Sử dụng lời khen hiệu quả với trẻ

Phản hồi tích cực luôn có tác dụng khích lệ hơn so với phản hồi tiêu cực. Chính vì thế, ngay từ những năm đầu đời, khen ngợi đóng vai trò quan trọng trong giáo dục và có chức năng như phần thưởng giúp trẻ học được loại hành vi nào có thể chấp nhận và không được chấp nhận. Hơn là chỉ nâng cao sự tự tin, lời khen còn có tác dụng giúp cha mẹ định hình hành vi của trẻ. Như mọi phương pháp giáo dục khác, việc khen ngợi cũng cần một số nguyên tắc mà phụ huynh cần lưu ý.

Một trong những nguyên tắc quan trọng đầu tiên trong khen ngợi là việc tập trung vào nỗ lực và quá trình thực hiện của trẻ. Khi ba mẹ ca ngợi nỗ lực dẫn đến thành công và thể hiện thái độ tích cực ngay cả khi kết quả không lý tưởng, trẻ sẽ gia tăng về nhận thức giá trị bản thân cũng như tính tự chủ. Ví dụ, với trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo, phụ huynh thử nói điều gì đó như: “Mẹ biết rất khó để quét rác thật sạch sẽ nhưng mẹ rất thích nhìn thấy con cố gắng quét nhà.” hoặc “Ba rất thích cách con dẫn banh”. Trong một nghiên cứu của Hiệp hội tâm lý Hoa Kỳ (APA) về phản ứng của các học sinh lớp 5 khi giải bài tập toán, kết quả cho thấy trẻ nhận được lời khen về nỗ lực sẽ thể hiện tính ổn định và kiên cường hơn so với các học sinh nhận được lời khen về trí thông minh. Khi lời khen tập trung vào quá trình hơn là kết quả, phụ huynh góp phần khích lệ trẻ hoàn thành nhiệm vụ mà không cần sự giúp đỡ của người lớn. Chính vì thế, sự kiên trì là chìa khóa quan trọng và là mục đích chính của lời khen. Thậm chí, khi trẻ thất vọng với nỗ lực của chính mình, hãy thừa nhận cảm giác đó trước khi đưa ra hy vọng và lời khích lệ tiếp theo. Ví dụ, khi con chia sẻ: “Con không thể vẽ một con mèo”, phụ huynh có thể trả lời, “Ồ, con mèo đó thật khó vẽ. Bây giờ chúng ta hãy thử vẽ một mặt trăng và sau đó mình vẽ con mèo sau.” hoặc nếu trẻ đang gặp khó khăn khi đạp chiếc xe ba bánh, phụ huynh có thể động viên: “Đi xe đạp rất khó! Nhưng nếu con tiếp tục cố gắng, cuối cùng con sẽ làm được.”

Ngoài ra, việc lựa chọn cách thức khen ngợi đôi lúc đóng vai trò quan trọng hơn cả lời khen. Khi đưa lời động viên, phụ huynh lưu ý tiếp xúc mắt, sử dụng tông giọng ấm áp và ngôn ngữ phù hợp với giai đoạn phát triển của trẻ. Ví dụ, để khen trẻ sơ sinh, ba mẹ có thể thủ thỉ với bé khi con cười với mình. Với những trẻ lớn hơn, hãy sử dụng những từ phản ánh trải nghiệm của trẻ cũng như thể hiện sự thấu hiểu và cảm thông như “Con đang cố gắng rất nhiều để trở thành một cô gái lớn và tự mang vớ. Mẹ có thể giúp con điều đó và sau đó con có thể tự mình mang giày” nếu trẻ quyết tâm tự mang vớ nhưng không thể làm được. Ngoài ra, phụ huynh có thể chú ý khen ngợi những lợi thế của trẻ. Điều này giúp trẻ gia tăng nhận thức về điểm mạnh bản thân và tôn trọng tính khác biệt của mỗi người.

Ba mẹ cũng có thể thúc đẩy sự tự tin của con một cách đơn giản qua việc bình luận hoặc mô tả cụ thể hành động con đang làm, điều mà con sẽ coi như một hình thức khen ngợi, Những lời khen mang tính mô tả như “Con lựa chọn màu cho bức tranh này đẹp quá” hay “Cám ơn con đã tự đánh răng”,… giúp trẻ bạn biết được lý do vì sao con được ba mẹ  ủng hộ. Bên cạnh đó, phụ huynh lưu ý việc tránh lạm dụng lời khen quá mức cũng như phân biệt giữa lời khen sáo rỗng và lời khen thực tế. Bởi một cách đơn giản, khen ngợi mang lại cho trẻ em thông điệp rằng con được chấp nhận và đánh giá cao, tuy nhiên việc ca ngợi quá mức – “con là người giỏi nhất”, “con là người thông minh nhất”, “con là đứa trẻ tuyệt vời nhất” sẽ khiến trẻ cảm thấy dễ thất vọng mỗi khi gặp tình huống khó khăn trong tương lai. Ngoài ra, việc khen ngợi quá mức có thể khiến trẻ cảm thấy áp lực mỗi khi phải thực hiện việc gì đó và có thể phát triển ở trẻ nhu cầu luôn luôn tìm kiếm sự đồng ý của người khác. 

Trẻ em thích được nói rằng con tuyệt vời như thế nào và ba mẹ tự hào về con như thế nào. Chính vì thế, để khuyến khích trẻ phát triển hành vi tích cực và củng cố sự lạc quan cũng như ý thức giá trị bản thân, việc thể hiện qua lời khen và ghi nhận một cách hiệu quả đóng vai trò quan trọng với sự phát triển về mặt cảm xúc và hành của trẻ. 

Tài liệu tham khảo

  1. Dana Sullivan (2007). How to Praise Your Children from https://www.parents.com/toddlers-preschoolers/development/social/how-to-praise-your-children/
  2. Raising Children Network (Australia) (2020). Praise, encouragement and rewards from https://raisingchildren.net.au/toddlers/connecting-communicating/connecting/praise

Chuyên gia tâm lý Nhan Cẩm Nghi
Đơn vị tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố