Khi nào trẻ sẵn sàng học mẫu giáo

Mẫu giáo là một trải nghiệm mới mẻ – không chỉ đối với trẻ mà còn đối với các bậc phụ huynh. Với kỳ vọng đây sẽ là bước đệm thuận lợi cho con đường học tập nói riêng và con đường tương lai của trẻ nói chung, nhiều gia đình mong muốn mang lại điều tốt nhất cho con đồng thời thể hiện nhiều trăn trở về mức độ sẵn sàng đến trường của trẻ…
Lợi ích việc học mẫu giáo
Mẫu giáo là bước khởi đầu cho việc tự lập và nền tảng cho sự nghiệp học hành tương lai. Sau quá trình sinh hoạt và học tập ở mẫu giáo, trẻ sẽ biết cách hoàn thành nhiệm vụ với ít sự giúp đỡ từ bên ngoài hơn, nhận nhiều trách nhiệm và tuân thủ các quy tắc chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, một trong những lợi ích to lớn của việc học mẫu giáo là hỗ trợ trẻ các kỹ năng xã hội như chia sẻ, tương tác với những người lớn tuổi hoặc các bạn đồng trang lứa. Trẻ đồng thời sẽ rèn luyện các kỹ năng về phối hợp vận động, ý thức về tự chủ và giá trị bản thân.
Hiện nay có rất nhiều quan điểm khác nhau định nghĩa về mức độ sẵn sàng cho trẻ học mẫu giáo, tùy thuộc vào độ tuổi, trường học, bối cảnh gia đình,… Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý rằng sự sẵn sàng đến trường mầm non ở trẻ bao gồm các mặt cảm xúc, tự lập bên cạnh các kĩ năng học thuật. Bởi những kỹ năng này sẽ phát triển theo thời gian, tùy thuộc vào khả năng và kinh nghiệm của từng trẻ. Do đó, điều quan trọng cho sự sẵn sàng đi học ở trẻ là việc cung cấp những trải nghiệm thời thơ ấu và môi trường chuẩn bị cho trẻ học hỏi. Việc xác định trước mục tiêu cho việc đến trường sẽ góp phần giảm lo lắng của ba mẹ đồng thời giúp phụ huynh chọn môi trường phù hợp với mục tiêu và điều kiện gia đình.

Các dấu hiệu cho việc sẵn sàng đến trường của trẻ
– Trẻ có thể thực hiện các chỉ dẫn đơn giản. Việc đáp ứng một hoặc hai lệnh đơn giản là dấu hiệu thuận lợi để trẻ có thể hoàn thành các nhiệm vụ trong lớp học.
– Trẻ có thể ứng phó với việc tạm thời chia tách gia đình.
Phần thử thách nhất của trẻ trong quá trình chuyển tiếp lên trường mầm non có thể xuất phát từ nỗi sợ hãi hoặc lo âu về chia ly. Sau khi tạm biệt ba mẹ, một bạn nhỏ có thể khóc trong khoảng thời gian ngắn, nhưng nếu trẻ tiếp tục khó chịu suốt cả ngày, trẻ có thể không sẵn sàng ở trường mầm non mà không có ba mẹ. Gia đình cần hỗ trợ trẻ bằng cách giới thiệu về sinh hoạt, thói quen mới trong trường và trấn an trẻ rằng ba mẹ sẽ quay lại đón con sau một ngày học tập vui vẻ cùng bạn bè.
– Trẻ có khả năng tập trung vào một nhiệm vụ. Việc sở hữu khả năng tập trung ngắn hạn trước khi bước vào trường mầm non sẽ giúp trẻ tận dụng tối đa các hoạt động trong lớp và tiếp tục phát triển các kỹ năng tập trung dài hạn.
– Trẻ mong muốn chơi cùng các bạn khác. Mầm non là thời kỳ phát triển đáng kể trong lĩnh vực về tương tác xã hội. Vì vậy, đầu tiên và quan trọng nhất, trẻ cần quan tâm đến việc tham gia hoạt động với các bạn đồng trang lứa. Điều này thể hiện qua các cử chỉ như mỉm cười, vẫy tay chào, chào hỏi,… các bạn khác. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng kết bạn và chơi chung với những người khác trong lớp học.
– Trẻ có một số kỹ năng tự lập cơ bản. Trước tiên, trẻ cần biết một số kỹ năng chăm sóc bản thân khi ở trường như: tự mặc áo khoác, tự cởi giày dép, tự xúc ăn và dọn dẹp đồ chơi,…và yêu cầu sự giúp đỡ khi chưa thể thực hiện điều đó. Bên cạnh đó, trong quá trình học mẫu giáo, giáo viên sẽ góp phần hoàn thiện kỹ năng tự lập ở trẻ và sẵn sàng giúp đỡ trẻ khi cần thiết.
– Trẻ đã được tập ngồi bô hoặc nhà vệ sinh. Không phải tất cả các trường mầm non đều yêu cầu học sinh phải được tập ngồi bô, tuy nhiên đây sẽ là kỹ năng giúp trẻ thoải mái và tránh những tình huống xấu hổ khi sinh hoạt cùng bạn bè.
– Trẻ được chuẩn bị trước về những hoạt động sẽ diễn ra ở trường mẫu giáo. Bởi những cảm xúc lo lắng trước những trải nghiệm mới mẻ là điều hoàn toàn tự nhiên. Chính vì thế, phụ huynh có thể giúp trẻ chuẩn bị bằng cách đưa trẻ học “dự thính”, kể chuyện, đọc sách chủ đề về trường mầm non và giới thiệu các hoạt động diễn ra ở trường, ví dụ như xác định màu sắc, ca hát,…
Cần lưu ý rằng sẽ không có công thức hoàn hảo xác định thời điểm trẻ thực sự sẵn sàng học mẫu giáo. Bởi sự tăng trưởng của trẻ trong những năm đầu đời diễn biến khá nhanh chóng và mỗi trẻ sẽ phát triển các kỹ năng ở các mức độ khác nhau. Vì thế, những gợi ý tham khảo dưới đây góp phần hỗ trợ phụ huynh đánh giá đồng thời chuẩn bị hành trang cho việc đến trường ở trẻ.

Tài liệu tham khảo
Zachry, A. (2014). Before Starting Preschool: What Your Kids Should Know from Before Starting Preschool: What Your Kids Should Know | Parents
Brooks, A. (2017). Preschool Readiness: How to Be Confident Your Kid is Ready to Conquer the Classroom from Preschool Readiness: How to Be Confident Your Kid is Ready to Conquer the Classroom | Rasmussen College
Swinson, T. (2019). 5 Signs to Know if Your Child is Ready For Preschool from 5 Signs to Know if Your Child is Ready For Preschool (mathgenie.com)
Mayo Clinic Staff (2019). Kindergarten readiness: Help your child prepare from Kindergarten readiness: Help your child prepare – Mayo Clinic

Chuyên gia tâm lý Nhan Cẩm Nghi
Đơn vị tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố