Khủng hoảng tuổi lên ba: Cha mẹ cần gì làm gì ?

Việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái luôn được cha mẹ quan tâm. Từ khi trẻ bắt đầu cất tiếng khóc chào đời đến chập chững bước đi, cười nói bí bô nhưng bỗng một ngày cha mẹ cảm thấy ngạc nhiên, bối rối và không biết phải làm gì với những hành vi bất thường đang diễn ra mà trước đây trẻ rất ngoan. Cha mẹ không hiểu điều gì đang xảy ra với trẻ khi trẻ bắt đầu bước sang 3 tuổi.Vậy thì cha mẹ sẽ làm gì để đồng hành cùng trẻ vượt qua gia giai đoạn khủng hoảng này?

Nguyên nhân của khủng hoảng tuổi lên 3

Khi nghe nói đến từ “khủng hoảng” có vẻ như có gì đó thật sự rất kinh khủng nhưng thật chất đó chỉ diễn đạt cho một giai đoạn phát triển tự nhiên trong quá trình phát triển tâm lý của con người. Khi trẻ bước vào tuổi lên 3, trẻ nhận thức được khả năng của bản thân. Sự phát triển khéo léo của đôi bàn tay, sự phát triển ngôn ngữ với khả năng diễn đạt nhận thức thế giới xung quanh của trẻ ngày càng được tích lũy, các kỹ năng vận động cùng với khả năng tự phục vụ bản thân….

Ở độ tuổi này, trẻ cảm nhận sự “lớn” dần trong cơ thể, trẻ muốn được làm mọi việc như người lớn. Tuy nhiên, với khả năng hiện tại của trẻ chưa thể làm hết mọi việc hoặc bị cha mẹ ngăn cấm nên dần dần tạo nên những phản ứng, những hành vi tiêu cực.

Bên cạnh đó, do ngôn ngữ của trẻ chưa phát triển toàn diện làm cho trẻ chưa biết cách diễn đạt trọn vẹn mong muốn của mình với người lớn cũng như việc thực hiện các điều cấm, hình phạt thường xuyên và không đầy đủ, cũng như sự bảo vệ quá mức trong giáo dục, không có sự “liên minh” của các thành viên hoặc không thống nhất trong nội quy gia đình hoặc tấm gương giáo dục cũng sẽ làm cho cuộc khủng hoảng ở trẻ trở nên dữ dội hơn.

Cha mẹ cần gì ?

Dưới đây là một số lời khuyên gợi ý giúp cho cha mẹ và trẻ vượt qua giai đoạn khủng hoảng này:

Tất cả các thành viên trong gia đình phải liên minh, thống nhất với nhau trong quan điểm giáo dục.

Tạo cho trẻ cơ hội để trẻ bày tỏ, đưa ra ý kiến của mình và làm các hoạt động thuộc phạm vi của trẻ.

Giải thích cho trẻ vì sao trẻ không được đáp ứng nhu cầu trẻ muốn và đó là lần giải thích duy nhất.

Nhấn mạnh những việc nên làm và không nên làm, thay vì “cấm”.

Tìm hiểu mong muốn độc lập của trẻ, khả năng hiện tại, các khó khăn của trẻ.

Giao tiếp với trẻ như trẻ là một “người lớn”.

Không chỉ trích những lỗi lầm hay thất bại của trẻ cũng như ám thị điều không tích cực với trẻ và hỗ trợ trẻ khi trẻ gặp khó khăn để tránh những thất bại liên tiếp.

Tấm gương cho trẻ.

Những tình huống gay gắt xảy ra, không đáp ứng nhu cầu của trẻ mà cho trẻ được quyền lựa chọn.

Giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 của trẻ sẽ nhanh chóng qua đi, những phản ứng không tích cực dần sẽ được khắc phục nếu được sự quan tâm, khuyến khích và hỗ trợ; tính độc lập của trẻ ngày càng tăng, trẻ sẽ tự tin hơn với khả năng của mình trong cuộc sống.

Hy vọng với những chia sẻ trên đây sẽ giúp cho cha mẹ hiểu hơn về nguyên nhân khủng hoảng tuổi lên 3 và đồng hành cùng trẻ trong giai đoạn này để trẻ phát triển toàn diện nhất.

Chuyên gia Tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Dung
Đơn vị Tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố

Tài liệu tham khảo:

  1. https://nanopdf.com/download/development-of-a-child-during-the-third-year-crisis-and-ways-preserve-his-psycho_pd
  2. https://vnexpress.net/giup-tre-vuot-qua-giai-doan-khung-hoang-tuoi-len-3-3386009.html