Dinh dưỡng hợp lí cho trẻ trong những ngày tết

Tết là dịp nghỉ ngơi đúng nghĩa của trẻ con chứ đối với người lớn và các bậc làm cha mẹ có nhiều khi lại bận rộn và tất bật hơn cả ngày thường. Vì quá bận rộn, đôi khi chúng ta không chu đáo lắm trong việc thực hiện bữa ăn cho trẻ. Ngoài ra, một số phụ huynh đôi khi cũng không muốn căng thẳng trong những ngày Tết nên hay có tâm lý “cho con thoải mái đi, Tết mà!!!”. Chính vì thế, các cháu chỉ cần uống một chút sữa hoặc ăn thêm bánh mứt có sẵn xung quanh xem là đủ bữa. Có gì, ra Tết tính tiếp!


Tuy nhiên, đối với trẻ từ 1 đến 3 tuổi, hãy còn quá nhỏ, cách ăn uống như trên hoàn toàn bất lợi cho sức khỏe bé. Bởi thức ăn bánh kẹo mứt ngày Tết chủ yếu là tinh bột, đường. Thiếu chất đạm như tôm cua cá thịt …, thiếu chất rau, chất xơ, thiếu vitamin và khoáng chất.
Vì thế:
– Nếu trẻ dư cân béo phì: có xu hướng thích ăn nhiều bánh mứt, uống nước ngọt, bánh chưng nhiều thịt mỡ … sẽ làm bé tăng cân nhiều hơn sau Tết. Bé đang dư cân, sau tết thành béo phì. Bé đang bị béo phì, sau Tết trở thành béo phì nặng hơn.
– Nếu trẻ đang biếng ăn – suy dinh dưỡng: việc ăn lặt vặt mứt, bánh kẹo, uống nước ngọt … trước bữa ăn chính làm cho bé vốn biếng ăn lại biếng ăn hơn, bú ít hơn. Hậu quả là trẻ nhanh chóng sụt cân, và tuột dốc sau Tết
– Mặt khác, chế độ ăn đơn giản như nêu trên, dẫn đến tình trạng trẻ thiếu một số vi chất như Vit C, Vitamin B, kẽm, canxi …, trẻ mỏi mệt, sức đề kháng giảm và nhanh chóng dễ mắc bệnh trong những ngày Tết, cho dù đó là một trẻ bình thường, dư cân hoặc suy dinh dưỡng.
– Thiếu rau, xơ: bé rất dễ bị táo bón, gây khó chịu, mỏi mệt … gây biếng ăn hơn
Vì những tác hại như đã phân tích trên, nên trong những ngày Tết, dù rất bận rộn, nhưng bố mẹ vẫn nên cố gắng hết sức duy trì đúng giờ ăn cho con, đúng loại thức ăn phù hợp độ tuổi bé. Cách chế biến thức ăn trong những ngày Tết cho trẻ có thể đơn giản hơn, bé có thể được ăn ít hơn một chút nhưng bù lại chúng ta tăng lượng sữa lên cho bé chứ không được bỏ bữa. Mặt khác, ta cũng cần chú ý cho bé ngủ đầy đủ như ngày thường, nhằm giúp bé duy trì cho bé đủ sức khỏe để đi chơi, thăm bạn bè người thân, thưởng Tết cùng bố mẹ một cách thoải mái.

Dịp Tết đến, nhiều phụ huynh cũng hay hỏi bác sĩ: có nhiều bánh dinh dưỡng được quảng cáo là chứa nhiều chất dinh dưỡng cho trẻ nhỏ nhưng không biết thực hư như thế nào? Nếu nhỡ gia đình không có thời gian thì có thể cho bé ăn sáng bằng bánh dinh dưỡng được không?
– Bánh dinh dưỡng cung cấp chủ yếu là chất bột đường và được nhà sản xuất bổ sung thêm một số vitamin và khoáng chất nhưng vẫn không thể nào thay thế được bữa ăn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm mà chúng ta chế biến cho bé hằng ngày.
– Hơn nữa, nếu cứ ăn bánh dinh dưỡng mỗi bữa sáng bé sẽ ngán và bỏ bữa mà bữa sáng đối với cơ thể rất quan trọng sau một đêm ngủ dài. Vì vậy, dù bận rộn cỡ nào thì ba mẹ cũng cố gắng chuẩn bị cho con một bữa sáng đơn giản nhưng đủ chất và kèm với một ly sữa.

Bác sĩ còn gặp nhiều trường hợp các bé thường viện lý do mình đã ăn bánh kẹo, uống sữa no rồi nên không chịu ăn cơm, nhiều bố mẹ băn khoăn khi gặp trường hợp này không biết nên xử lý thế nào để bé không bỏ bữa cơm?
Thật ra khó mà cũng dễ nè! Bác sĩ gợi ý vài “chiêu” xem sao nhé:
– Phụ huynh không nên chìu theo ý bé khi bé đòi ăn bánh kẹo hay uống sữa trước bữa ăn để tránh bé bỏ bữa ăn chính.
– Trước khi đi chơi nên cho bé ăn trước ở nhà, vẫn phải đảm bảo chế độ ăn uống, thời gian giống như ngày thường.
– Cũng có thể cho bé thưởng thức những món ăn khác cơm để bé không ngán như: bánh chưng, miến, bún…
– Và nhớ chuẩn bị những thức ăn chế biến sẵn như cháo gói, yaourt, phô mai, sữa, trái cây… để phòng trường hợp bất khả kháng bé không ăn được những loại thức ăn ngày Tết ở những nơi mà gia đình ghé thăm, lúc đó chúng ta sẽ có ngay những thức ăn thay thế để bé vẫn đảm bảo ăn đúng giờ, đủ dinh dưỡng.

Tết thông thường gia đình đi chơi xa. Một vấn đề không kém phần quan trọng được đặt ra là chúng ta phải chuẩn bị những thực phẩm gì hợp lý, khoa học, đủ dinh dưỡng cho trẻ 3- 6 tuổi khi đi du lịch?
Nguyên tắc chung là gia đình nên nghiên cứu trước (qua người thân bạn bè đang cư ngụ tại địa phương nới đến, qua tour du lịch, sách báo, internet …) nguồn thực phẩm tại địa phương ta đến có quen thuộc với thói quen ăn uống của bé không? Có những món đặc sản gì? Vấn đề này rất quan trọng nhằm giảm thiểu mang vác cồng kềnh không cần thiết. Bởi lẽ, có những thực phẩm ta sẽ mua sắm khi đã đến nơi. Tránh đem theo cả “nhà bếp” đi du lịch.
Những thực phẩm cần chuẩn bị: Chỉ cần mua một ít thực phẩm cần thiết cần cho bé ăn uống trên đường đi và thời điểm lúc vừa đến nơi (vì lúc đó cả nhà đang mệt mỏi, tắm rửa, sắp xếp hành lý …). Có thể kể đến:
– Sữa bột: 1) Trẻ nhỏ đang uống sữa bột, ta nên pha sẵn 1 bình sữa ủ ấm mang theo nếu thời gian di chuyển không dài hoặc mang theo bình nước nóng 2) Chỉ nên đem theo một lon (hộp) sữa bột loại nhỏ bé đang hiện bú, đến nơi sẽ mua thêm, tránh mang vác nặng
– 1 – 2 lốc sữa tươi, hộp giấy có ống hút
– Bột ăn dặm
– 1 hộp phô mai, 10 cây xúc xích loại nhỏ
– 2 – 3 chai nước tinh khiết đóng chai loại lớn nhỏ, để sẵn trong ba-lô. Đến nơi, ta sẽ mua thêm nước tinh khiết trữ chứ không nên mang vác nhiều không cần thiết
– Có thể vài gói mỳ ăn liền (ăn khi vừa đến nơi hoặc những tối đói bụng không ra ngoài được …)
– Có thể 6 gói cháo ăn liền đóng gói cho bé đang còn ăn cháo.
– Rau trái tươi, một ít quýt, bưởi, nho … Đây là những thực phẩm sạch, khi ăn ít dây bẩn xung quanh. Nên đem vừa đủ số lượng ăn trên đường đi, giúp trẻ thư giãn, đỡ khát nước
– Bánh quy, chocolat, bánh kẹo ngọt loại mềm dễ nhai, nuốt … phù hợp lứa tuổi bé

Một vấn đề cũng được đặt ra là, nếu nấu nướng ở nhà và mang theo đến nơi nghỉ mát thì thấy cũng có nhiều bất tiện. Có nên chăng khi đến nghỉ mát chúng ta có thể mua đồ hộp rồi chế biến thức ăn cho bé, chẳng hạn chỉ cần một gói cháo ăn liền, thực phẩm đóng hộp, thịt chà bông thì chúng ta đã có một tô cháo ngon lành cho bé không nhỉ?
Thực ra, có một số điểm chúng ta cần lưu tâm:
– Rõ ràng, thực phẩm tươi sống và tự nhiên bao giờ cũng sẽ tốt hơn cho sức khỏe của bé
– Thế nhưng, nếu để giảm sự bận rộn của bố mẹ, việc chế biến bữa ăn cho trẻ bằng cháo ăn liền kèm đồ hộp chỉ trong vài ba ngày thôi thì vẫn có thể chấp nhận được, không ảnh hưởng gì nhiều trẻ, nhưng tốt nhất, ta nên hạn chế các loại đồ hộp.
– Các thực phẩm đóng gói có khả năng chứa phụ gia bảo quản, nếu ăn ít thì không sao nhưng nếu ăn nhiều ngày sẽ gây rối loạn tiêu hóa bởi chất bảo quản có tác dụng ức chế vi khuẩn phát triển, kể cả vi khuẩn có lợi trong đường tiêu hóa của trẻ, nếu trẻ ăn nhiều có thể bị tiêu chảy hoặc táo bón. Do vậy, dù rất bận rộn, quý phụ huynh cũng nên chịu khó vào bếp nấu các món tươi sống, tự nhiên cho bé.
– Cần chú ý, khi lựa chọn đồ hộp, cháo ăn liền (phải chọn thương hiệu quen thuộc, uy tín. Hạn sử dụng còn xa, bao bì không rách nát móp méo, không mua hàng bị phơi giữa trời nắng chang chang bày bán trên vỉa hè …). Khi khui ra, bố mẹ cần quan tâm màu, mùi, vị, cấu tạo, nếu có gì bất thường (mùi không thơm, hôi, thức ăn vón cục … bất thường) thì cần loại bỏ, không tiếc rẻ nha.

Khi chúng ta đi nghỉ mát ở những vùng miền khác nhau thì ở mỗi nơi đều có những món ăn đặc sản riêng. Người lớn của chúng ta thì việc dùng thử một món ăn mới, lạ là chuyện bình thường, không vấn đề gì cả. Thế nhưng, nếu có bé đi cùng thì bố mẹ có thể cho bé nếm thử món mới, quá xa lạ với bé thì có được không nhỉ?
Nguyên tắc chung là chúng ta hết sức dè dặt. Vì hệ tiêu hóa bé chưa đủ hoàn thiện như người lớn. Ngoài những nguyên tắc vệ sinh, an toàn thực phẩm cơ bản mà bắt buộc phải thực hiện, bố mẹ có thể cân nhắc như sau :
– Nếu từ 1 đến 3 tuổi, chỉ nên uống sữa, ăn cháo, cơm và những món quen thuộc như đã từng ăn ở nhà
– Dưới 1 tuổi chỉ nên bú mẹ hoặc bú sữa công thức đang sử dụng
– Ngay cả những món tưởng chừng như bé rất quen thuộc hay ăn ở nhà như đu đủ, chuối, nước mía … Ta cũng cần phải mua ở những hàng quán vệ sinh sạch sẽ. Tuyệt đối không cho trẻ ăn kem hoặc uống nước đá khi dừng chân nghỉ ngơi tại 1 điểm đến nào đó không đảm bảo vệ sinh
– Không nên cho trẻ nhỏ nếm nhiều món lạ khi đi du lịch. Hết sức cẩn thận, Nếu không, những ngày nghĩ sẽ trở thành những ngày đầy căng thẳng và lo âu vì con bạn “xấu bụng”, bị Tào tháo đuổi chạy có cờ!
Tóm lại :
Du lịch xa là những ngày tháng hiếm hoi được thư giãn cùng gia đình. Chúng ta hãy giúp cho thời gian quý báu đó được thăng hoa hơn chứ không phải càng căng thẳng hơn vì những chuẩn bị không đầy đủ hoặc lo toan không cần thiết. Muốn vậy, chúng ta cần lưu ý những điểm sau :
– Hạn chế mang vác cồng kềnh những thực phẩm không cần thiết. Hãy nhớ, chúng ta đang thư giãn chứ không phải ta đang bị đày ải khổ cực
– Nơi ta đến thường cũng có sẵn những thực phẩm thông dụng trẻ hay ăn nên có thể đến nơi rồi mua tiếp, đừng quá lo lắng!
– Những món tươi sống cho trẻ như rau, trái cây củ, quả … ta nên mua khi đã đến nơi. Bởi vì, sự bảo quản rau, trái cây, củ quả, cháo, cơm … khi lưu giữ trong hành lý, nếu nhiệt độ không đảm bảo, trời nóng bức, có thể làm thực phẩm ôi, thiu, dập nát tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
– Những thực phẩm gọn nhẹ, dễ mang, cung cấp nhiều năng lượng cho trẻ khi cần thiết đó là : Sữa, phomai, xuc xich, chuối, chocolat, bánh kẹo ngọt mềm (phù hợp lứa tuổi)
– Tránh cho trẻ ăn quá nhiều món lạ trẻ chưa ăn bao giờ
– Không nên uống nước đá, ăn kem cây … dọc đường. Nên chọn những quán ăn sạch sẽ, vệ sinh … nhằm hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm.
– Càng chú ý đến các nguyên tắc VSAT TP càng có lợi. Cho dù những việc làm tưởng chừng đơn giản như rửa tay trước ăn, xin đừng quên
– Không đem bếp gaz mini vì: 1) nếu nơi ta đến là nhà người thân, chắc hẳn sẽ có bếp. 2) Nếu nhà nghỉ, khách sạn, bạn cần nhớ là bị cấm mang vật liệu cháy, nổ. Khách sạn, nhà trọ vẫn có thể cung cấp nước sôi cho từng phòng hoặc sẵn có thiết bị nấu nước ngay trong từng phòng kia mà!

Thực hiện được một số lưu ý trên, bác sĩ tin chắc bé và cả nhà sẽ có chuyến du lịch an toàn cho sức khỏe, thật vui và thoải mái nè !

 

ThS.BS.CK2.Dương Công Minh
Khoa Dinh dưỡng – Tiết chế
Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố