Lo âu chia tay và rối loạn lo âu chia tay ở trẻ em

Lo âu chia ly

Trong khoảng thời gian thơ ấu, việc cảm thấy lo lắng khi nói lời tạm biệt với ba mẹ là tiến trình tự nhiên của trẻ. Các dấu hiệu khóc lóc, cáu kỉnh hoặc đeo bám là những phản ứng lành mạnh đối với sự chia ly cũng như biểu hiện một giai đoạn phát triển bình thường. Phản ứng này có thể xuất hiện trước sinh nhật đầu tiên của con và kéo dài đến khi trẻ 4 tuổi. Mặc dù cường độ và thời gian của lo âu chia ly có thể rất khác nhau ở từng trẻ, nhưng với sự hiểu biết và các chiến lược ứng phó đúng đắn, nỗi sợ hãi của trẻ có thể được xoa dịu và sẽ biến mất hoàn toàn khi con lớn hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi ba mẹ cố gắng hết sức, một số trẻ vẫn trải qua nỗi lo lắng quá mức về sự chia ly trong suốt những năm học tiểu học hoặc về sau. Nếu lo âu chia ly diễn ra một cách liên tục hoặc tái diễn theo tháng và cản trở các hoạt động bình thường như học tập hay vui chơi cùng bạn bè, đó có thể là dấu hiệu của rối loạn lo âu chia ly.

Rối loạn lo âu chia ly

Rối loạn lo âu chia ly diễn ra khi tình trạng sợ hãi, lo âu hoặc tránh né kéo dài ít nhất 4 tuần đối với trẻ em, vị thành niên và ảnh hưởng đáng kể đến tương tác xã hội, học tập và các chức năng đời sống khác của trẻ. Theo Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần, phiên bản thứ năm (DSM-5), tỷ lệ mắc rối loạn lo âu chia ly khoảng 4% với trẻ em (kéo dài từ 6 – 12 tháng) và 1.6% với vị thành niên (kéo dài trong 12 tháng). Các triệu chứng của rối loạn lo âu chia ly có thể được biểu hiện qua ít nhất 3 trong số các triệu dấu hiệu dưới đây:

  • Đau khổ (distress) tái diễn quá mức khi nghĩ trước hoặc trải nghiệm việc rời khỏi nhà hoặc chia ly với người gắn bó chính.
  • Lo lắng dai dẳng quá mức về việc mất đi người gắn bó chính hoặc về khả năng người đó bị bệnh, bị thương, gặp tai họa hoặc qua đời.
  • Lo lắng dai dẳng quá mức về sự kiện tiêu cực (ví dụ như bị lạc, bị bắt cóc, tai nạn, bị bệnh tật) và dẫn đến sự chia tách với người gắn bó chính.
  • Miễn cưỡng hoặc từ chối một cách dai dẳng việc rời khỏi nhà để đi học hoặc đến nơi nào đó có nguy cơ bị chia tách.
  • Sợ hãi dai dẳng quá mức hoặc miễn cưỡng ở một mình khi ở nhà hoặc nơi khác mà không có người gắn bó chính.
  • Miễn cưỡng hoặc từ chối ngủ ở nơi khác (không ở nhà) hoặc đi ngủ mà không có người gắn bó bên cạnh.
  • Thường xuyên có ác mộng về chủ đề chia tách.
  • Thường xuyên than phiền về các triệu chứng cơ thể (ví dụ, đau đầu, đau dạ dày, buồn nôn, nôn) khi sắp hoặc chia tách với người gắn bó.

Những nguy cơ phổ biến của rối loạn lo âu chia ly đến từ môi trường cũng như di truyền và sinh lý. Bên cạnh yếu tố sinh học, phụ huynh cần lưu ý đến những sự kiện có thể khiến thế giới của trẻ mất cân bằng hoặc làm đảo lộn thói quen thường ngày. Đó có thể là những sự kiện gây căng thẳng trong đời sống, đặc biệt liên quan đến mất mát, bệnh tật, môi trường thay đổi, tai họa,… và dẫn đến việc trẻ xa cách với người gắn bó chính. Bên cạnh đó, sự bao bọc quá mức của gia đình và mối quan hệ gắn bó thiếu an toàn cũng có thể liên quan đến rối loạn lo âu chia ly. Các mục tiêu của can thiệp và điều trị bao gồm giảm lo âu ở trẻ, phát triển cảm giác an toàn giữa trẻ và người chăm sóc và chiến lược ứng phó với lo âu chia ly. Các phương pháp điều trị có thể được sử dụng bao gồm trị liệu nhận thức hành vi (CBT), dược phẩm, can thiệp trong trường học và hỗ trợ từ phụ huynh. Khi nghi ngờ trẻ có những dấu hiệu trên, phụ huynh cần đưa trẻ đến các chuyên gia để được đánh giá và trị liệu phù hợp.

Rối loạn lo âu chia ly xảy ra khi trẻ cảm thấy không an toàn theo một cách nào đó. Chính vì thế, việc tạo môi trường an toàn, lắng nghe, đồng cảm góp phần như “tấm gương” xoa dịu và trấn an cho trẻ. Bên cạnh đó, phụ huynh cần khuyến khích sự độc lập phù hợp với lứa tuổi và tham gia các hoạt động xã hội, thể chất ở trẻ. Việc ghi nhận và khen ngợi những nỗ lực của con bạn và sử dụng những thành tích nhất định (điểm tốt ở trường, ngủ ngoan,…) sẽ là lý do để củng cố các hành vi tích cực cho trẻ.

Tài liệu tham khảo

  1. American Psychiatric Association. (2013). Diagnostic and statistical manual of mental disorders (5th ed.).
  2. Robinson L., Segal J., Smith M.,(2020). Separation Anxiety and Separation Anxiety Disorder from https://www.helpguide.org/articles/anxiety/separation-anxiety-and-separation-anxiety-disorder.htm
  3. WebMD Medical Reference (2020). Separation Anxiety Disorder from https://www.webmd.com/parenting/separation-anxiety
  4. Children’s National (2020). Pediatric Separation Anxiety Disorder from https://childrensnational.org/visit/conditions-and-treatments/mental-health-behavioral-disorders/separation-anxiety-disorder

Chuyên gia tâm lý Nhan Cẩm Nghi
Đơn vị tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố