Cứu sống một trường hợp sốc sốt xuất huyết biến chứng suy hô hấp, tổn thương gan nặng ở trẻ nhũ nhi dư cân

Vừa qua, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố tiếp nhận 1 trường hợp trẻ nhũ nhi L. Đ. M. Tri. 6 tháng tuổi, nam, bụ bẫm cân nặng 8.5 kg, (bình thường ở lứa tuổi này thường 5-7kg) ngụ ở Bình Thuận. Sau khi khai thác bệnh sử ghi nhận trẻ bị sốt vừa không liên tục 3 ngày, ho sổ mũi, tiêu lỏng 2 lần, ngày thứ 4 trẻ bớt sốt ói 3 lần ra dịch lợn cợn nâu, bụng chướng, nổi chấm xuất huyết trên da, nên người nhà đưa trẻ đến bệnh viện địa phương. Tại đây, ghi nhận trẻ lừ đừ, quấy khóc, mạch quay nhẹ, chi mát, huyết áp tụt 80/60mmHg, nổi chấm xuất huyết ở chân tay, bụng. Kết quả các xét nghiệm cho thấy test nhanh NS1 kháng nguyên dương tính, dung tích hồng cầu tăng cao 48% (bình thường chỉ 28-35%) tiểu cầu 16000/mm3 (bình thường 200000-300000/mm3), men gan tăng > 1000 đv/L (bình thường AST/ALT < 40 đ/L).

Trẻ được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết, tổn thương gan nặng và được điều trị chống sốc tích cực theo phác đồ. Tuy nhiên, diễn tiến lâm sàng phức tạp, trẻ biểu hiện suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, khó thiết lập đường truyền nên chuyển Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố. Tại đây ghi nhận trẻ lừ đừ môi nhạt, thở co kéo 54 lần/phút, da nổi bông, mạch nhẹ chi mát, huyết áp động mạch xâm lấn 92/74 mmHg, được truyền dịch cao phân tử dextran chống sốc, truyền máu, truyền huyết tương tươi đông lạnh, tiểu cầu đậm đặc, điều trị hỗ trợ gan, hỗ trợ hô hấp, thở CPAP. Kết quả sau 72 giờ điều trị tình trạng huyết động, tổn thương gan trẻ cải thiện, tỉnh táo, bú khá, tiểu khá.

Vì vậy, quý phụ huynh lưu ý sốt xuất huyết có thể tấn công trẻ nhũ nhi nhưng trẻ có thể biểu hiện không điển hình như sốt vừa, không liên tục lại kèm ho sổ mũi hắt hơi, hay tiêu chảy, nôn ói,…lầm tưởng với các bệnh lý hô hấp, tiêu hóa hay nhiễm trùng hay lầm tưởng với bệnh tay chân miệng…nên cân phải đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa Nhi để thăm khám xét nghiệm định bệnh chính xác để điều trị thích hợp cho trẻ. Trẻ nhũ nhi khi vào sốc rất khó thiết lập đường truyền tĩnh mạch và gây chảy máu, bầm vết chích khá nhiều đòi hỏi điều dưỡng có kinh nghiệm kỹ năng tiếp cận mạch máu trẻ nhỏ.

Mùa gần Tết, vẫn còn trẻ mắc sốt xuất huyết nên quý phụ huynh lưu ý tích cực diệt muỗi, lăng quăng, ngủ mùng và cần theo dõi phát hiện các dấu hiệu sớm để đưa con em mình đến cơ sở y tế kịp thời. Đó là nếu thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày, có biểu hiện một trong các dấu hiệu sau cần phải đưa trẻ ngay vào bệnh viện

  • Quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì
  • Đau bụng
  • Chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen
  • Tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống

 

BS CK2 Nguyễn Minh Tiến
Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố