Nơi đó là nhà.

Người Việt đã rất tinh tế gọi gia đình là ‘nhà’ với tất cả sự trân trọng. ‘Nhà’ đâu chỉ là kiến trúc gỗ đá mà còn có thể là người bạn đời yêu thương hay không gian chia ngọt sẻ bùi để trở về sau những vất vả cuộc đời.

Nơi nhân loại bắt đầu

Gia đình chính là nơi nhân loại được duy trì và tiếp nối. Trong tình yêu, cha mẹ tạo ra sự sống mới và truyền cho thế hệ sau tất cả những di sản của cuộc đời mình. Nói một cách khác, tạo ra một đứa trẻ có thể xem là thành quả vĩ đại nhất mà một người có thể thực hiện. Vì thế, gia đình luôn chiếm vai trò quan trọng hàng đầu trong tâm trí mỗi cá nhân.

Nhà tâm lý học John Bowlby đã chỉ ra tầm quan trọng của sự gắn bó của một đứa trẻ với mẹ (hoặc người chăm sóc thay thế) trong giai đoạn những năm đầu đời. Nếu không may sự gắn bó của mẹ và con không thể thiết lập một cách tích cực do những yếu tố bất lợi từ sức khỏe của mẹ, hoàn cảnh gia đình… có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực nghiêm trọng trong việc phát triển nhân cách con sau này. Ông dùng thuật ngữ ‘sự tước đoạt người mẹ’ (maternal deprivation) để nói về việc đứa trẻ bị chia cắt và không thể gắn bó an toàn với mẹ mình.

Chính cách thức gắn bó với mẹ là một khuôn mẫu giúp trẻ xây dựng các mối quan hệ sau này, đặc biệt là tương quan lứa đôi. Nếu ai đó không cảm nhận được sự an toàn trong gắn bó với mẹ, khi kết hôn họ có thể sẽ rất lo âu đối với mối quan hệ vợ chồng. Từ đó phát sinh ra biết bao hành vi ghen tuông, theo dõi, kiểm soát lẫn nhau. Câu chuyện tưởng như thường ngày của đời sống gia đình lại ngầm chứa một nguồn gốc tâm lý sâu xa đằng sau mà nhiều lúc chúng ta khó nhận ra.

Ở một góc nhìn khác, bác sĩ tâm thần người Mỹ Murray Bowen lại đưa ra khái niệm ‘khả năng cá biệt hóa bản thân’ (self-differentation). Điều này giúp cho mỗi người có thể phát triển sự độc lập trong tư tưởng, cảm xúc, tự do lựa chọn mục đích sống mà không quá phụ thuộc vào cha mẹ. Đứa con sẽ tránh được nguy cơ phải mang hết tất cả những dở dang, đau khổ của những thế hệ đi trước.

Làm sao để thanh thản sống cuộc đời của riêng mình nhưng vẫn không phủ nhận tầm quan trọng của các mối quan hệ trong gia đình quả thật là một điều khó khăn.

Đường về không còn chung lối

Khi đề cập đến sự liên hệ mật thiết giữa gia đình và cá nhân cũng như tầm quan trọng của mối quan hệ mẹ – con, cũng không thể bỏ qua những gia đình đang gặp khó khăn. Rất nhiều cặp vợ chồng sau thời gian chung sống không tìm được tiếng nói chung đã dẫn đến tình trạng đổ vỡ. Theo số liệu từ nghiên cứu công bố 2008 của tiến sĩ Nguyễn Minh Hoà (ĐHKHXH&NV TPHCM) cho thấy tại Việt Nam trung bình 3 cặp kết hôn thì có một cặp ly hôn.

Việc phải đối diện với sự kiện bố mẹ chia tay sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của con cái trên nhiều góc độ. Theo Joan Kelly và Robert E. Emmery, những đứa trẻ ấy khi lớn lên sẽ gặp khó khăn để xây dựng, duy trì các mối quan hệ tình cảm và tỷ lệ đổ vỡ hôn nhân của chúng cũng cao hơn.

Trong thực tế, sau khi ly hôn, một người sẽ có xu hướng tìm đồng minh lôi kéo con về phe mình để nói xấu, kể tội, đả kích và chống lại đối phương. Trong tuần ở với mẹ thì con được nghe kể tội bố bội bạc, cuối tuần về nhà nội chơi lại phải chứng kiến mẹ bị kết án thiếu trách nhiệm…

Tình trạng này rất dễ đặt đứa trẻ vào tâm thế khó xử và căng thẳng vì không biết chọn lựa đứng về phía nào. Bởi lẽ lòng trung thành đối với gia đình (family loyalty) là một yếu tố tự nhiên có nơi mọi đứa con khi luôn có xu hướng bảo vệ và gắn bó tình cảm với những người sinh thành ra mình.

Vì vậy, khi không thể tiếp tục chung sống với nhau, cha mẹ cần giải thích rõ ràng với con cái về thực tế của gia đình. Tránh làm cho trẻ cảm thấy mình là nguyên nhân làm đổ vỡ hạnh phúc của bố mẹ. Hãy đảm bảo trẻ cảm thấy dù trong hoàn cảnh nào, mình cũng được bố mẹ yêu thương và đón nhận.

Không ai có thể lựa chọn gia đình để sinh ra. Như một sự ngẫu nhiên của số phận, chúng ta hiện hữu trong một gia đình và được thừa hưởng tất cả mọi giá trị tốt đẹp lẫn bao sự dở dang từ ông bà, cha mẹ. Nơi ta chào đời và ra đi cũng là nơi sẽ chờ ta trở về. Nơi đó, là NHÀ.

Chuyên gia Tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện
Đơn vị Tâm lý – Bệnh viện Nhi đồng Thành phố