Chuyên đề: Trị liệu nghệ thuật (Kỳ 2)

TRỊ LIỆU NGHỆ THUẬT (ART THERAPY) TRONG THỰC HÀNH TÂM LÝ LÂM SÀNG

“MÀU THỜI GIAN TÍM NGÁT”
CÒN YÊU THƯƠNG MÀU GÌ?

Câu chuyện thực tế của một bé gái 11 tuổi bị tai nạn giao thông nghiêm trọng trên đường đi học về. Em bị một chiếc xe container tông lên từ phía sau và chấn thương nặng vùng chậu đùi. Dù đã được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa và bảo toàn tính mạng nhưng em phải cắt cụt chân phải. Một nhiệm vụ khó khăn đặt ra là làm sao để thông báo cho trẻ biết bản thân đã bị đoạn chi mà tránh làm trẻ rơi vào trạng thái sốc tâm lý quá mức có thể ảnh hưởng đến tiến trình điều trị. Các bác sĩ chuyên khoa còn lo ngại vấn đề nếu không cho trẻ biết sự thật về cơ thể, có thể làm trẻ có ‘cảm giác chi ảo’ (Phantom limb sensation) khi cho cảm nhận rằng mình vẫn còn chân và dẫn đến té ngã khi bước xuống giường.

Các chuyên gia tâm lý sau giai đoạn đầu làm quen, trò chuyện và thiết lập thông tin đã cho trẻ làm quen với màu sắc và nằm vẽ tranh ngay trên giường điều trị. Sau đó, trẻ được cung cấp hình một bạn gái và đề nghị tô màu theo ý thích. Từ hình ảnh do trẻ sáng tạo, các bác sĩ, chuyên gia tâm lý và mẹ đã dần trò chuyện và giải thích cho trẻ về tai nạn, chấn thương và tình trạng cơ thể của trẻ một cách trực quan. Sau nhiều lần hỗ trợ, trẻ dần chấp nhận vấn đề của bản thân. Những cảm xúc lo sợ, đau đớn và nước mắt đều được các chuyên gia ghi nhận và xem như một tín hiệu tích cực cho hành trình đi qua sang chấn của bệnh nhân. 

TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN

Thực hành tâm lý trong môi trường bệnh viện nhi là một lĩnh vực còn khá mới so với các chuyên khoa khác. Tuy nhiên, qua thời gian hoạt động đã cho thấy nhu cầu của bệnh nhân và thân nhân về các liệu pháp can thiệp và nâng đỡ tinh thần. Bên cạnh những liệu pháp trị liệu tâm lý thường được nhắc đến như trị liệu phân tâm, trị liệu nhận thức hành vi, trị liệu hệ thống gia đình thì trị liệu nghệ thuật (art therapy) được xem là một hướng tiếp cận có nhiều triển vọng.

Các công cụ giấy màu, bút vẽ rất quen thuộc với trẻ em có thể tạo nên cảm giác gần gũi, an toàn để các em tích cực tham gia. Thông qua đó, trẻ có cơ hội tự do thể hiện bản thân và diễn tả tâm trí. Tính linh hoạt trong liệu pháp nghệ thuật giúp bệnh nhân có thể chọn phương tiện, hình thức nghệ thuật nào thoải mái với bản thân và cho phép họ nối kết, khám phá toàn bộ thế giới nội tại và ngoại tại (Nguyễn Thị Thanh Tú, 2017).

Liệu pháp này còn có ý nghĩa quan trọng giúp ích đối tượng trẻ em đang trong tiến trình phát triển với nhiều trẻ chưa hoàn thiện hệ thống giao tiếp bằng ngôn ngữ diễn đạt qua lời nói. Qua quá trình cùng tham dự, quan sát, lắng nghe trẻ khi tham gia trị liệu, phụ huynh cũng có thể thấu hiểu và cảm nhận rõ hơn về nội tâm của con và biết được những chủ đề gây lo âu, khó khăn trong tâm trí của trẻ. Từ đó, bản thân trẻ và gia đình có thể nhận được những tác động điều chỉnh tích cực từ chính hệ thống gia đình và cá nhân ngay cả khi tiến trình trị liệu đã kết thúc. 

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện
Đơn vị tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố