Những nguy cơ khi đánh đòn trẻ em (Phần 1)

Trẻ em phát triển tốt hay có những bất ổn trong quá trình phát triển phụ thuộc nhiều vào sự giáo dục của gia đình. Những nghiên cứu xoay quanh các tài đề giáo dục, nuôi dạy trẻ đã được cha mẹ quan tâm và đặt ra nhiều câu hỏi về việc nuôi dạy có đòn roi hay không?
Và câu hỏi đầu tiên được đặt ra: “ Tôi có nên đánh con tôi không?” Câu trả lời ngắn gọn là: “Không’’.

Một số cha mẹ/ người chăm sóc cảm thấy do dự khi từ bỏ kỷ luật mà họ đã trải qua khi còn nhỏ. Tuy nhiên,  suy nghĩ về việc đánh trẻ đã thay đổi trong những năm qua, và giờ đây, các bác sĩ và nhóm bảo vệ trẻ em đưa ra lời khuyên không đánh, tát hoặc bất kỳ hình thức trừng phạt thân thể nào khác lên trẻ em.

Khi trẻ có hành vi chưa phù hợp hoặc có hành động chống đối hoặc thậm chí nguy hiểm, cha mẹ cho trẻ thấy hành vi của trẻ để trẻ thích ứng hoặc thay đổi phù hợp. Đánh đòn có vẻ là một cách trực tiếp đem lại hiệu quả nhanh, nhưng nó mang lại những thông điệp khác mà cha mẹ/ người chăm sóc cần lưu ý:

Sợ hãi. Đánh đòn dạy trẻ sợ cha mẹ/ người chăm sóc. Trẻ cảm thấy khó chịu, tổn thương và đáp trả bằng cách bất hợp tác. Kết quả: Cha mẹ/người chăm sóc không thể hiểu được điều gì đã xảy ra và làm sao đặt ra các giới hạn hiệu quả cho con mình?

Không tin tưởng. Đánh đòn dạy trẻ rằng khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ sẽ trừng phạt trẻ hơn là đưa ra những hướng dẫn thông cảm. Nó làm xói mòn lòng tin và phá vỡ mối liên kết giữa cha mẹ và trẻ, điều này sẽ làm cho trẻ thiếu tự tin trong quá trình phát triển.

Xu hướng bạo lực. Nếu cha mẹ đánh đòn, trẻ có thể học được rằng bạo lực là cách để giải quyết vấn đề. Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi các nghiên cứu chỉ ra rằng những đứa trẻ bị đánh đòn có nhiều khả năng đánh nhau hơn với những đứa trẻ khác. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trẻ em bị đánh đòn có nhiều khả năng trở thành người lớn bạo lực hơn.

Lòng tự trọng kém. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc đánh trẻ có thể gây tổn thương tinh thần lâu dài hơn những tổn thương cơ thể của trẻ. Nó có thể làm tổn thương ý thức về bản thân của trẻ. Trẻ có thể lý luận rằng nếu trẻ không phải là một người tồi tệ như vậy, trẻ sẽ không bị đánh. Các nghiên cứu của cố nhà tâm lý học Irwin Hyman và các đồng nghiệp tại Đại học Temple đã chỉ ra rằng bất kể trẻ được nuôi dưỡng trong gia đình như thế nào, việc đánh đòn luôn làm giảm lòng tự trọng.

Nguy hiểm. Đánh đòn có thể nguy hiểm về thể chất, đặc biệt nếu cha mẹ đánh mạnh hơn dự định ban đầu chỉ để hù dọa. Đôi khi đánh đòn có thể làm trẻ bị bầm tím, để lại máu tụ (vết phồng rộp máu), hoặc làm tổn thương mô mềm; một số trẻ em thậm chí phải nhập viện và nguy cơ tử vong vì điều đó.

Câu hỏi tiếp theo cha mẹ đưa ra: “Tôi bị đánh đòn và tôi không sao, thì tại sao tôi không nên đánh con tôi?”

Hầu hết chúng ta đều bị đánh đòn khi còn nhỏ – 82%, theo một số cuộc thăm dò – và chúng ta không đến nỗi tệ, phải không? Chúng ta có thể cảm thấy rằng cha mẹ của chúng ta là những bậc cha mẹ tốt, rằng họ đánh đòn chúng ta vì họ yêu thương chúng ta. Vậy tại sao chúng ta không nên thực hành cùng một “tình yêu thương cứng rắn” đối với con cái của chúng ta?

Câu trả lời là chúng ta biết nhiều về tác động tiêu cực của việc đánh đòn. Cha mẹ của chúng ta có thể đã yêu thương chúng ta. Họ có thể là những bậc cha mẹ tuyệt vời. Nhưng nếu họ biết những gì chúng ta biết bây giờ, họ có thể đã không đánh đòn chúng ta. Những nghiên cứu cho thấy rằng những đứa trẻ bị cha mẹ trừng phạt về thể chất có nhiều khả năng tham gia vào các hành vi bạo lực, hung hãn – cả khi còn nhỏ và khi trưởng thành.

Chỉ cách đây vài thập kỷ, một số chuyên gia nuôi dạy trẻ đã xem việc đánh đòn là một cách có thể chấp nhận để kỷ luật trẻ em. Ngày nay, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, và các tổ chức sức khỏe trẻ em khác cực lực phản đối hình phạt thể xác ở trẻ em.

Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 7 năm 2002, một nhà tâm lý học đã phân tích sáu thập kỷ nghiên cứu về trừng phạt thân thể đã phát hiện ra rằng, nó khiến trẻ em có nguy cơ bị tổn hại lâu dài hơn nhiều so với lợi ích ngắn hạn của việc vâng lời ngay lập tức.

Nhà tâm lý học Elizabeth Gershoff (Giáo sư Khoa học Gia đình và Phát triển Con người) tại Trung tâm Quốc gia về Trẻ em Nghèo đói của Đại học Columbia đã tìm thấy mối liên hệ giữa đánh đòn và thái độ hung hăng, hành vi chống đối xã hội và các vấn đề sức khỏe tâm thần. Giáo sư  đã dành 5 năm để phân tích 88 nghiên cứu về trừng phạt thân thể được thực hiện từ năm 1938.

Một nghiên cứu khác của nhà tâm lý học Murray A.Straus, đồng giám đốc Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Gia đình tại Đại học New Hampshire, đã theo dõi 800 trẻ em trong độ tuổi từ 2 đến 4 tuổi và đưa ra phát hiện đáng ngạc nhiên này: Ông cho rằng lý do những bậc cha mẹ không đánh đòn con cái của họ vì họ dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện và lý luận với chúng. Ông nói: “Cha mẹ càng sử dụng càng ít hình phạt thể xác, thì họ càng tạo ra nhiều kích thích cho đứa trẻ”.

Gíao sư cũng tin rằng việc đánh đòn có thể khiến trẻ em ngừng hành vi không phù hợp trong thời gian ngắn, nhưng nó khiến chúng có nhiều khả năng hành động không phù hợp về lâu dài. Nghiên cứu năm 1997 của ông cho thấy trẻ em càng bị đánh đòn, chúng càng có xu hướng đánh nhau, ăn cắp và tham gia vào các hành vi chống đối xã hội khác. Kết quả này được lặp lại ở một số nghiên cứu khác, cho thấy rằng những đứa trẻ bị đánh ở nhà có nhiều khả năng trở thành trẻ vị thành niên phạm pháp khi còn ở tuổi vị thành niên hơn những đứa trẻ không bị trừng phạt về thể chất. Mặt khác, các trẻ gái có nhiều khả năng bị trầm cảm hơn.

Ngoài ra, một nghiên cứu mang tính bước ngoặt về trải nghiệm thời thơ ấu bất lợi (ACEs) như bị bỏ rơi, lạm dụng thể chất hoặc lời nói, cho thấy rằng những nghịch cảnh thời thơ ấu ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ, hệ thống nội tiết tố, hệ thống miễn dịch và thậm chí cả DNA của trẻ.

Việc trừng phạt trẻ nhỏ bằng cách rung lắc, đặc biệt não bộ của chúng vẫn đang phát triển. Hàng năm, hàng nghìn trẻ em từ 2 tuổi trở xuống bị thương – đôi khi thiệt mạng – khi chúng bị rung chuyển hoặc va đập. Hội chứng trẻ sơ sinh bị lắc, như các bác sĩ gọi là hội chứng rung lắc trẻ ( Shaken baby syndrome), thường xảy ra với trẻ em dưới 1 tuổi và đôi khi xảy ra với trẻ em dưới 2 tuổi. Nó có thể gây xuất huyết não, mù lòa, tổn thương não nghiêm trọng và thậm chí tử vong.

Trong khi vẫn còn nhiều các bậc cha mẹ vẫn sử dụng hình phạt thể xác, nghiên cứu gần đây cho thấy rằng phần lớn cha mẹ hiện đang chọn cách không kỷ luật thể xác con cái của họ. Năm 1995, một cuộc khảo sát của tổ chức Gallup cho thấy 94% phụ huynh nói rằng họ đã trừng phạt con cái 4 và 5 tuổi của họ, và gần 30% phụ huynh thừa nhận đã đánh trẻ từ 5 đến 12 tuổi bằng thắt lưng, mái chèo…, hoặc các vật dụng khác. Nhưng một cuộc thăm dò năm 2010 của Đại học Michigan cho thấy các quốc gia có xu hướng gíao dục kỷ luật không đòn roi, với 38% phụ huynh nói rằng họ có khả năng đánh đòn hoặc trách mắng trẻ trong độ tuổi từ 2 đến 5 tuổi.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Dung
Đơn vị Tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố

Tài liệu tham khảo

  1. The Effect of Spanking on the Brain | Harvard Graduate School of Education
  2. https://consumer.healthday.com/encyclopedia/children-s-health-10/child-development-news-124/spanking-the-case-against-it-ages-1-3-646299.html