Thông  điệp ngày  thế giới phòng  chống AIDS 2018 và  tháng  hành động  quốc gia phòng  chống HIV/AIDS năm  2018

Michel Sidibé – Tổng Giám đốc UNAIDS – Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc 

“Hôm nay chúng ta kỷ niệm 30 năm Ngày Thế giới phòng chống AIDS — 30 năm phong trào toàn thế giới đoàn kết và hành động vì những người sống với HIV, 30 năm nỗ lực thúc đẩy tiếp cận phổ quát đến các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV và điều trị kháng HIV để cứu người. Nhưng đã 30 năm rồi mà dịch AIDS vẫn chưa kết thúc. Chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Ngày Thế giới phòng chống AIDS là ngày để tưởng nhớ hàng triệu người đã mất đi mạng sống vì dịch AIDS. Nhiều người trong số đó đã bị thiệt mạng bởi vì họ không tiếp cận được các dịch vụ phòng chống HIV, vì bị kỳ thị và phân biệt đối xử và vì đây đó còn tội phạm hóa các nhóm có nguy cơ cao lây nhiễm HIV.

Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm nay, UNAIDS kêu gọi mọi người hãy xét nghiệm để biết tình trạng HIV của bản thân, và những người đang điều trị kháng HIV cần phải biết tải lượng HIV của mình. Tính đến hết 2017 trên toàn thế giới vẫn còn đến 9,4 triệu người chưa biết họ đang sống với HIV — một căn bệnh chết người nhưng điều trị được. Nếu một người không biết mình đang sống với HIV thì họ sẽ không được điều trị. Những người âm tính với HIV nếu không tham gia xét nghiệm thì sẽ không có cơ hội nhận được kiến thức và những kỹ năng cần thiết để tiếp tục giữ cho mình âm tính với HIV. Không biết tình trạng HIV của bản thân thì mọi người không thể bảo vệ chính mình cũng như bảo vệ người mình yêu thương và gia đình. Còn đối với những người đang sống với HIV, nếu không biết tải lượng HIV của bản thân thì không thể biết mình điều trị kháng HIV đã hiệu quả chưa, vì đó là cơ sở để tiếp tục bảo vệ sức khỏe cho bản thân và không làm HIV lây lan thêm nữa.

Hãy sống tích cực. Xét nghiệm để biết tình trạng HIV của bản thân.”

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 có chủ đề “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90 – 90 – 90 vào năm 2020” (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác). Theo kế hoạch triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 (từ ngày 10/11 đến ngày 10/12) UBND TP. Hồ Chí Minh và hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống AIDS (1/12).

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 kêu gọi mỗi cán bộ lãnh đạo, mỗi người dân cần phải có hành động mạnh mẽ hơn trong việc phòng, chống HIV/AIDS, để đạt được mục tiêu 90 – 90 – 90.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa có Chỉ thị tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Theo đó, trong những năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS được sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của Đảng và Nhà nước và sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được triển khai toàn diện, rộng khắp và có hiệu quả cao. Nhờ đó, số người nhiễm HIV mới phát hiện, số bệnh nhân AIDS và số người tử vong do HIV/AIDS hàng năm liên tục giảm. Tuy nhiên, tình hình dịch HIV/AIDS vẫn chưa ổn định, có nhiều nguy cơ trở lại, trong khi đó nhiều địa phương chưa quan tâm cao đến công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Để thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành TW Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, hướng tới mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030, Chỉ thị số 1139/CT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì chỉ đạo tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm.

Đầu tiên là đẩy mạnh các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, đặc biệt là phân phát bơm kim tiêm và bao cao su cho các nhóm nguy cơ cao; tiếp tục duy trì và tích cực mở rộng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; đẩy mạnh truyền thông, chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; tăng cường phối hợp liên ngành và huy động xã hội tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Thứ hai là đẩy mạnh giám sát và phát hiện HIV chủ động. Đa dạng hóa các hình thức tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV như xét nghiệm tại cơ sở y tế, tại cộng đồng, tại gia đình và tự xét nghiệm HIV; triển khai xét nghiệm HIV chủ động tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, đặc biệt là ở các cụm dân cư có nhiều người đã được phát hiện nhiễm HIV; mở các phòng xét nghiệm được phép khẳng định HIV dương tính tại tuyến huyện ở khu vực vùng sâu, vùng xa để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm HIV trên địa bàn.

Thứ ba, khẩn trương mở rộng điều trị thuốc kháng HIV (ARV) cho tất cả những người nhiễm HIV ngay khi được phát hiện; mở rộng cấp phát thuốc tại tuyến xã và cấp phát thuốc nhiều tháng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; kiện toàn các cơ sở điều trị và các điều kiện cần thiết khác để bắt đầu thanh toán thuốc ARV cho điều trị HIV/AIDS qua Quỹ bảo hiểm y tế từ năm 2019.

Tiếp đến, tăng cường đầu tư từ ngân sách địa phương cho công tác phòng, chống HIV/AIDS theo đề án đảm bảo tài chính đã được phê duyệt; báo cáo cấp có thẩm quyền để bố trí đủ kinh phí mua thẻ Bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV, đảm bảo 100% bệnh nhân HIV có thẻ Bảo hiểm y tế, thực hiện hỗ trợ đồng chi trả khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế và các hỗ trợ khác theo quyết định số 2188/QĐ-TTg ngày 15/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ; quản lý tốt và sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí viện trợ quốc tế và các nguồn kinh phí hợp pháp khác cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Cuối cùng là duy trì và tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên môn về phòng, chống HIV/AIDS trong quá trình thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố, đặc biệt là cán bộ chuyên môn về tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị nghiện các chất dạng thuộc phiện bằng thuốc thay thế và chăm sóc, điều trị HIV/AIDS.

Bộ Y tế giao Cục Phòng, chống HIV/AIDS làm đầu mối chủ trì hướng dẫn các địa phương triển khai Chỉ thị này; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị và định kỳ tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế. Các Vụ, Cục, Tổng cục, Thanh tra, Văn phòng Bộ và đơn vị trực thuộc Bộ Y tế phối hợp triển khai theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

NGUYỄN THỊ THANH HÀ (tổng hợp)