Sau hai cuộc đời chia đôi, có những nổi đau khó nói thành lời

Ở sau hai cuộc đời chia đôi
Có vành nôi có lời ru chia đôi
Một đôi mắt trẻ thơ lẻ loi…
(“Lời ru chia đôi”- Sáng tác: Trương Ngọc Ninh)

“Thời ông bà” chỉ khi hai vợ chồng sống với nhau khá lâu, khi có nảy sinh những mâu thuẫn, hai người đã cố gắng tìm mọi cách khắc phục, hàn gắn và bất đắc dĩ lắm mới nghĩ đến ly hôn. Nhưng ngày nay, những đôi vợ chồng trẻ có quan điểm “ở được với nhau thì ở, không ở được thì chia tay”. Chính cách suy nghĩ này góp phần khiến tỉ lệ ly hôn hiện nay ngày càng gia tăng.

Khi ly hôn, cha mẹ tức giận, thất vọng, tiếc nuối, buồn cho bản thân hay cho cuộc tình đã qua. Còn con cái? Buồn nhất, đáng thương vẫn là những đứa trẻ. Vì cha mẹ có thể có nhiều người bạn đời mới, nhưng đứa con mãi mãi chỉ có một người cha và một người mẹ mà thôi. Đó chắc chắn là một sự thiếu hụt lớn không thể nào tránh khỏi trong suốt cuộc đời của chúng sau này.

Việc chia tay là một sự kiện đau lòng đối với tất cả các thành viên trong gia đình, đặc biệt  đối với trẻ, tin cha mẹ ly hôn ít nhiều cũng sẽ khiến trẻ cảm thấy đau đớn, tức giận và suy sụp bởi vì:

  • Trẻ nhỏ thường hoang mang khi mình phải đi và về giữa hai nhà. Chúng lo lắng rằng nếu một ngày nào đó cha mẹ chúng ngừng yêu thương nhau, thì cha mẹ cũng có thể ngừng yêu thương mình.
  • Trẻ lứa tuổi tiểu học có thể lo lắng rằng cha mẹ ly hôn là do lỗi của chúng. Chúng sợ do mình quá quắt hay mình đã làm sai điều gì đó.
  • Thanh thiếu niên sẽ cảm thấy tức giận về việc ly hôn và những thay đổi do việc ly hôn đem lại. Chúng có thể đổ lỗi cho cha hoặc mẹ vì sự tan vỡ của cuộc hôn nhân hay chúng có thể oán giận một hoặc cả hai cha mẹ về nguồn cơn biến động trong gia đình.

Việc cha mẹ ly hôn có thể gây ra nhiều phản ứng khác nhau, tùy theo độ tuổi, tính cách của trẻ và cách thức cũng như sự chuẩn bị khi “thông báo tin dữ” đến trẻ. Một số phản ứng thường xuất hiện ở trẻ sau tin chia tay như:

  • Mặc cảm tội lỗi (con thường nghĩ rằng tại mình mà cha mẹ ly hôn)
  • Buồn bã (vì sự thiếu vắng cha/mẹ)
  • Tổn thương nặng nề hơn về mặt tình cảm (thường than khóc, lo âu trầm cảm)
  • Bất an (sợ bị bỏ rơi)
  • Lo âu hay dễ kích động
  • Thu mình lại (khép kín, không tiếp xúc với ai)
  • Thụ động (ù lì, không chơi, không trò chuyện)
  • Mất động lực học tập ở trường (chán học, không tập trung)
  • Biếng ăn hay mất ngủ
  • Độ nhiên có vấn đề về giao tiếp xã hội và thích nghi (ứng xử hung hăng, chống đối, không nghe lời)

Mặc dù việc chia tay (cùng những hậu quả tiếp theo) gây xáo trộn khủng khiếp cho các thành viên trong gia đình, song việc đồng hành cùng con và giúp con vượt qua thử thách này là điều mà cha mẹ cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Dưới đây là 3 điều chính cần lưu ý:

Hãy lắng nghe cảm xúc của con và trả lời những câu hỏi khó của con một cách thành thật.

Nhiều người trong chúng ra thường là sẽ cố gắng tránh những điều không thoải mái, nhất là khi điều đó làm con cái chúng ta buồn. Nhất là khi chính chúng ta là người gây ra nỗi buồn đó. Chúng ta thường tự nhủ với bản thân rằng “Rồi mọi việc sẽ ổn thôi”. Nhưng không, không gì có thể làm cho việc cha mẹ ly hôn trở nên ổn thoả trong mắt trẻ. Điều mà cha mẹ nên làm không phải là lảng tránh và chờ thời gian chữa lành mọi thứ. Trẻ cần cha mẹ giúp giải quyết những nỗi buồn và có thể là những cảm xúc nhầm lẫn của chúng. Chúng cần biết chi tiết những gì chúng thắc mắc và cần cha mẹ đưa ra câu trả lời. Tốt nhất chúng ra nên giúp con khỏi sự bối rối bằng cách nói chuyện và trả lời trung thực những câu hỏi của con, ví dụ: “Con sẽ sống với ai?”, “Liệu con có phải chuyển đi nơi khác?”, “Con sẽ đi học trường mới?”, “Con vẫn được gặp nhóm bạn thân của mình? “, “Cha hoặc mẹ sẽ sống ở đâu?”, “Những ngày cuối tuần gia đình mình có gặp và đi chơi chung với nhau không?”…Hãy tháo gỡ mọi thắc mắc và nhấn mạnh với con rằng gia đình sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này, cho dù có mất bao nhiêu thời gian và điều quan trọng là hãy trấn an trẻ “Dù cha/mẹ không ở cùng với các con nhưng cha mẹ vẫn sẽ luôn yêu thương, quan tâm và chăm sóc các con mỗi ngày”.

Hết tình còn nghĩa, hãy chia tay nhau trong hòa bình

Khi nói chuyện với con, cha/mẹ không nên đổ lỗi cho bản thân vì đã ly dị, nhưng lại càng không nên chỉ trích, đổ lỗi cho người cũ. Việc nói với trẻ về những sai lầm, hoặc nói xấu bố/mẹ chúng có thể khiến cho trẻ có suy nghĩ sai lệch về người sinh ra mình. Đừng quên rằng trẻ là con của cả cha và mẹ, và trẻ yêu cả hai người như nhau.

Tránh đặt trẻ vào thế phải lựa chọn thông qua việc đặt những câu hỏi như: Con muốn ở với ai? bởi điều này sẽ khiến cho đứa trẻ cảm giác mình buộc phải lựa chọn một bên và phản bội bên còn lại. Buộc trẻ phải lựa chọn là hoàn toàn không công bằng với trẻ. Nên bàn bạc vấn đề nuôi con với người chồng/vợ của mình thì hơn. 

Đừng biến con thành người trung gian để làm người đưa tin. Trên thực tế, việc biến con thành trung gian khiến đứa trẻ stress vì không thể truyền tải đúng những lời nói, suy nghĩ của bố tới mẹ, và ngược lại. Đứa trẻ vốn đã bị căng thẳng bởi sự việc xảy ra, và bạn không cần phải làm trầm trọng hơn mọi thứ bằng cách khiến con cảm thấy như thể đang ở giữa hai làn đạn, và buộc phải đóng vai người đàm phán. Những đứa trẻ bị kẹt ở giữa có nhiều khả năng rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm

Hướng dẫn cho trẻ kỹ năng ứng phó

Cuộc sống sau khi ly hôn, những đứa con sẽ có những câu hỏi cho cha mẹ như: “Mẹ ơi bố đâu? sao bố không ở chung với mình? Sao bố mẹ không ở với nhau? Bố ghét mẹ con mình à? Ly hôn là gì hả mẹ? hôm nay bố có đến thăm con không? Con muốn cả ba mẹ đưa con đi chơi có được không? Con muốn ba mẹ về ở với nhau có được không?….” Việc trẻ hỏi thể hiện việc chúng khao khát có cả cha lẫn mẹ, khao khát được bố mẹ sống cùng nhau và khát khao nhận được tình thương yêu, sự chăm sóc của cả cha lẫn mẹ, hy vọng rằng ngày nào đó ba mẹ sẽ quay lại với nhau là điều hoàn toàn tự nhiên đối với trẻ. Thương tiếc cho mất mát gia đình là tiến trình bình thường và theo thời gian cả gia đình sẽ dần chấp nhận môi trường sống mới. Vì thế, trong quá trình ứng phó với những thay đổi lớn trong cuộc sống, cha mẹ có thể hỗ trợ bằng cách lắng nghe nỗi lòng của trẻ và giúp trẻ tự biểu lộ cảm xúc chính mình. Con cần biết rằng cảm xúc của con rất quan trọng đối với ba mẹ. Việc phản hồi cảm xúc của trẻ ví dụ: “Mẹ biết hiện giờ con cảm thấy buồn. Con có biết cái gì đang làm cho con buồn không?” hoặc “Cha biết con cảm thấy cô đơn khi không có mẹ ở đây” góp phần giúp trẻ nhận thức cảm xúc hiện tại của mình là phù hợp. 

Thừa nhận cảm xúc của trẻ. Hãy nói: “Không có gì lạ khi con buồn” hoặc “Mẹ biết sự đau đớn này có thể không bao giờ tiêu tan, nhưng rồi nó sẽ nguôi ngoai con ạ”, để cho trẻ biết rằng xúc cảm của chúng có giá trị. Điều quan trọng là khích lệ con bộc lộ hết trước khi bạn bắt đầu đưa ra hướng cải thiện tình hình.

Tích cực hỗ trợ. Hãy hỏi: “Con nghĩ cái gì sẽ giúp con thấy khá hơn?” Trẻ có thể chưa gọi được tên cái đó, vậy bạn có thể đưa ra một vài gợi ý – như ngồi cùng nhau một lát, đi bộ, đi ăn hoặc ôm con thú nhồi bông yêu thích. Nên biết rằng một số trẻ chỉ cần mất một thời gian ngắn để dàn xếp, song có em “cả nghĩ” có thể cần vài tháng hoặc thậm chí cả năm. Điều quan trọng là khuyến khích trẻ thể hiện cảm xúc trước khi ba mẹ bắt đầu đưa ra những cách khác giúp trẻ cảm thấy ổn hơn. Với những trẻ nhỏ hơn, phụ huynh có thể gợi ý cho trẻ gọi điện cho cha (mẹ) hoặc tặng cha (mẹ) bức tranh khi cha (mẹ) đến thăm trẻ.

Hãy cố gắng duy trì mọi thứ bình thường nhất có thể sau khi ly hôn bằng cách giữ nếp sống đều đặn như bữa cơm, quy định cư xử, kỷ luật để giảm bớt những di hại của việc chia tay lên sinh hoạt hằng ngày và môi trường sống của trẻ. Hãy để cho trẻ có thời gian thích nghi, nhất là giúp trẻ bằng cách có mặt bên trẻ và quan tâm đến những nhu cầu của trẻ. Trái ngược với cha mẹ, trẻ không chia tay cha mẹ về mặt tình cảm, chính vì thế, việc chia tay của cha mẹ lại là một thử thách khó khăn hơn nữa đối với trẻ. Ly dị là một khủng hoảng gia đình, song nếu hai người cùng hợp tác với nhau thì cha mẹ có thể giúp con vượt qua giai đoạn khủng hoảng này và cả hai đều có thể tiếp tục là cha mẹ tốt.

Tài liệu tham khảo:

  1. The Psychological Effects of Divorce on Kids (verywellfamily.com)
  2. Le psy-guide Des parents épuisés_Suzanne Vallieres

Chuyên gia tâm lý Ngô Phạm Thị Thúy Trinh
Đơn vị tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố