Hạ calci máu ở trẻ nhũ nhi

Vừa qua Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, tiếp nhận một trường hợp trẻ Ch. H. K. V. 2,5 tháng tuổi, nam, ngụ tại Kiên Giang, được chuyển đến trong tình trạng co giật toàn thân. Khai thác bệnh sử ghi nhận em thường quấy khóc, khóc đêm, ọc sữa vặn mình, 5 ngày nay sốt nhẹ, ho, gồng giật từng cơn, mỗi cơn khoảng 20-30 giây, ngày 2-3 cơn, nên tựchuyển  đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố. Tại đây, trẻ co giật toàn thân 2 lần,  được dùng thuốc chống co giật. Xét  nghiệm cấp cứu cho kết quả siêu âm não, dịch não tủy bình thường, riêng kết quả điện giải đồ cho thấy trẻ bị hạ calci tự do máu nặng còn 0,59mmol/L (bình thường 1-1,12mmol/L), nồng độ vitamin D trong máu giảm thấp còn 8.12 ng/ml (bình thường 20-63.7 ng/ml). Trẻ được điều trị bổ sung calci máu truyền tĩnh mạch cấp cứu giai đoạn đầu, sau đó bổ sung calci và vitamin D qua đường uống. Kết quả sau 3 ngày điều trị, tình trạng em cải thiện dần, hết co giật, tỉnh táo, xét nghiệm calci máu về lại bình thường.

Trẻ Ch. H. K. V. 2,5 tháng tuổi, nam, hạ calci máu, thiếu vitamin D nặng, được điều trị tích cực chống co giật, truyền calci, bổ sung vitamin D, bình phục sau gần 3 ngày điều trị
Trẻ Ch. H. K. V. 2,5 tháng tuổi, nam, hạ calci máu, thiếu vitamin D nặng, được điều trị tích cực chống co giật, truyền calci, bổ sung vitamin D, bình phục sau gần 3 ngày điều trị

Đây là trường hợp trẻ hạ calci máu biểu hiện sớm do thiếu cung cấp từ trong bụng mẹ. Vì vậy, chúng tôi xin lưu ý đến các bà mẹ mang thai cần ăn uống đủ chất trong đó có các thức ăn giàu calci như xương hầm, tôm, cua, cá,…Sau sanh cần tiếp tục ăn đủ chất trong đó có calci, để trẻ được hưởng nguồn calci từ sữa mẹ, cho trẻ tắm nắng buổi sáng trước 8 giờ khoảng 10 phút để giúp trẻ có đủ vitamin D cần thiết cho sự hấp thu calci ở ruột, tránh bệnh còi xương và hạ calci máu nặng. Ngoài ra có thể bổ sung vitamin D và calci theo hướng dẫn của bác sĩ nhi khoa.

BS CK2 Nguyễn Minh Tiến
Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố