Chuyên đề “Nghiện Internet” kỳ 01: Những hậu quả của nghiện internet.

Kỳ 1: https://bvndtp.org.vn/chuyen-de-nghien-internet-ky-01-nghien-internet-cau-chuyen-cua-thoi-dai-so/

Không ai phủ nhận được vai trò quan trọng của Internet trong thời đại hiện nay. Internet như một phương tiện truyền thông nhanh chóng với tốc độ chóng mặt. Internet giữ vị trí chủ chốt của sự vận hành các nền kinh tế, chính trị, xã hội trên thế giới. Nhờ có Internet mà khoảng cách giữa con người được thu hẹp và thế giới ngày càng ‘phẳng’ hơn. Thế nhưng, nếu không thể kiểm soát tốt thời lượng và cách thức sử dụng Internet hợp lý có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể lý của con người. Điều này lại càng có ý nghĩa quan trọng trên đối tượng các trẻ em và vị thành niên.

Những hậu quả khôn lường

Theo dòng thời sự, rất nhiều tin tức đau lòng được nhắc đến trong thời gian qua mà trong đó có yếu tố ‘nghiện Internet’ và trò chơi trực tuyến ở thủ phạm. Tháng 06.2020, một học sinh lớp 11 tại Nghệ An đã bắt cóc một em bé 5 tuổi gần nhà để thực hiện kịch bản làm người hùng giải cứu như trong trò chơi điện tử. Khi gia đình đứa trẻ và các cơ quan chức năng tìm thấy, đáng tiếc thay em đã tử vong. Trước đó, hai bạn nhỏ ở tuổi 13-14 đã tấn công và giết chết bà và cướp 4 triệu đồng để chơi game online. Vụ án đau lòng trên diễn ra tại Thái Nguyên vào năm 2014.

Nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra tác động của Internet đến sức khỏe tinh thần của con người. Ở góc độ cá nhân, việc sử dụng internet không hợp lý có thể là nguyên nhân gây ra các rối loạn tâm lý như trầm cảm, lo âu (Cho và cs, 2013); Rối loạn giấc ngủ (Choi & Kwisook, 2009). Việc dành quá nhiều thời gian cho việc sử dụng internet và chơi game sẽ làm đảo lộn thời gian biểu sinh hoạt trong ngày. Từ đó, trẻ có thể đối mặt với việc sa sút trong học tập, khó khăn trong các mối quan hệ gia đình, bạn bè và xã hội.

Sử dụng mạng internet một cách không an toàn còn dẫn đến nguy cơ của tình trạng bị bắt nạt trực tuyến (cyberbullying) và nguy cơ bị tiết lộ thông tin, hình ảnh cá nhân. Nghiên cứu của nhóm tác giả Tấn Đạt, Thành Trung và Minh Thúy công bố 2018 trên đối tượng sinh viên đại học tại TPHCM đã chỉ ra việc bị bắt nạt trực tuyến có mối tương quan tỷ lệ thuận với ý định tự sát.

Cha mẹ là ‘lá chắn’

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra khuyến cáo trẻ dưới 5 tuổi không nên tiếp xúc màn hình các thiết bị điện tử hơn một giờ mỗi ngày. Đồnng thời cũng khuyến cáo cấm tuyệt đối trẻ dưới 1 tuổi không được sử dụng TV và các thiết bị điện tử. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, cần có vai trò của cha mẹ là người trực tiếp chăm sóc và giáo dục trẻ tại gia đình.

Việc phụ huynh kiểm soát và điều tiết thời lượng sử dụng internet của con em mình là điều hết sức cần thiết. Kimberly S.Young  cho rằng điều quan trọng nhất là cha mẹ phải thiết lập các quy tắc gia đình về việc sử dụng internet để giúp con cái họ tránh nghiện internet.

Ngoài ra, khi muốn giảm bớt một hành vi tiêu cực, phụ huynh cần tìm cách củng cố gia tăng một hành vi tích cực khác nơi trẻ như tham gia các sinh hoạt cộng đồng, thiện nguyện, thể thao hay thậm chí là làm việc nhà. Thay vì cấn đoán một cách căng thẳng, cha mẹ nên cần cùng trẻ thảo luận để xây dựng bảng thời gian biểu hợp lý để cân bằng giữa việc nghỉ ngơi, giải trí và học tập kỹ năng,…

Bản thân cha mẹ hãy là một tấm gương cho con cái về việc kiểm soát tốt thời gian sử dụng Internet của mình. Gia đình có thể quy ước cùng nhau về những thời điểm ‘Nói không với Internet’ để có thể hiện diện cùng nhau trong bữa ăn tối, ngày cuối tuần.

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện
Đơn vị Tâm lý – Bệnh Viện Nhi Đồng Thành phố