Điều dưỡng học tiếng Khơ-me để hỏi thăm sức khỏe bệnh nhi.

PNO – Để trẻ hợp tác, giúp quá trình điều trị hiệu quả hơn, các bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) đã nhờ người nhà bệnh nhi người dân tộc Khơ-me giúp mình học tiếng để trò chuyện với bé.

Khai thác bệnh sử không thể chỉ “múa tay múa chân” cho bệnh nhi hiểu

Vừa kết thúc ca trực đêm, gặp chúng tôi, điều dưỡng Lê An Luân, khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cười ngại ngùng khi nghe hỏi về “khóa học tiếng Khơ-me”.

Mặc dù có thể sử dụng thiết bị hiện đại để tìm nguyên nhân gây bệnh, lên phác đồ điều trị nhưng chính nhờ “khóa học” này, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực – Chống độc đã cùng điều dưỡng Luân cứu sống bé trai người Khơ-me bị nhiễm khuẩn tụ cầu gây biến chứng.

Điều dưỡng học tiếng Khơ-me để hỏi thăm sức khỏe bệnh nhi
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố không chỉ điều trị cho các bệnh nhi ở TPHCM mà còn từ nhiều tỉnh thành và quốc gia khác.

Nhớ lại “khóa học đặc biệt, cấp tốc” trong 1 giờ đồng hồ, điều dưỡng Luân vẫn còn bối rối: “Quê (mắc cỡ – PV) lắm!”.

Trò chuyện thêm, khi đã thoải mái hơn, điều dưỡng Luân kể: Mấy tháng trước, đang trực thì anh nhận được thông báo từ bệnh viện tuyến tỉnh sẽ chuyển bé trai N.T.N. (13 tuổi, người dân tộc Khơ-me, ở Tây Ninh) đến cấp cứu do nhiễm khuẩn tụ cầu, nhiễm trùng máu rất nặng. Nghe nói người nhà và bệnh nhi đều không biết tiếng Kinh, điều dưỡng Luân hơi bối rối.

Theo anh, trong lúc chơi đùa, bé N. bị té ngã, gây chấn thương đầu gối. Không may, vết thương gây viêm khớp, nhiễm khuẩn tụ cầu và nhiễm trùng máu nặng, tiên lượng khó qua khỏi. Nhớ lại những ca là bệnh nhi người nước ngoài, hoặc dân tộc thiểu số, tinh thần không ổn định trong quá trình điều trị bởi các nhân viên y tế không cùng ngôn ngữ, gặp khó khăn khi giao tiếp, điều dưỡng Luân muốn làm điều tốt hơn cho bé N.

Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố từng tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhi người Đài Loan khi trẻ cùng cha mẹ sang Việt Nam du lịch và bệnh nặng. Người nhà bệnh nhi không biết tiếng Việt, cũng không có người thân tại Việt Nam khiến các bác sĩ rất lúng túng khi tìm hiểu tình trạng bệnh của trẻ. “Đổ” mồ hôi và mất khá nhiều thời gian, kết hợp với các kỹ thuật xét nghiệm, cuối cùng các bác sĩ mới tìm được nguyên nhân và chẩn đoán điều trị cho bệnh nhi này.

Tuy nhiên, trong hơn 1 tuần điều trị cho bệnh nhi người Đài Loan, các bác sĩ cảm nhận rõ ràng việc trẻ không hợp tác khi bé không nói chuyện, từ chối tiếp xúc dù họ đã dùng nhiều cách để thăm khám. May mắn, bé được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị thành công.

Bệnh nhi người Đài Loan vừa xuất viện, khoa Hồi sức tích cực – Chống độc lại tiếp nhận một trẻ người Lào. Rút kinh nghiệm, các bác sĩ cố gắng “múa” tay giao tiếp với bệnh nhi. Tiếp xúc rất lâu các nhân viên y tế mới “tạm hiểu” bệnh nhi muốn nói điều gì. Khi chắc chắn về điều đó, họ viết ra giấy, lưu lại để mọi người cùng sử dụng. Thế nhưng, chỉ cần người khác đọc lại từ đó không rõ, luyến láy không đúng thì bệnh nhi cũng không hiểu được.

Vì vậy, khi tiếp nhận bệnh nhi người dân tộc Khơ-me, điều dưỡng Luân đánh liều mời người thân của trẻ dạy mình ngôn ngữ Khơ-me.

Anh Luân để ý và biết cậu ruột của bệnh nhi bập bẹ được vài câu tiếng Kinh, người hàng xóm đi cùng rành rẽ hơn. Sau khi thăm khám, hỗ trợ cấp cứu cho bé N., anh mời cha, cậu và người hàng xóm của bệnh nhi đến phòng tư vấn nói chuyện.

“Khóa học” tiếng Khơ-me cấp tốc

Mang theo tờ giấy, cây viết, điều dưỡng Luân khiến ba người đi cùng ngạc nhiên, bật cười khi ngỏ ý muốn họ dạy mình tiếng Khơ-me.

“Tôi vừa ngỏ ý muốn học tiếng Khơ-me, ai cũng cười làm tôi quê quá! Nhưng khi biết tôi muốn học vài câu thông dụng như “Con đói bụng không?”, “Con uống nước không?”, “Con đau chỗ nào, muốn đi tiểu không?”,… thì họ hiểu ra và dạy tôi rất nhiệt tình.

Điều dưỡng học tiếng Khơ-me để hỏi thăm sức khỏe bệnh nhi
Những câu giao tiếp thông thường mà điều dưỡng Luân học được, anh ghi vào tờ giấy gồm từ ngữ, phiên âm cách đọc và nghĩa tiếng Việt.

Trước tiên, tôi nhờ người hàng xóm thông dịch những câu mình muốn học, rồi nhờ cha cậu bé phát âm, người cậu thì viết ra bằng chữ Khơ-me. Tiếp đó, người hàng xóm phát âm chậm từng từ để tôi phiên âm. Tôi tiếp tục nhờ họ dạy mình đọc bởi từ ngữ có luyến láy. Nếu chỉ phiên âm thì sau đó đọc lên bệnh nhi cũng sẽ khó hiểu. Cứ như vậy, tôi đọc đến khi nào nhuần nhuyễn thì thôi.

Ban đầu tôi cũng ngại nên chọn phòng tư vấn là nơi kín nhất để học. Nhưng trưởng khoa đi ngang và nhìn thấy, thắc mắc có chuyện gì mà 4 người ngồi mãi trong phòng nên hỏi thăm. Đúng lúc ấy tôi phát âm một từ mới, học gấp lại nôn nóng nên nghe rất buồn cười, khiến tôi quê quá” – anh Luân cười.

“Nhưng nghĩ đến cảnh những bé bị bệnh nặng phải đặt nội khí quản, không thể nói chuyện, khó vận động tay, chân, chỉ gật và lắc đầu trước những câu hỏi của nhân viên y tế… thì càng phải cố gắng học. Thậm chí có bệnh nhi chỉ có thể chớp mắt để trả lời, nên phần lớn bác sĩ phải là người hỏi. Nếu nhờ bạn bè, thân nhân bệnh nhi khác biết tiếng dịch lại thì họ sẵn sàng giúp đỡ, nhưng không thể nhờ mãi vì ai cũng có công việc riêng. Bệnh viện nằm xa trung tâm thành phố, đợi người thông dịch đến sẽ mất nhiều thời gian.

Để học mau nói chuyện được với bệnh nhi thì cách tốt nhất là bác sĩ tự học, dịch những câu cần thiết từ người nhà bệnh nhi khi có điều kiện. Trước bệnh nhi người dân tộc Khơ-me, khoa cũng có “từ điển giao tiếp bằng tiếng Lào”, nhưng do chưa có kinh nghiệm, sau khi phiên âm ra giấy, các bác sĩ chỉ biết nhìn nhau cười” – điều dưỡng Luân cho biết.

Rút kinh nghiệm, lần này học tiếng Khơ-me xong, điều dưỡng Luân lấy tờ giấy ghi lại phiên âm của từng từ và treo ở đầu giường bé N. Anh cũng chỉ lại cho các y, bác sĩ trong khoa để mọi người cùng hiểu. Vậy là sau mỗi ca trực, các bác sĩ nán lại, chỉ cách phát âm cho ê-kíp trực sau, luân phiên liên tục như vậy. Nhờ đó mà hầu như các nhân viên y tế tham gia điều trị cho N. đều có thể tiếp xúc với bé dễ dàng. Và N. vui vẻ hợp tác, bệnh tiến triển tốt hơn.

“Ở khoa Hồi sức tích cực – Chống độc đa phần là các bé bệnh nặng, phải cách ly điều trị nên không có người thân bên cạnh. Từ việc đi vệ sinh đến đánh răng, rửa mặt, ăn uống, thuốc thang điều trị đều do bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc.

Nếu bệnh nhi là người dân tộc thiểu số hay người nước ngoài thì rất khó giao tiếp. Khi bé có nhu cầu cần thiết, bác sĩ không hiểu sẽ khiến bệnh nhi khó chịu. Nhiều trẻ muốn đi vệ sinh nhưng ngại ra hiệu liên tục cho bác sĩ; hoặc đau ở đâu, khó chịu trong người như thế nào cũng không biết bày tỏ ra sao với nhân viên y tế, vì vậy sẽ khó khăn trong việc hỗ trợ kịp thời.

Điều dưỡng học tiếng Khơ-me để hỏi thăm sức khỏe bệnh nhi
Điều dưỡng Luân dán tờ giấy có các từ phiên âm tiếng Khơ-me ở đầu giường bé N., các ê-kíp bác sĩ giao ca thường hướng dẫn nhau đọc cho chuẩn xác để bệnh nhi có thể hiểu được.

Càng không thể giao tiếp với bác sĩ, bệnh nhi càng thu mình, tủi thân, nhớ nhà. Có lần tôi cũng giận chính mình vì không thể diễn tả cho trẻ hiểu, cũng như đã cố gắng hiểu bé mà không thể biết bệnh nhi đang nói gì. Và như vậy, thời gian điều trị sẽ lâu hơn” – điều dưỡng Luân chia sẻ.

Nhờ được các bác sĩ hiểu và trò chuyện, tinh thần bệnh nhi người dân tộc Khơ-me khá dần lên, em luôn cười tươi mỗi khi thấy bác sĩ đến bên giường bệnh. Các bác sĩ còn biết thêm những câu giao tiếp thông thường bằng ngôn ngữ mới, tự tin khi khám bệnh, nhờ vậy hiệu quả điều trị cũng tăng cao.

Từ tiên lượng xấu, thậm chí có thể tử vong do nhiễm trùng máu quá nặng, bé trai người dân tộc Khơ-me đã phục hồi thần kỳ, được xuất viện về nhà. Tờ giấy có nội dung phiên âm những từ tiếng Khơ-me ấy được giữ lại khoa, ngày ngày các bác sĩ ghé qua, ôn lại từ ngữ và nhớ về kỷ niệm đẹp trong thời gian làm nghề của mình.

Nguồn: Báo Phụ nữ