.

*   Khả năng giao tiếp kém: chậm nói, ngôn ngữ diễn đạt hạn chế, chưa diễn đạt câu dài, ít chủ động khởi xướng và duy trì giao tiếp.

*    Hành vi rập khuân: ăn uống hạn chế, thích và ghiền một vật, lăng xăng, tăng động, xoay tròn bản thân và đi vòng tròn, đi nhón chân.

Điều quan trọng cần lưu ý là trẻ em rối loạn phổ tự kỷ, có thể không có tất cả hoặc bất kỳ hành vi nào được liệt kê ở đây. Vậy, có nên hay không nên cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ xem tivi và điện thoại?  Trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ đặc biệt dễ bị tổn thương trước các tác động khác nhau liên quan đến não của thời gian sử dụng thiết bị. Những “tác dụng phụ” điện tử này bao gồm hưng phấn quá mức và rối loạn điều hòa, gọi là Hội chứng màn hình điện tử, cũng như chứng nghiện công nghệ, trò chơi điện tử, internet, điện thoại thông minh, mạng xã hội, youtube v.v. Tuy nhiên, trẻ rối loạn phổ tự kỷ, có đủ phong cách riêng và thường học tốt nhất bằng mắt và tai, trong khi lời nói ít có tác dụng với chúng. Chúng sống trong đầu của chính mình. Các video có thể được xem đi xem lại nhiều lần thực sự là công cụ mạnh mẽ để dạy các kỹ năng, khái niệm và thậm chí cả phản ứng cảm xúc. Việc xem Tivi và điện thoại được chọn lọc cẩn thận có thể giúp trẻ xây dựng kiến ​​thức và kỹ năng có thể sử dụng ở nhà, trường học và tương tác xã hội.

Ưu điểm của việc xem tivi và điện thoại: Trong một bài báo của Huffington Post, các bậc cha mẹ nói rằng các thiết bị kỹ thuật số là “công cụ quan trọng giúp con cái họ giao tiếp, phát triển các kỹ năng xã hội, nâng cao khả năng học hỏi và thậm chí giảm bớt lo lắng”. Nhược điểm của việc xem tivi và điện thoại quá nhiều: Nhiều trẻ rối loạn tự kỷ rất nhạy cảm với kích thích. Điều này có thể làm cho các em bị kích thích và làm trầm trọng thêm hành vi của các em.  Khuyến nghị “không sử dụng phương tiện kỹ thuật số trước 18 tháng tuổi, do không có những lợi ích có thể chứng minh được cũng như gợi ý về tác hại trên lý thuyết và thực nghiệm hạn chế”(4).

Thay cho lời kết, lưu ý đến những ưu và nhược điểm của thời gian sử dụng thiết bị, cha mẹ nên điều chỉnh thời gian con cái của mình sử dụng các thiết bị kỹ thuật số. Ba giờ mỗi ngày là giới hạn thời gian tối đa cho việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật số. Đảm bảo rằng con bạn không sử dụng màn hình ít nhất 30 phút trước khi đi ngủ. Sử dụng thời gian trên màn hình như một phần thưởng cho các hoạt động mà con bạn có thể không thích, chẳng hạn như dọn dẹp, làm bài tập về nhà hoặc các công việc khác.

Chuyên gia tâm lý Hoàng Văn Hải
Đơn vị tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố

Tài liệu tham khảo:

  1. Hiệp Hội Tâm Thàn Hoa Kỳ. Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần lần thứ 5. Rối loạn phổ tự kỷ DSM-5 299.00 (F84.0)
  2. David Bennett, Tiến sĩ, Đại học Y khoa Đại học Drexel ở Philadelphia
  3. Gregory N. Barnes, MD, Ph.D. Giám đốc Trung tâm Tự kỷ Trẻ em, và nhà thần kinh học trẻ em của Viện Khoa học Thần kinh Trẻ em trực thuộc Trường Y khoa Louisville, Hoa Kỳ.
  4. Lisa Jo Rudy, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, Cập nhật ngày 22 tháng 4 năm 2023. Được xem xét về mặt y tế bởi Steven Gans, MD.