Cứu sống một trường hợp trẻ thủng dạ dày vùng môn vị

Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố vừa tiếp nhận một bệnh nhi nữ tên B. L. Tr., 8 tuổi, nặng 20 kg, ngụ tại quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh. Theo thông tin khai thác từ gia đình, vào sáng ngày nhập viện, bé Tr. đang ở trường học thì đột ngột kêu đau bụng dữ dội. Bé không sốt và đã nôn 3 lần thức ăn sáng. Nhận được thông báo từ nhà trường, ba mẹ đã đến đón bé và đưa thẳng đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố. Bệnh sử ghi nhận bé Tr. không có tiền sử mắc bệnh lý gì trước đó và cũng không sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.

Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân có biểu hiện lờ đờ, than đau bụng, môi hồng nhạt. SpO2 96%, chi ấm, mạch quay rõ 140 lần/phút (sốt 38,5 độ C). Nhịp tim đều 140 lần/phút, không có âm thổi tim, huyết áp 130/80 mmHg, thở đều, phổi nghe thô, không có tiếng ran, phế âm đều hai bên. Bụng căng cứng, ấn đau, có dấu hiệu đề kháng thành bụng, cổ mềm, không có ban đỏ ở tay chân, tay chân hồng hào, không phù nề, không có dấu hiệu xuất huyết da niêm mạ

Chẩn đoán ban đầu là viêm phúc mạc nghi do thủng tạng rỗng.

Kết quả siêu âm ổ bụng cho thấy mạc nối dày lên, thâm nhiễm lan tỏa khắp ổ bụng, có dịch tự do lượng vừa, có hồi âm. X-quang bụng ghi nhận hình ảnh hơi tự do trong ổ bụng. Xét nghiệm máu cho thấy bạch cầu tăng cao và rối loạn điện giải.

Bệnh nhân được xử trí ban đầu bằng truyền dịch, kháng sinh và hội chẩn Ngoại khoa để phẫu thuật khẩn cấp.

Kết quả phẫu thuật nội soi ổ bụng:

  • Bệnh nhân nằm ngửa, gây mê qua nội khí quản.
  • Vào bụng bằng 3 trocar.
  • Quan sát thấy giả mạc rải rác khắp ổ bụng, dịch ổ bụng bẩn, lượng nhiều.
  • Thám sát vị trí dưới gan gần túi mật, phát hiện nhiều giả mạc, dính chặt. Sau khi tách dính và gỡ giả mạc, phát hiện lỗ thủng kích thước 5mm ở vị trí môn vị mặt trước, bờ sắc gọn, mô dạ dày xung quanh hơi sượng cứng.
  • Kiểm tra ruột và các tạng khác không ghi nhận bất thường..

Tiến hành xén mép lỗ thủng, khâu lại lỗ thủng môn vị với chỉ Vicryl 3.0 mũi rời 1 lớp. kiểm tra thấy miệng nối kín, không chảy máu. Rửa bụng và gỡ dính giả mạc, hút sạch dịch ổ bụng

Đặt ống dẫn lưu cạnh miệng khâu lỗ thủng. Đóng bụng bằng chỉ Vicryl 2.0, may da bằng chỉ Rapid 4.0, sau đó trẻ được chuyển khoa hồi sức ngoại điều trị tiếp. Kết quả sau hơn 1 tuần điều trị tình trạng trẻ cải thiện dần, tỉnh táo hết đau bụng, rút được ống dẫn lưu, ăn uống khá.  Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy tổn thương viêm cấp hoại tử. Đây là trường hợp thủng dạ dày vùng môn vị hiếm gặp ở trẻ em.

X-quang bụng đứng không sửa soạn cho thấy liềm hơi dưới cơ hoành, gợi ý thủng tạng rỗng
X-quang bụng đứng không sửa soạn cho thấy liềm hơi dưới cơ hoành, gợi ý thủng tạng rỗng

Qua trường hợp này, chúng tôi xin lưu ý quý phụ huynh về tầm quan trọng của việc chăm sóc đường tiêu hóa cho trẻ. Để bảo vệ hệ tiêu hóa của trẻ, quý phụ huynh cần lưu ý:

  • Cho trẻ ăn uống hợp vệ sinh: Luôn đảm bảo thức ăn và nước uống của trẻ được nấu chín, đun sôi kỹ lưỡng để tiêu diệt vi khuẩn gây hại.
  • Chọn thực phẩm phù hợp: Chọn cho trẻ thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa, tránh thức ăn quá chua, cay hoặc nhiều gia vị vì có thể gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa.
  • Theo dõi sức khỏe của trẻ: Luôn chú ý quan sát và theo dõi các biểu hiện của trẻ, đặc biệt là khi trẻ có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy,…
  • Đưa trẻ đến cơ sở y tế khi cần thiết: Nếu trẻ có bất kỳ biểu hiện nào của rối loạn tiêu hóa, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc cho trẻ sử dụng vì có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.

Chăm sóc đường tiêu hóa tốt cho trẻ là nền tảng quan trọng để trẻ phát triển khỏe mạnh.

BS CK2 Nguyễn Minh Tiến
Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố