Khi mất con: Tại sao cha mẹ khó lòng chấp nhận

Khi mất con: Tại sao cha mẹ khó lòng chấp nhận
Nếu cha mẹ chết đi, người đó trở thành mồ côi. Nếu vợ hoặc chồng chết đi, người ấy trở thành góa. Nhưng không có từ nào để nói về việc con trẻ chết đi cả. Vì nỗi đau ấy, nỗi đau ấy quá lớn để gọi thành tên, để có thể đặt được cho nó một cái tên.
Khi mất con, đặc biệt là trong thời kỳ mang thai, trong khi sinh hay ngay sau sinh, nhiều người nghĩ rằng cha mẹ có thể sớm vượt qua nỗi đau mất con. Rốt cuộc, cuộc đời của đứa bé này quá ngắn ngủi như thế thì làm sao nó có thể để lại những dấu ấn khó phai trong lòng ba mẹ đến như vậy? Nếu bạn là người cha hay người mẹ bị mất con, bạn sẽ ngạc nhiên về mức độ và thời gian đau của mình.
Tại sao cái chết của một đứa trẻ lại gây ra sự đau đớn khó chịu đựng đến vậy? Giống như nhiều bậc cha mẹ khác, bạn có thể tự hỏi liệu mình có đang làm quá lên không. Bạn luôn dằn vặt trong suy nghĩ và luôn cảm thấy rất đau đớn. Bạn lo lắng rằng có điều gì đó bất ổn trong bạn.
Thực tế, có nhiều lý do khiến cái chết của một đứa con gây ra nhiều nỗi đau cho cha mẹ đến mức cha mẹ khó lòng mà chịu đựng được. Một trong số đó là bạn sẽ cảm thấy khá đơn độc. Có lẽ bạn không biết về bất kỳ người nào đã từng trải qua sự mất mát này hay có thể bạn đang nhận được ít sự hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng. Bạn cũng có thể cảm thấy rất mất phương hướng — như từ nay bạn biết phải đi đâu về đâu? Và thậm chí làm sao bạn có thể sống tiếp đây? Bạn cũng có thể phát điên – vì chỉ bận tâm đến con của mình, lo lắng rằng bạn đã làm điều gì đó sai khủng khiếp; bạn cảm thấy rất tức giận, đánh mất hy vọng, bạn nghi ngờ đức tin của bạn, sợ hãi khi nhìn về tương lai. Cảm thấy một trong những điều sau: cô lập, không cảm xúc, choáng ngợp, không chắc chắn hoặc sợ hãi — đều là những dấu hiệu của sự căng thẳng quá độ. Đồng thời bạn cảm thấy tất cả những điều này đã chạm đến giới hạn của mình.

Hơn nữa, khi con bạn qua đời, đó là một cú sốc lớn tác động đến tâm trí, thể chất và tinh thần của bạn.
• Đó là một cú sốc đối với tâm trí của bạn vì cái chết của con bạn là điều quá khó tin. Bạn không còn được quấn quýt bên con. Điều đó đã làm phá tan đi tất cả những gì bạn mong đợi, làm tan vỡ giấc mộng mà bạn đã hình dung về đứa trẻ này; cho chính bản thân bạn với tư cách là một người cha, người mẹ. Nó đột ngột thay đổi tất cả những dự định. Bạn không thể hiểu được điều đó và không ai có thể cho bạn biết “tại sao”.
• Đó là một cú sốc đối với cơ thể của bạn vì cái chết của con bạn khiến cho bạn cảm nhận được tình huống khó khăn và não bộ sẽ cảnh báo các tuyến thượng thận tiết ra các hormone căng thẳng. Điều đó khiến tim bạn đập mạnh, huyết áp tăng và các mạch máu co lại để đưa nhiều máu hơn đến não và cơ bắp. Căng thẳng làm cho hơi thở của bạn nhanh hơn để đưa oxy đến các cơ, đưa chất béo và đường vào máu để tăng cường năng lượng. Nếu phản ứng căng thẳng được kích hoạt lặp đi lặp lại trong nhiều ngày và nhiều tháng thì theo thời gian nó có thể góp phần gây ra trầm cảm, lo lắng, huyết áp cao, tiểu đường, bệnh tim, ợ chua và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
• Đó là một cú sốc đối với tinh thần của bạn vì cái chết của con bạn đột ngột lấy đi niềm tin của bạn vào Chúa nhân từ, thiên mệnh, vũ trụ. Nó nhấn mạnh rằng bạn thực sự có rất ít khả năng kiểm soát và quả thật, những điều tồi tệ có thể xảy ra với những người tốt. Thật bất công và đáng sợ khi nhận ra rằng làm những điều tốt cũng không thể bảo vệ bạn tránh khỏi những bi kịch của cuộc đời.
Vì cái chết của một em bé quá sốc nên nó được coi là một mất mát đau thương. Và hồi phục sau cú sốc và sang chấn này đòi hỏi một quá trình nhiều nỗ lực để có thể tự chữa lành. Bạn trải qua nhiều giai đoạn đau buồn và bạn đang phải đấu tranh tư tưởng của bản thân, về mối quan hệ của bạn với em bé và tương lai theo như bạn mường tượng. Quá trình phục hồi này có thể diễn ra rất chậm, kéo dài hàng tuần, hàng tháng và thậm chí hàng năm.
Né tránh đau buồn chỉ khiến tâm trí bạn bị sa lầy trong sự phủ nhận, cơ thể bạn căng thẳng và tinh thần của bạn bị mắc kẹt trong quá khứ. Ngược lại, chấp nhận và kết nối với nỗi đau ấy có nghĩa là bạn sẽ để ý xem nó diễn ra như thế nào và nỗi đau ấy trôi đi như thế nào, và bản thân bạn thấy ổn về những thăng trầm này. Bằng cách chấp nhận và kết nối với cảm xúc của mình, bạn có thể vẫn tò mò thay vì phán xét và tự trấn an bản thân rằng dù bạn ở đâu thì đó cũng chính là nơi bạn phải ở. Chấp nhận và kết nối cho phép nỗi đau của bạn dịu đi theo thời gian. Chấp nhận và kết nối cho phép sự điều chỉnh của bạn tiến triển theo hướng tích cực. Trên thực tế, khi bạn chấp nhận và kết nối với nỗi đau, bạn cũng sẽ tự chữa lành – từng ngày, từng ngày một.
Sự tự chữa lành trông như thế nào? Cứ dần dần như vậy, tâm trí của bạn nắm bắt được thực tế về cái chết của con bạn, đưa ra câu trả lời và hình dung ra cách tốt nhất cho con đường bất ngờ này. Theo thời gian, cơ thể bạn liên tục giải phóng sự căng thẳng của các hormone căng thẳng bằng cách đau buồn – cho dù bạn làm như vậy vì cảm xúc / cảm giác hay hành động / việc làm – và cường độ phản ứng với căng thẳng của bạn giảm dần khi bạn thích nghi với con đường mới mà bạn rèn luyện. Và cuối cùng, tinh thần của bạn buông bỏ những gì có thể đã xảy ra, chấp nhận với những gì đang có và học cách sống chung với việc biết rằng bạn không có toàn quyền kiểm soát những gì xảy ra.
Có lẽ quan trọng nhất, bạn không trở lại “bình thường” mà là tạo ra một bình thường đó chính là những kế hoạch ưu tiên, ý thức rõ ràng hơn về bản thân và tình yêu thương thật sự. Và bạn thấy tác động sâu sắc của cuộc sống và cái chết của con bạn đối với tâm trí, cơ thể và tinh thần của bạn, biết rằng bạn đã trưởng thành – không phải vì con bạn chết mà vì bạn sống sót sau thảm kịch này. Và bạn tự hào khám phá ra tiềm năng, sự kiên cường và sự thông thái của mình – cũng chính là để tưởng nhớ và để tôn vinh con bạn.

Thường chúng ta bị sốc bởi vì chúng ta chưa có sự chuẩn bị về mặt tâm lý cho những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra như một ngày nào đó ba mẹ, người phối ngẫu, hay đứa con thân yêu sẽ rời xa mình mãi mãi. Có những điều trong cuộc sống mà chúng ta không thay đổi được nhưng chính những điều mất mát, chia ly nhìn về mặt tích cực lại giúp chúng ta trưởng thành hơn về mặt cảm xúc. Những ngày tháng trôi qua, tôi phát hiện ra, cho dù tôi mất mát bao nhiêu, hay đau buồn thế nào, thế giới này cũng không vì thế mà dừng lại. “Nếu một người không thể thay đổi hoàn cảnh khiến mình đau khổ thì người đó vẫn có thể chọn cho mình một thái độ sống” – Viktor E. Frankl

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/intl/blog/laugh-cry-live/202010/when-baby-dies-why-its-hard-parents-endure

Chuyên gia tâm lý Ngô Phạm Thị Thúy Trinh
Đơn vị tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố