Hành trình ăn dặm cùng trẻ

1000 ngày đầu đời được coi là quãng thời gian vàng, bắt đầu từ khi thai nhi hình thành cho đến khi trẻ đạt đủ 2 tuổi quyết định lớn đến sự phát triển của trẻ sau này. Chăm sóc dinh dưỡng và tinh thần tốt cho trẻ trong thời gian này giúp hình thành nền tảng tốt nhất cho trẻ lớn lên, khỏe mạnh và thông minh. Vậy chế độ dinh dưỡng cho trẻ trong 1000 ngày đầu đời như thế nào?

Đầu tư vào dinh dưỡng cho bé trong giai đoạn này (1000 ngày đầu đời) chính là sự đầu tư tốt nhất cho sự phát triển cả đời của bé. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh rằng: trong 1000 ngày vàng này, trẻ được nuôi dưỡng đúng cách sẽ có hệ miễn dịch tốt và phát huy hết tiềm năng về thể chất và trí tuệ trong tương lai. Do đó ăn dặm (ăn bổ sung) là một cửa số cực kì quan trọng góp phần xây dựng nền tảng dinh dưỡng, tầm vóc cho trẻ.

Chế độ dinh dưỡng giúp trẻ phát triển trong 1000 ngày đầu đời Viện dinh dưỡng Quốc gia
Chế độ dinh dưỡng giúp trẻ phát triển trong 1000 ngày đầu đời Viện dinh dưỡng Quốc gia

Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ từ 6 tháng tuổi nhu cầu về năng lượng cao hơn để tăng trưởng, các dự trữ sắt mẹ cho lúc sinh đã giảm, nguồn sữa lúc này không cung cấp đủ về năng lượng, không cung cấp đủ nhu cầu đạm và vi khoáng chất (sắt và vitamin A) cho trẻ ở giai đoạn này.

Biểu đồ thể hiện nhu cầu năng lượng của trẻ từ 6-24 tháng không đủ nếu trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn.
Biểu đồ thể hiện nhu cầu năng lượng của trẻ từ 6-24 tháng không đủ nếu trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn.
Nhu cầu năng lượng, đạm, sắt, vitamin A và phần thiếu hụt nếu mỗi ngày trẻ nhận khẩu phần gồm  550 ml sữa mẹ.

Theo tổ chức y tế thế  giới, ăn dặm (ăn bổ sung) khi trẻ bắt đầu 6 tháng tuổi (180 ngày tuổi), ở giai đoạn này ngoài sữa mẹ, trẻ cần được ăn bổ sung để cung cấp thêm năng lượng, dinh dưỡng, các vi chất dinh dưỡng đảm bảo cho sự tăng trưởng phát triển tối ưu của trẻ.

Ăn dặm (ăn bổ sung) là giai đoạn chuẩn bị để trẻ chuyển từ bú mẹ, uống sữa  sang giai đoạn “ nuốt và nhai nát”. Điều quan trọng của giai đoạn này không chỉ là cho trẻ ăn và đảm bảo sự phát triển của trẻ mà còn là quá trình đông hành cùng trẻ, khuyến khích giúp trẻ có hứng thú với ăn uống, giúp trẻ ăn uống tự lập. Những lưu ý về cách lựa chọn thực phẩm, lượng ăn, cách ăn, cách tương tác giao tiếp trong giai đoạn bé tập làm quen, tiếp xúc thức ăn sẽ giúp quý phụ huynh tự tin, đồng hành cùng trẻ tạo nên không khí vui tươi, giúp quý phụ huynh đồng hành cùng trẻ trong hành trình ăn dặm.

 Các Nguyên tắc chính trong ăn dặm (ăn bổ sung)

  • Lúc khởi đầu tập ăn, nên cho bé ăn từng loại thực phẩm riêng biệt và gần giống với loại sữa bé đang dùng nhất. Trong giai đoạn này, cho trẻ làm quen với thức ăn sệt, loãng như các loại bột dinh dưỡng, theo nguyên tắc lượng ít, đơn giản, bổ sung từng loại thực phẩm, theo dõi tình trạng dung nạp, tiếp nhận của trẻ để điều chỉnh.
  • Ngoài ra xây dựng kết cấu thực phẩm phù hợp theo tháng tuổi, để trẻ phát triển các cơ nhai, cơ hàm. Ban đầu có thể bổ sung bột gạo dinh dưỡng (bột gạo sữa chế biến sẵn đóng gói) dạng mịn, đợi đến khi trẻ ăn tăng dần với số lượng nhiều hơn, sau đó bổ sung thêm các loại thịt cá, các loại rau giàu vitamin bằm nhuyễn và tăng dần kích thước, tăng dần độ thô để trẻ phát triển cơ hàm, hoạt động nhai nuốt hiệu quả và tạo sự thích thú phong phú cho bữa ăn.
  • Việc đa dạng thực phẩm trong bữa ăn đóng vai trò quan trọng giúp trẻ phòng tránh suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng. Các loại thực phẩm khác nhau sẽ có mùi vị, hàm lượng chất dinh dưỡng đa dạng, nâng cao khả năng giúp trẻ đạt chế độ dinh dưỡng cân bằng. Quý phụ huynh cần đảm bảo đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng cần thiết: tinh bột (gạo, ngô,…), chất đạm (trứng, sữa, thịt, cá,…), chất béo (lạc, vừng, mỡ động vật,…), chất xơ, vitamin và khoáng chất (các loại trái cây, rau củ quả tươi,…).
Thực đơn cho trẻ ăn dặm. Viện dinh dưỡng Quốc gia

Các nhóm chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn dặm:

Chất đạm: Ưu tiên chọn các loại đạm động vật giàu sắt, kẽm, vitamin như gan, thịt gà, cá, trứng, các loại thịt có màu đỏ như thịt bò. Mỗi chén cháo (thể tích 200ml) của trẻ  cần 10 gram – 25 gram(1 muỗng canh) đạm các loại thịt cá.

Tinh bột: các loại ngũ cốc đa dạng như bột gạo, khoai, nui, mì. Lượng tinh bột tăng dần theo tháng tuổi, ví dụ khoảng 40 gram bột gạo cho chén bột đặc ở trẻ 8 tháng tuổi.

Chất béo: là nguồn cung cấp năng lượng chính, chiếm tỷ lệ lớn trong khẩu phần trẻ, khoảng 35 % tổng năng lượng (trẻ từ 6-24 tháng tuổi), nên  ăn đa dạng các loại dầu thực vật như dầu nành, dầu phộng,dầu cải, dầu hướng dương, dầu cá xen kẽ với các loại chất béo no như mỡ heo. Mỗi chén bột, cháo bổ sung thêm 5-10 ml dầu ăn hoặc mỡ, còn giúp chén bột mềm, không quá khô, trẻ dễ ăn.

Nhóm rau củ giàu xơ, vitamin, khoáng chất: Ưu tiên chọn các loại  lá màu xanh đậm và củ quả màu cam, màu vàng, các loại này cung cấp  nhiều vitamin A, vitamin C, folate, cách chế biến băm nhuyễn hoặc cắt nhỏ phù hợp độ tuổi trẻ.

Nêm gia vị ở giai đoạn ăn dặm: lưu ý không nêm thêm gia vị vào thức ăn cho trẻ dưới 12 tháng tuổi vì hàm lượng natri  và clo trong thực phẩm như sữa mẹ, sữa công thức đã sẵn có, đủ để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của trẻ nhỏ. Ngoài ra tạo lập thói quen ăn ít muối ngay từ khi còn nhỏ cũng ảnh hưởng đến thói quen ăn nhạt khi trưởng thành phòng ngừa bệnh mãn tính như tăng huyết áp.

Nguyên tắc Thực Hành Cho Ăn Đáp Ứng: Xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh từ nhỏ 

  • Bón, đút cho bé nhỏ, giúp bé lớn hơn tự ăn
  • Chậm rãi và kiên nhẫn khuyến khích bé ăn
  • Nếu có nhiều loại thực phẩm bé không muốn ăn, nên thay đổi mùi vị và đa dạng loại thực phẩm
  • Giảm các yếu tố gây phân tâm trong khi ăn như xem video, khiến bé dễ mất tập trung vào bữa ăn
  • Giờ ăn là giờ học ẩm thực và học yêu thương – trò chuyện với bé và giao tiếp với bé.

Theo dõi tình trạng dung nạp thức ăn ở trẻ tập ăn dặm

  • Khi bắt đầu bổ sung loại thức ăn mới đầu tiên, có thể cho ăn 1-2 lần mỗi ngày, ăn liên tục trong 3 ngày và chú ý quan sát. Nếu trẻ có những phản ứng bất thường như tiêu chảy trên 3 lần, ói ọc, chướng bụng, nổi mẫn da hoặc có dấu hiệu khác lạ thì tạm thời dừng cho ăn, xem xét tình trạng có thể trẻ không dung nạp hoặc di ứng thức ăn đó.
  • Đối với bé không hợp tác, từ chối thức ăn,vẫn chơi vẫn bú tốt chúng ta ngừng món và tập lại sau 2-3 ngày với các món trơn hơn.

Các lưu ý  trong hành trình ăn dặm cùng trẻ

  • Cho trẻ tiếp xúc với thức ăn của người lớn quá sớm, khiến trẻ thích ăn những thức ăn

đậm đà, dễ chán và từ chối các món ăn của trẻ.

  • Cho trẻ ăn rất nhiều quà vặt, bánh kẹo trước bữa ăn : để bù lại việc thiếu hụt lượng

thức ăn ở mỗi bữa chính, nhưng khiến tình trạng biếng ăn trầm trọng hơn.

  • Cho trẻ ăn nhiều rau xanh, giảm tinh bột vì lo sợ trẻ thiếu vitamin. Ví dụ như bột gạo, cháo quá loãng, mì quá ít sẽ dẫn đến thiếu hụt carbohydrate, hậu quả là không đủ năng lượng, khiến trẻ không tăng cân. Nguyên tố vi lượng chỉ có thể phát huy tác dụng đầy đủ trên cơ sở có đủ nguyên tố đa lượng (đạm,đường, béo).
  • Cho trẻ ăn nước hầm xương (không bổ sung đạm động vật), vì cho rằng các chất dinh dưỡng trong phần cái sẽ hòa hết vào nước hầm xương được nấu nhừ nên chỉ cần cho trẻ ăn nước hầm là đủ. Các chất dinh dưỡng, chất đạm vẫn chỉ hòa ra một lượng nhỏ, phần còn lại chủ yếu trong bã thức ăn. Vì vậy, chỉ cho trẻ ăn nước hầm sẽ khiến trẻ bị thiếu hụt dinh dưỡng.
  • Không lấy lượng thức ăn của trẻ khác làm cơ sở tiêu chuẩn cho trẻ, ép buộc trẻ ăn thật nhiều : khi Trẻ có một chế độ dinh dưỡng cân bằng, phát triển theo biểu đồ tăng trưởng là chứng tỏ trẻ tăng trưởng bình thường.

Tóm lại trong hành trình ăn dặm cùng trẻ:

Chúng ta cần khuyến khích, động viên, hỗ trợ, tạo không khí vui tươi cho bữa ăn với tình yêu thương, giúp trẻ tạo lập thói quen ăn uống lành mạnh khoa học. Mỗi chúng ta nên trang bị thêm kiến thức nuôi dưỡng trẻ, cách lựa chọn thực phẩm, số lượng cử ăn, lượng thức ăn phù hợp với tháng tuổi của trẻ nhỏ. Chất lượng bữa ăn đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng (đạm, đường, béo, chất xơ và vi khoáng chất), cần đa dạng hóa thực phẩm để trẻ được nhận chế độ dinh dưỡng cân bằng, góp phần tối ưu hóa trong 1000 ngày đầu đời của con./.

BS CKI Đào Thị Cẩm Thùy
Khoa Dinh dưỡng – Tiết chế
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố