Chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi ba mẹ ly hôn.

Ly hôn không chỉ là một sự kiện khủng hoảng đối với các cặp đôi mà còn đối với những người xung quanh, đặc biệt là trẻ em. Mọi cuộc ly hôn đều ảnh hưởng mạnh mẽ đến con trẻ bao gồm những cảm giác mất mát và lo âu trước sự tan vỡ. Khi đó người lớn cần chuẩn bị những chiến lược hỗ trợ phù hợp giúp trẻ và cả gia đình đương đầu với thử thách này.

“Thông báo tin dữ”

Đây không phải là một tin tức dễ dàng khi đối diện cùng con cái. Chính vì thế, ở giai đoạn này, phụ huynh cần tạm bỏ qua những cảm xúc tức giận, tội lỗi hay mặc cảm và cùng thảo luận cách giải thích phù hợp với con. Các buổi trò chuyện cần phù hợp với độ tuổi, nhận thức và tính khí của trẻ cũng như đảm bảo nguyên tắc: chuyện xảy ra giữa ba mẹ không phải là lỗi của con. Hầu hết trẻ em sẽ nghĩ bản thân đã làm gì sai ngay cả khi ba mẹ phủ định điều này. Vì vậy, điều quan trọng đối với phụ huynh là tiếp tục đưa ra sự trấn an, ví dụ “Đôi khi người lớn thay đổi cách yêu thương khi không thể đồng ý về mọi thứ và vì vậy phải sống xa nhau. Tuy ba mẹ và con cũng thường không đồng ý về nhiều thứ, nhưng ba mẹ và con sẽ khác, sẽ gắn bó với nhau suốt đời”. Ngoài ra, phụ huynh cần cung cấp đầy đủ thông tin để trẻ chuẩn bị trước những gì sẽ thay đổi và không thay đổi trong tương lai. Hãy cố gắng trả lời các câu hỏi của con một cách trung thực nhất có thể như: “Con sẽ sống với ai?”, “Con có chuyển chỗ ở không?”, “Con sẽ đi học ở đâu?”, “Ba (hoặc mẹ) còn lại sẽ ở đâu?”, “Những ngày cuối tuần gia đình mình còn đi chơi không?”, … Trẻ chỉ cần biết những gì sẽ thay đổi trong sinh hoạt và không cần biết tất cả các lý do hay chi tiết đằng sau ly hôn (đặc biệt nếu liên quan đến việc đổ lỗi cho ba mẹ khác).

Dư âm hậu ly hôn

Mỗi cuộc chia ly đều chứa đựng mất mát, đặc biệt hơn khi điều này xảy ra với tổ ấm đầu đời. Tuy nhiên, việc trải nghiệm những đau buồn, nhớ nhung những khoảnh khắc khi gia đình hiện diện đầy đủ và hy vọng rằng ngày nào đó ba mẹ sẽ quay lại với nhau là điều hoàn toàn tự nhiên đối với trẻ. Thương tiếc cho mất mát gia đình là tiến trình bình thường và theo thời gian cả gia đình sẽ dần chấp nhận môi trường sống mới. Vì thế, trong quá trình ứng phó với những thay đổi lớn trong cuộc sống, ba mẹ có thể hỗ trợ bằng cách lắng nghe nỗi lòng của trẻ và giúp trẻ tự biểu lộ cảm xúc chính mình. Con cần biết rằng cảm xúc của con rất quan trọng đối với ba mẹ. Việc phản hồi cảm xúc của trẻ ví dụ: “Mẹ biết hiện giờ con cảm thấy buồn” hoặc “Ba biết con cảm thấy cô đơn khi không có mẹ ở đây” góp phần giúp trẻ nhận thức cảm xúc hiện tại của mình là phù hợp. Điều quan trọng là khuyến khích trẻ thể hiện trước khi ba mẹ bắt đầu đưa ra những cách giúp trẻ cảm thấy ổn hơn. Khi đó, ba mẹ có thể gợi ý các giải pháp vượt qua thời điểm khó khăn này bằng một vài ý tưởng – cùng đi chơi, đi ăn hoặc đưa trẻ thú nhồi bông yêu thích. Với những trẻ nhỏ hơn, phụ huynh có thể đưa ra lời đề nghị giúp đỡ bằng cách gọi điện cho ba (mẹ) còn lại hoặc tặng ba (mẹ) bức tranh khi ba (mẹ) đến thăm.

Đối với người lớn, ly hôn cũng là khoảng thời gian rất căng thẳng. Áp lực đó có thể được khuếch đại bởi việc tranh chấp quyền nuôi con, tài sản và các vấn đề tài chính khác. Hơn bao giờ hết, việc tìm cách kiểm soát căng thẳng là điều cần thiết đối với phụ huynh và cả gia đình ngay lúc này. Bằng cách giữ cho bản thân khỏe mạnh về thể chất và tinh thần, các bậc cha mẹ có thể đảm bảo việc quan tâm đến nhu cầu của bản thân từ đó thiết lập trạng thái thích hợp để chăm sóc con. Ngoài ra, phụ huynh có thể nhờ đến các nguồn hỗ trợ khác từ người thân, họ hàng, bạn bè hay chuyên gia nhằm điều chỉnh sự thay đổi lớn một cách lành mạnh.  Bên cạnh đó, đối với trẻ, ba mẹ cũng cần lưu ý những dấu hiệu khó khăn trong việc hòa nhập với hoàn cảnh sống mới và tìm đến sự hỗ trợ phù hợp.

Bất kể thay đổi nào cũng cần thời gian để thích ứng. Việc tìm kiếm sức mạnh bên trong và các nguồn lực bên ngoài cũng như các kỹ năng ứng phó phù hợp sẽ góp phần giúp trẻ và gia đình thích nghi với giai đoạn khủng hoảng này.

Tài liệu tham khảo:

Lyness, D. (2015). Helping Your Child Through a Divorce from https://kidshealth.org/en/parents/help-child-divorce.html
Broadwell, L. Age-by-Age Guide on the Effects of Divorce on Children from https://www.parents.com/parenting/divorce/coping/age-by-age-guide-to-what-children-understand-about-divorce/

Chuyên gia tâm lý Nhan Cẩm Nghi
Đơn vị Tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố