Ba mẹ làm gì khi con muốn tự tử?

Những suy nghĩ tiêu cực chắc hẳn là chuyện thường tình của người lớn. Nhưng khi chúng xuất hiện ở trẻ em, đặc biệt dưới những ý nghĩ liên quan đến tự tử, lại là tình huống mà các bậc phụ huynh không bao giờ mong đợi. Ba mẹ dường như đứng trước tình thế bối rối: “Chuyện gì đã xảy ra với đứa con còn “non dại” của mình?”,… Một số phụ huynh khác có thể thảng thốt trước hành động của trẻ cho đến khi biết được ý tưởng tự tử đã xuất hiện trong con từ rất lâu. Họ chợt nhận ra, “Từ lúc nào giữa ba mẹ và con trở nên có khoảng cách đến thế?”…

Khi con không còn muốn sống

Một trong những lý do khiến phụ huynh có những cảm xúc lo lắng và lúng túng trên xuất phát từ niềm tin cho rằng con mình chưa đạt đến mức phát triển khái niệm về tự tử. Tuy nhiên theo nghiên cứu cho thấy, trẻ em từ 6 tuổi đã bắt đầu có ý thức về cái chết [1] và từ 8 – 9 tuổi, trẻ đã có những hiểu biết về cái chết cũng như tự tử [2]. Nhiều trẻ còn có khả năng lên kế hoạch, tìm cách và thậm chí đã qua đời vì tự tử [3]. Đặc biệt, đối với độ tuổi vị thành nhiên, nguy cơ tự tử lần hai cao gấp 6 lần. Thống kê cho thấy mỗi năm có khoảng 12.000 trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 14 tuổi được đưa vào các đơn vị bệnh viện tâm thần vì hành vi tự tử.[4]

“Thế nhưng, vì sao con muốn tự tử?”

Trong bất kì một giai đoạn nào của cuộc sống, mỗi chúng ta đều đối diện với những xung đột tâm lý xã hội xuất phát từ nhu cầu cá nhân mâu thuẫn với nhu cầu xã hội. Một trong số đó có thể giải quyết được, còn một số thì không, đặc biệt đối với trẻ, khi kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng thích ứng còn giới hạn. Vì thế, ở những tình huống khó khăn nhất định có thể kích hoạt suy nghĩ tiêu cực và bùng nổ về cảm xúc, khiến trẻ tìm cách chấm dứt căng thẳng bằng phương án tự tử. Các tình huống được liệt kê dưới đây nhằm cung cấp góc nhìn về những nguy cơ có thể làm tăng khả năng tự tử của trẻ. Phụ huynh lưu ý cần nhiều yếu tố khác kết hợp với nhau dẫn đến một cuộc khủng hoảng ở trẻ và điều này cần sự theo dõi của chuyên gia:

  • Rối loạn tâm lý/ tâm thần: trầm cảm, nghiện chất,…
  • Bạo hành thể chất/ cảm xúc
  • Lạm dụng tình dục
  • Áp lực liên quan đến gia đình: gia đình mâu thuẫn, li dị, sự thiếu giao tiếp giữa ba mẹ và con cái, bị ba mẹ mắng, tiền sử tự tử của gia đình
  • Áp lực liên quan đến nhà trường: bị điểm kém, rớt môn, bị bắt nạt, trêu chọc
  • Áp lực trong việc đáp ứng kỳ vọng của xã hội về vai trò và hành vi chuẩn mực
  • Những mất mát khác
  • [5]

Những sự kiện này dường như quá khó để trẻ có thể vượt qua. Chúng khơi gợi cảm xúc buồn bã, thất vọng, chán nản, suy nghĩ tiêu cực và dẫn đến những hành vi gây tổn thương đến bản thân khiến trẻ có thể chọn con đường “tự giải thoát” trong lúc bế tắc.

“Ba mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con”

Tự sát là điều không ba mẹ nào mong muốn ở con mình. Thế nhưng, đó cũng là dấu hiệu báo động về tình trạng khó khăn của con và là điều kiện để ba mẹ thảo luận cùng con về những điều diễn ra trong cuộc sống. Điều cần thiết đầu tiên là việc đánh giá mức độ mong muốn tự sát của trẻ để có sự hỗ trợ phù hợp. Liệu đó là một ý nghĩ thoáng qua hay đã là một kế hoạch được chuẩn bị từng bước, thậm chí con từng thử tự sát nhiều lần? Để tìm hiểu, ba mẹ cần nhạy cảm trong việc nhận ra dấu hiệu và đảm bảo việc đặt câu hỏi cho con một cách rõ ràng, dễ hiểu và không phán xét. Phụ huynh hãy cho con biết bản thân đang rất lo lắng và muốn giúp đỡ con, động viên con chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình.

“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ”, nguồn viện trợ tốt nhất cho trẻ không ai khác ngoài người thân. Hơn bao giờ hết, điều con cần ngay lúc này là sự chủ động lắng nghe tâm tư, tình cảm của con từ phía ba mẹ. Điều này góp phần giúp trẻ cảm thấy suy nghĩ, cảm xúc và nhu cầu của bản thân được tôn trọng. Bên cạnh đó, phụ huynh có thể đặt câu hỏi để hiểu hơn về con, ví dụ như “Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo nếu con không còn sống?” “Ngoài tự tử, có cách nào khác để giải quyết vấn đề không?”… thay vì chỉ trích hay la mắng con. Điều con cần hơn bao giờ hết ở thời điểm này là sự đồng hành và chia sẻ của những người xung quanh.

Đối với những trẻ gặp rối loạn tâm lý như trầm cảm và tìm đến cái chết, phụ huynh cần đưa con đến các cơ sở trị liệu tâm lý để được hỗ trợ.

Trang bị “hệ miễn dịch” cho con

Những mối quan hệ tích cực, hỗ trợ từ gia đình và xã hội đóng vai trò quan trọng bảo vệ trẻ khỏi vi-rút “tự tử”. Sự gắn kết vững chắc giữa ba mẹ và con cái tạo cảm giác an toàn và là tiền đề giúp trẻ phát triển nhận thức về giá trị bản thân: “Mình không đơn độc” “Mình xứng đáng nhận được tình yêu thương từ ba mẹ và mọi người xung quanh”… Bên cạnh đó, việc phát triển mối quan hệ tốt đẹp với nhà trường, bạn bè góp phần củng cố nguồn lực bên ngoài và sự tự tin bên trong của trẻ. Ngoài ra, ba mẹ và thầy cô có thể hỗ trợ trẻ trong việc giáo dục các kĩ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng đưa ra quyết định và thích ứng với môi trường nhằm phòng ngừa và ứng phó với những tình huống khó khăn. Một chế độ sinh hoạt hợp lý, sự cân bằng giữa thể chất và tinh thần có thể giúp trẻ có những trải nghiệm sống lành mạnh và cái nhìn tích cực với bản thân cũng như những người xung quanh.

Các trào lưu gầy đây như “Thử thách Cá voi xanh” (Blue Whale Challenge) hay “Thử thách Momo” (Momo Challenge) là hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm cận kề của một thực trạng không xa lạ với chúng ta. Tự tử giờ đây là vấn đề đáng lưu ý trong giai đoạn vốn dĩ được cho là vui tươi và hồn nhiên nhất đời người. Vô vàn thắc mắc cũng như trăn trở của các bậc phụ huynh được đặt ra xoay quanh tình trạng “bế tắc” trên. Tuy nhiên, “Phía cuối đường hầm luôn có ánh sáng”, ở một góc nhìn khác, khó khăn đồng thời cũng là cơ hội để gia đình nhìn lại những khúc mắc và cùng nhau giải quyết. Lúc này đây, ba mẹ là chỗ dựa vững chắc cho con trong việc đề nghị giúp đỡ và đồng hành cùng con tháo gỡ khúc mắc.

Chuyên gia tâm lý Nhan Cẩm Nghi
Đơn vị tâm lý – Bệnh viện Nhi đồng Thành phố
[1] Hunter, S. B., & Smith, D. E. (2008). Predictors of Children’s Understandings of Death: Age, Cognitive Ability, Death Experience and Maternal Communicative Competence. OMEGA – Journal of Death and Dying. 57 (2); 143-62.

[2] Mishara, B. L. (1998). Childhood conceptions of death and suicide: Empirical investigations and implications of suicide prevention. In D. De Leo, A. Schmidtke, & Diekstra, R. F. (Eds.), Suicide prevention: A holistic approach (pp. 111-119). Dordrecht: Kluwer Academic Publishers.

[3] Pfeffer, C. R., Normandin, L., & Kakuma, T. (1994). Suicidal children grow up: Suicidal behavior and psychiatric disorders among relatives. Journal of the American Academy of Child and Adolescent Psychiatry, 33, 1087-1097.

Tishler, C., Reiss, N. and Rhodes, A. (2007). Suicidal behavior in children younger than twelve: A diagnostic challenge for emergency department personnel. Academic Emergency Medicine. 14(9), 810-818

[4] Tishler, C., Reiss, N. and Rhodes, A. (2007). Suicidal behavior in children younger than twelve: A diagnostic challenge for emergency department personnel. Academic Emergency Medicine. 14(9), 810-818

[5] Soole, R., Kõlves, K., & De Leo, D. (2014). Suicide in Children: A Systematic Review. Archives of Suicide Research, 19(3), 285–304