Nguy cơ sang chấn tâm lý ở nhân viên tham gia chống dịch

Đại dịch Covid 19 và những hệ quả của nó trên toàn thế giới có thể xem là một sang chấn tập thể (Collective trauama). Khác với sang chấn của cá nhân, sang chấn tập thể của một cộng đồng có thể tồn tại qua nhiều thế hệ và thời gian.
Không chỉ bệnh nhân, thân nhân mà các nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch cũng đối diện với nguy cơ bị sang chân tâm lý do đại dịch Covid 19 gây ra.

Khi tâm lý bị tổn thương

Sang chấn tâm lý có thể xảy ra cho bất kỳ ai trong chúng ta. Sang chấn tâm lý có thể đến từ những sự kiện xảy ra trong cuộc sống hàng ngày làm chúng ta đau khổ, sợ hãi, cảm thấy bị đe dọa, bất lực như bạo lực, tai nạn, mất mát người thân đột ngột, thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh. Tùy thuộc vào trải nghiệm chủ quan, khi đối diện với cùng một sự kiện đau thương, mỗi người sẽ có những phản ứng khác nhau. Có những người nhanh chóng giảm dần mức độ căng thẳng theo thời gian nhờ vào quá trình tự phục hồi của tâm trí. Tuy nhiên, một số khác lại gặp phải tình trạng căng thẳng kéo dài và đưa đến các rối loạn tâm thần như rối loạn stress cấp, stress sau sang chấn (PTSD), trầm cảm, lo âu…
Sang chấn tâm lý sẽ làm cho một người xuất hiện các trạng thái tâm lý không tích cực và suy giảm chức năng sống. Rất nhiều người sẽ có các cảm xúc buồn phiền, lo âu, sợ hãi, tức giận… và các suy nghĩ chán nản, tuyệt vọng, bất lực. Từ đó, một số cá nhân có thể xuất hiện các hành vi tránh né, tự hại, lạm dụng chất thậm chí tự sát. Ngoài ra, sang chấn tâm lý còn tác động lên cơ thể và có thể gây nên những ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, tim mạch, miễn dịch,…

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác động tiêu cực của đại dịch tới tâm lý của lực lượng nhân viên y tế phòng chống dịch bệnh Covid có thể kể đến là Stress, Lo âu, Kiệt sức nghề nghiệp, trầm cảm, nguy cơ tự sát… đã được ghi nhận. Nhiều nghiên cứu trong thời gian gần đây đã được thực hiện chỉ ra tình trạng nhân viên y tế đối mặt với nguy cơ cao về căng thẳng, kiệt sức nghề nghiệp và tự sát (Holmes, 2020) (Luceño-Moreno, 2020).
Trong lĩnh vực y khoa, tình trạng kiệt sức nghề nghiệp ở nhân viên y tế có thể gây tác động tiêu cực đến việc chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Nghiên cứu trên đối tượng các bác sĩ phẫu thuật tại Hoa Kỳ đã chỉ ra các sai sót y khoa lớn có tương quan với mức độ kiệt sức của bác sĩ phẫu thuật. Trong khi đó, mức độ kiệt sức nghề nghiệp ở bác sĩ có tương quan tỷ lệ nghịch với mức độ hài lòng của bệnh nhân (Halbesleben, 2008). Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy nguy cơ ý định tự sát, trầm cảm, lạm dụng chất gia tăng nơi các bác sĩ đã trải qua tình trạng kiệt sức (Gold, 2013), (Soler, 2008)

Người chăm sóc cũng biết mỏi mệt

Trong bối cảnh đại dịch Covid 19, hai vấn đề đặc thù nổi bật: moral injury va compassion fatigue

Moral injury (tổn thương đạo đức) là tình trạng nội tâm của nhân viên y tế bị xung đột khi phải chứng kiến hoặc thực hiện các quyết định liên quan đến tính mạng bệnh nhân, đối mặt với những tình huống chọn lựa đưa đến kết quả tiêu cực… Những quyết định và chọn lựa này đôi mâu thuẫn với các giá trị đạo đức của bản thân hay chuẩn mực hành nghề. Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, số bệnh nhân cần được điều trị tăng cao gây quá tải cho ngành y tế, tình trạng tổn thương lương tâm này rất dễ xảy ra. Nếu không được nhận biết và can thiệp, tình trạng này có thể làm nhân viên y tế cảm thấy tội lỗi, tự trách mình, giảm động lực làm việc, xáo trộn thói quen ăn uống, nghỉ ngơi và thậm chí các triệu chứng rối loạn stress sau sang chấn.

Compassion fatigue (cạn kiệt lòng trắc ẩn) thường diễn ra nơi những ngành nghề chăm sóc con người như y bác sĩ, điều dưỡng, nhà tâm lý. nhân viên xã hội… Đây là tình trạng kiệt quệ về tinh thần và thể chất dẫn đến suy giảm khả năng thấu cảm hoặc trắc ẩn với người khác. Kiệt sức nghề nghiệp được cho là một trong những yếu tố có liên quan với cạn kiệt lòng trắc ẩn. Người ở trong tình trạng này thường giảm khả năng tập trung, khó hài lòng với bản thân, luôn bất lực và cáu kỉnh.

Từ đó, có thể thấy ngoài việc quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho bệnh nhân và gia đình bệnh nhân trong đại dịch Covid 19, nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch cũng là đối tượng cần được lưu ý.

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện
Đơn vị Tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố