Hỗ trợ trẻ có giấc ngủ tốt.

Chất lượng bữa ăn và giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng trong những năm đầu đời ở trẻ. Vì thế, mối quan tâm chính của các bậc phụ huynh trong độ tuổi này tập trung vào những khó khăn trong sinh hoạt, đặc biệt là giấc ngủ của con cái.

Hiểu về giấc ngủ

Thông thường trẻ em và vị thành niên cần ngủ nhiều hơn người lớn. Song song đó, vấn đề về giấc ngủ lại diễn ra khá phổ biến ở trẻ em, thậm chí cả trẻ sơ sinh. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất lượng và/hoặc số lượng giấc ngủ kém ở trẻ em có liên quan đến một loạt các vấn đề, bao gồm các khó khăn về học tập, hành vi, phát triển và xã hội, bất thường về cân nặng và các vấn đề sức khỏe khác. Các khó khăn về giấc ngủ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ mà còn có thể ảnh hưởng đến hệ thống gia đình và các giấc ngủ của cha mẹ hoặc anh chị em.

Vì vậy, việc tham khảo tiêu chuẩn nhằm đảm bảo một giấc ngủ chất lượng là vấn đề ưu tiên của nhiều phụ huynh. Dưới đây là bảng tóm tắt thời gian đề xuất giấc ngủ của trẻ theo từng lứa tuổi:

Nhóm tuổi

Thời gian ngủ (đề xuất)

0-3 tháng 14-17 tiếng
4-12 tháng 12-15 tiếng
1-2 tuổi 11-14 tiếng
3-5 tuổi 10-13 tiếng
6-13 tuổi 9-13 tiếng
13-18 tuổi 8-12 tiếng

*Thời gian ngủ đề xuất bao gồm thời gian ngủ trưa và tối

Nguồn: National Sleep Foundation (NSF)

Một điều cần lưu ý rằng mỗi trẻ đều xuất phát từ hoàn cảnh gia đình khác nhau, điều kiện sống khác nhau nên sẽ có nhịp sinh học cũng như thói quen ngủ khác nhau. Vì thế với một số trẻ sẽ có thời gian ngủ ít hoặc nhiều hơn khoảng một tiếng so với tiêu chuẩn thông thường. Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý một số dấu hiệu khi trẻ không ngủ đủ giấc:

  • Thường tỏ vẻ cáu kỉnh, gắt gỏng hoặc quá kích động
  • Gặp khó khăn trong việc tập trung ở trường hoặc ở nhà
  • Ngủ gật khi đang ngồi trên xe
  • Gặp khó khăn trong việc theo kịp cuộc trò chuyện
  • Gặp khó khăn trong việc thức dậy hay ngủ trở lại
  • Thường ngủ sớm hơn rất nhiều so với giờ ngủ thông thường của trẻ

Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường trước và trong giấc ngủ của trẻ, phụ huynh cần đưa trẻ đến các chuyên gia để được khám, đánh giá và can thiệp phù hợp.

“Ngủ ngon nhé con yêu”

Để giấc ngủ của con không còn là “ác mộng” của ba mẹ, việc thiết lập những thói quen trước khi ngủ là điều cần thiết để “vệ sinh” giấc ngủ cho trẻ. Quá trình này có thể kéo dài khoảng 20-45 phút và bao gồm ba đến bốn hoạt động thư giãn, ví dụ như đi tắm, đọc truyện hoặc hát ru,… Phụ huynh cần đảm bảo rằng quá trình này không có sự can thiệp của tivi, điện thoại thông minh hoặc các thiết bị điện tử khác. Ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị này sẽ làm gián đoạn chu kỳ ngủ / thức của cơ thể và khiến trẻ khó đi vào giấc ngủ hơn. Bên cạnh đó, phụ huynh cần hạn chế các phim ảnh và trò chơi điện tử kinh dị, thay vào đó có thể cho bé nghe nhạc nhẹ, chơi những trò chơi nhẹ nhàng như lắp ghép gỗ, xếp hình. Khi trẻ bắt đầu kết nối một số hành vi nhất định với việc đi ngủ vào một thời điểm cụ thể, cơ thể và tâm trí trẻ sẽ tự chuẩn bị cho việc nghỉ ngơi.

Đối với trẻ lớn hơn (từ lứa tuổi mẫu giáo trở lên), việc thiết lập một hệ thống phần thưởng chẳng hạn như bảng khen thưởng (reward chart) có thể thúc đẩy động lực ngủ tốt ở trẻ. Ví dụ, ba mẹ có thể thảo luận với con: “Con sẽ nhận được một hình dán trên bảng khen thưởng mỗi khi con đi ngủ sớm.” Sau đó trẻ có thể quy đổi hình dán ra phần thưởng. Ở đây, các hình dán và phần thưởng có tác dụng củng cố hành vi tích cực ở trẻ. Từ đó, ba mẹ dần đặt ra các mục tiêu nằm trong khả năng của trẻ và nâng cao thử thách theo thời gian.

(Ảnh minh họa) Bảng khen thưởng

Trong một số trường hợp, giấc ngủ của trẻ liên quan mật thiết đến những hoạt động ban ngày, đặc biệt đối với các bạn ở độ tuổi vị thành niên. Vì thế, phụ huynh có thể hỗ trợ con bằng cách tránh để trẻ hấp thu các sản phẩm chứa caffeine (đặc biệt vào buổi trưa hoặc chiều) cũng như các thực phẩm khó tiêu hóa. Ngoài ra, việc đảm bảo lịch trình ngủ cố định, bao gồm những ngày cuối tuần sẽ giúp giấc ngủ của trẻ đến một cách tự nhiên hơn. Tạo không gian thoải mái cho căn phòng, lưu ý đến các yếu tố như ánh sáng, nhiệt độ và tiếng ồn cũng như đặt một hay hai món đồ chơi yêu thích bên giường sẽ giúp gia tăng môi trường thư giãn vào ban đêm cho trẻ.

Không có gì bình yên hơn là giấc ngủ của trẻ. Vì thế, việc đồng hành xây dựng thói quen ngủ hợp lý và phù hợp với đặc điểm của mỗi trẻ sẽ là tiến trình cần thiết mà mỗi thành viên trong gia đình cần thống nhất.

Tài liệu tham khảo:

Chuyên gia tâm lý Nhan Cẩm Nghi
Đơn vị Tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố