Tổ chức Y tế Thế giới: 10 vấn đề ưu tiên về an toàn người bệnh đòi hỏi lãnh đạo các bệnh viện phải quan tâm và hành động – Medinet

Sự cố y khoa là điều không ai mong muốn, cả về phía thầy thuốc lẫn người bệnh. Nhưng trên thực tiễn nó vẫn xảy ra, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả những quốc gia có nền y học phát triển. Từ các chứng cớ khoa học của nhiều công trình nghiên cứu về tai biến điều trị trên thế giới, TCYTTG đã chỉ ra 10 vấn đề ưu tiên cần được các bệnh viện quan tâm, và thực tiễn đã chứng minh nơi nào triển khai hiệu quả các hoạt động an toàn người bệnh tập trung vào 10 vấn đề ưu tiên này thì hạn chế được tai biến xảy ra ở mức thấp nhất.

Dưới đây là 10 vấn đề ưu tiên liên quan đến an toàn người bệnh đã được TCYTTG khuyến cáo, đòi hỏi lãnh đạo các bệnh viện phải quan tâm và hành động:
(1) Sai sót do sử dụng thuốc,
(2) Sai sót do sử dụng trang thiết bị và dụng cụ y khoa,
(3) Sai sót do phẫu thuật và gây mê,
(4) Nhiễm trùng bệnh viện,
(5) Tiêm không an toàn,
(6) Truyền máu và các sản phẩm của máu không an toàn,
(7) An toàn cho phụ nữ mang thai và sơ sinh,
(8) An toàn trong lão khoa,
(9) Chấn thương do té ngã trong bệnh viện,
(10) Loét do nằm.

Hội đồng Quản lý chất lượng khám chữa bệnh Sở Y tế TP.HCM đã ban hành “Sổ tay khuyến cáo tăng cường triển khai hoạt động quản lý chất lượng bệnh viện”, các khuyến cáo được biên soạn căn cứ trên những quy định pháp luật hiện hành, dựa trên những căn cứ khoa học từ các tổ chức y tế có uy tín trên thế giới, nhất là TCYTTG, dựa trên những kinh nghiệm thực tiễn của các chuyên gia đầu ngành theo từng lĩnh vực và kinh nghiệm thực tiễn của các nhà quản lý bệnh viện có nhiều tâm huyết. Tính đến thời điểm hiện nay, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành 19 bộ khuyến cáo chuyên đề về quản lý chất lượng bệnh viện, trong đó đã có 7 bộ khuyến cáo chuyên đề về an toàn người bệnh, bao gồm: (1) Khuyến cáo triển khai hoạt động an toàn người bệnh tại các bệnh viện, (2) Khuyến cáo triển khai các hoạt động làm giảm bức xúc của người bệnh khi tai biến điều trị xảy ra tại bệnh viện, (3) Khuyến cáo tăng cường triển khai hoạt động an toàn trong sản khoa tại các bệnh viện, (4) Khuyến cáo xây dựng văn hóa an toàn người bệnh tại các bệnh viện, (5) Khuyến cáo tăng cường triển khai các hoạt động an toàn người bệnh trong phẫu thuật, (6) Khuyến cáo triển khai quy trình “báo động đỏ nội viện” và “báo động đỏ liên viện” nhằm tăng khả năng cứu sống người bệnh trong tình trạng nguy kịch, và (7) Khuyến cáo tăng cường triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn người bệnh trong sử dụng trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Để các khuyến cáo trên đi vào thực tiễn nhằm không ngừng hạn chế thấp nhất sai sót và tai biến điều trị xảy ra, đòi hỏi lãnh đạo các cơ sở khám chữa bệnh bên cạnh việc nhận thức an toàn người bệnh là ưu tiên số một trong mọi hoạt động của bệnh viện, đòi hỏi phải vận dụng nhiều phương thức và công cụ quản lý khác nhau, đầu tư nguồn lực cho hoạt động đảm bảo an toàn người bệnh.

Nguồn: Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh