Đầu xuân, về với gia đình

 “Ngày đầu xuân, bao người đi xa cũng về với gia đình…” một bài hát mùa xuân có những câu như thế khiến cho bao thế hệ người con phương xa bỗng giật mình và chạnh lòng. Năm nay Tết đến sớm, mới sau Trung thu một chút, nhiều người đã rục rịch bàn tính kế hoạch mua vé tàu xe để về nhà ăn Tết. Dịp đoàn viên đầu năm từ lâu đã đi vào tâm thức của người Việt như một quy luật bất thành văn: hễ học hành, làm ăn ngược xuôi ở đâu, Tết đến cũng đều hướng về quê nhà. Ở góc độ tâm lý học, một số khái niệm của liệu pháp trị liệu hệ thống – gia đình có thể giúp ta lý giải rõ hơn.

ĐI…

Với mỗi gia đình, việc một đứa con sau gần hai chục năm ở với mẹ cha, dần tập bước chân ra đời là một điều bình thường. Bỏ lại ‘tổ ấm’ với sự bảo bọc, chăm sóc của cha mẹ, người con trưởng thành tách rời khỏi gia đình mình để xây dựng cuộc sống riêng. Đó có thể là ngưỡng cửa đại học, việc làm hay quân ngũ… khiến các cô cậu hôm qua còn là học sinh phổ thông, nay buộc phải làm quen và thích nghi với nhiều thứ mới. Cha mẹ chắc không khỏi lo lắng về môi trường xa lạ, nhiều cạm bẫy ngoài kia. Thế nhưng, đây lại là điều cần thiết cho mỗi đứa con ‘thoát kén’ để tung cánh bay.

Các cuộc hôn nhân cũng là một hình thức ra đi của những đứa con. Nhiều khi, con cái lập gia đình gần sát nhà đến mức ‘nửa bát canh cần cũng đem cho’ vẫn khiến cha mẹ bất an. Ai không vượt qua được cảm giác lo lắng này sẽ rất dễ rơi vào những tình cảnh bi hài theo kiểu cạnh tranh: “thằng rể lấy mất con gái của bố”, “từ lúc có vợ, con trai không còn thương mẹ như trước”…

Trong hành trình cuộc sống, gia đình như một hệ thống vừa cố gắng thích nghi với những biến đổi của chính các thành viên và những yếu tố bên ngoài, lại vừa trung thành giữ gìn bản sắc truyền thống của mình. Nhà tâm lý Betty Carter và Monica Mc Goldrick (1988) đã mô tả các giai đoạn trong chu trình đời sống (family life cycle) bất kỳ gia đình nào đều bao gồm nhiều giai đoạn. Trong đó, giai đoạn những đứa con trưởng thành, rời khỏi gia đình gốc được đánh dấu bằng việc trẻ khẳng định bản thân, phát triển những mối quan hệ thân mật, quan hệ đồng nghiệp, bạn bè và làm chủ tài chính.

Khi một đứa con ra đi học tập, lập nghiệp hay rời nhà để kết hôn, nhiều bậc cha mẹ có nguy cơ đối diện với ‘hội chứng tổ rỗng’ (empty nest syndrome). Đó là trạng thái buồn bã, đau khổ và cô độc khi cha mẹ phải chứng kiến con cái trưởng thành dần rời khỏi căn nhà chúng đã lớn lên. Tình trạng này có thể đến từ việc các bậc phụ huynh bị thay đổi trong chức năng làm cha mẹ (parenting) của mình trên con cái. Nếu cha mẹ vẫn cố gắng giữ con lại trong ‘vỏ ốc’ bằng sự quan tâm, kiểm soát quá mức đến đời sống cá nhân của con sẽ là nguy cơ đưa đến các rối loạn tâm lý cho cả hai phía.

VỀ…

Bối cảnh ở Việt Nam, hàng năm chứng kiến không ít cuộc ‘di cư’ lớn từ các vùng nông thôn lên thành thị, từ trong nước ra nước ngoài. Sau những bước chân ly hương ấy, chắc không ít giọt nước mắt ngậm ngùi chia ly của người đi kẻ ở. Thế nhưng điều tích cực là sau những tháng ngày bôn ba xa xứ, người ra đi có một chỗ để quay về. Những người con sau hành trình khám phá, đem về những kinh nghiệm, kiến thức học được để làm phong phú thêm cho hệ thống gia đình mình. Người trẻ sau khi thành gia thất, đưa về nhà cho ông bà các đứa cháu như dấu chỉ cho một thế hệ tiếp nối đã bắt đầu thành hình.

Một hệ thống gia đình lành mạnh là khi chấp nhận mở cửa cho những thành viên ra đi, nhưng vẫn là chốn an toàn để đón các thành viên trở về trong những dịp lễ, Tết, họp mặt… Hoặc đơn giản trong lúc mỏi mệt trên hành trình mưu sinh, tạm nghỉ mấy ngày, rời xa chốn xôn xao về nhà để mẹ nuôi.

Tết chính là dịp thiêng liêng mà cả xã hội đều chọn để tiến hành các cuộc ‘trở về’. Đối chiếu với những dịp sum họp gia đình trong lễ Giáng Sinh, lễ Tạ Ơn của các quốc gia Âu – Mỹ hay những sinh hoạt cộng đồng trong dịp Tết của các dân tộc anh em, phải chăng đâu đó thấp thoáng cái ‘vô thức tập thể’ mà nhà tâm lý học Carl Jung từng nói tới.[1]

Dù ở đâu, thế hệ nào, dân tộc nào, cũng có câu chuyện về những người xuất hành. Đi để biết, đi để lớn, đi để phát triển và đi là để trở về. Bỗng giật mình nhìn lại, còn bao nhiêu cái Tết để ta về nhà với mẹ cha?

Chuyên gia Tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện
Đơn vị Tâm lý – Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

Nguồn tham khảo: Theo tạp chí Sức khoẻ– khoe24h.vn

 [1] “Vô thức tập thể chứa đựng tất cả di sản tinh thần của sự tiến hoá con người, được tái hiện lại ở cấu trúc não của mọi cá nhân.” ( Daryl Sharp, Jung Lexicon, 1991, Inner City Books, 1991, tr.67).