Sự khó kết nối giữa cha mẹ và thanh thiếu niên – Phần 1

Đến với phòng khám, phụ huynh than phiền vì ngày càng không hiểu con của họ. Cha mẹ chia sẻ trước đây các em rất ngoan, vâng lời. Hiện tại các em sẵn sàng cãi lại, tỏ ra khó chịu, buồn chán hoặc chống đối hay thích làm ngược lại ý kiến của họ,…Cha mẹ cảm thấy khá bối rối với mọi thứ đang diễn ra giữa họ với đứa con yêu thương của mình.

Chúng ta cũng đã biết tuổi vị thành niên đây là giai đoạn của nhiều thay đổi về mặt thể chất, tinh thần, tình cảm và xã hội. Các hormones dậy thì bắt đầu được tiết ra. Hầu hết các em trai đều thay đổi khuôn mặt, mọc lông trên cơ thể và giọng nói trở nên trầm hơn. Trong khi đó các em gái đều phát triển ngực và bắt đầu có kinh nguyệt. Các em có thể lo lắng về những thay đổi này và bắt đầu quan tâm về vẻ bề ngoài. Đây cũng sẽ là lúc các em có thể phải đối mặt với những cám dỗ về rượu bia, nghiện hút và tình dục. Những thách thức khác có thể là rối loạn ăn uống, trầm cảm, và các vấn đề gia đình. Ở lứa tuổi này, các em có nhiều lựa chọn hơn về bạn bè, thể thao, học hành và trường lớp. Họ trở nên độc lập hơn, có cá tính và sở thích riêng của mình, mặc dù vẫn còn lệ thuộc phần lớn vào cha mẹ.

Vậy điều gì đã khiến giữa cha mẹ và các em thanh thiếu niên khó có sự kết nối như vậy?

Trước tiên ở vị trí các em thanh thiếu niên, các em luôn yêu quý cha mẹ của mình. Trong sâu thẳm các em muốn hòa hợp, mong muốn có một mối quan hệ cho họ cảm giác an toàn và tin tưởng. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không dễ dàng nhận ra những điều khó chịu theo nhiều cách khác nhau của các em. Sau đây là là một số điều ở các em chia sẻ, có thể giúp chúng ta hiểu hơn vì sao sự kết nối của các em đối với cha mẹ ngày càng không dễ dàng.

Cha mẹ đặt quá nhiều câu hỏi. Khi chia sẻ, các em cảm thấy không thoải mái khi phải trở về nhà với vô số câu hỏi. Cha mẹ có thể hỏi ngày hôm nay như thế nào, nhưng thông thường, cha mẹ tiếp tục hỏi và tiếp tục hỏi. Cuối cùng, các em thanh thiếu niên sẽ chỉ trả lời “ Dạ”, “Vâng”, “Uhm”  hoặc phản ứng thờ ơ. Có thể cha mẹ hỏi hết câu này đến câu khác, nhưng hãy đảm bảo rằng cha mẹ cảm nhận các em có muốn trao đổi tại thời điểm đó không, hay chọn một thời điểm thích hợp khác.

Luôn cố gắng thay đổi ý kiến của các em. Ở giai đoạn này các em hình thành những suy nghĩ, ý kiến của riêng mình dựa trên nền tảng gia đình, trường học, bạn bè và thậm chí là các thông tin điện tử và mạng xã hội. Đôi khi những quan điểm, ý kiến này không hài lòng cha mẹ. Những ý kiến có thể có nhiều thay đổi ở nhiều thế hệ. Bởi vì thời cha mẹ khi công nghệ như internet và điện thoại di động chưa được phổ biến, nhưng hiện nay có vẻ đó là việc bình thường đối với một số thanh thiếu niên. Những tranh luận với nhiều chủ đề khác nhau, nhưng không điều gì có thể thay đổi suy nghĩ của các em. Cuối cùng cha mẹ chỉ cần nhận ra rằng các em sẽ nghĩ một chiều, và cha mẹ có thể nghĩ với nhiều khía cạnh khác nhau.

Không đánh giá cao những cố gắng của các em. Mỗi cá nhân điều có những khả năng, tiềm năng riêng, mỗi một cố gắng nhỏ nhưng nếu được sự công nhận, khích lệ của cha mẹ thì đó là nguồn động viên tuyệt vời cho sự phát triển, tự tin của các em. Nếu cha mẹ luôn với hình ảnh “con nhà người ta” xinh đẹp, học giỏi, thông minh, ngoan ngoãn, nó sẽ là rào cản trong suy nghĩ của chính bản thân cha mẹ và các em.

Luôn bị chỉ trích và phàn nàn. Các thanh thiếu niên càng khó kết nối với cha mẹ khi cha mẹ liệt kê tất cả những việc các em phải làm. Các em cảm thấy cha mẹ yêu cầu họ làm và việc tìm kiếm động lực để thực hiện càng khó khăn hơn. Thông qua việc trao đổi hay thỏa thuận các em sẽ sắp xếp và lựa chọn trình tự công việc phù hợp với tâm trạng, thời gian mà không phải luôn nghe sự phản nàn, chỉ trích từ cha mẹ.

Đôi khi, cha mẹ dành quá nhiều thời gian để cố gắng giữ các em ‘‘an toàn và hạnh phúc’’, đến nỗi họ quên đi rằng các em cần có cơ hội trải nghiệm để trưởng thành. Trong cuộc sống có nhiều vấn đề phát sinh trong các mối quan hệ, cha mẹ cần đồng hành và tạo điều kiện cho các em quyết định, giải quyết vấn đề của mình. Điều này không có nghĩa là hoàn toàn để các em tự do – nó có nghĩa là cho thanh thiếu niên cơ hội cảm thấy rằng họ được tin tưởng để kiểm soát cuộc sống của chính mình.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Dung
Đơn vị Tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố

Tài liệu tham khảo:

  1. My Teen is Driving Me Crazy – Parenting a Teen or Tween (momsoftweensandteens.com)
  2. 5 Things parents Do that drive Teens Crazy ! | RoadTrip Parenting (wordpress.com)