Xét nghiệm chẩn đoán bệnh lý tự miễn.

I. Các bệnh tự miễn dịch là gì?

Khi hệ thống miễn dịch hoạt động bình thường, nó tạo ra tế bào miễn dịch và / hoặc kháng thể nhằm bảo vệ chống lại các chất ngoại lai (như chất độc, vi sinh vật và tế bào ung thư). Khi hệ thống miễn dịch bị rối loạn làm nhận nhầm thành phần bình thường của cơ thể như là các chất ngoại lại và tạo ra các tế bào miễn dịch hoặc kháng thể (được gọi là tự kháng thể) nhắm vào các thành phần bình thường đó và gây ra bệnh.

Kháng thể kháng nhân (Antinuclear Antibody (ANA) là kháng thể kháng nhân là kháng thể kháng lại các thành phần khác nhau của nhân tế bào (bao gồm axit nucleic, protein hạt nhân tế bào và ribonucleoprotein) do rối loạn tự miễn.

Có hơn 80 bệnh xảy ra do phản ứng tự miễn dịch, số trường hợp mắc các bệnh tự miễn đang tăng lên mà không rõ lý do. Phần lớn các bệnh tự miễn chưa được biết rõ nguyên nhân, trong nhiều trường hợp nhận thấy do di truyền, một số loại bệnh tự miễn (chẳng hạn như sốt thấp khớp) do nhiễm trùng gây ra phản ứng miễn dịch. Phụ nữ bị nhiều hơn so với nam giới.

Rối loạn tự miễn dịch có thể khó nhận biết và chẩn đoán. Một số triệu chứng phổ biến hơn của rối loạn tự miễn dịch bao gồm mệt mỏi, cảm giác chung không khỏe (khó chịu), chóng mặt, đau khớp, phát ban và sốt nhẹ.

Việc phát hiện huyết thanh của các kháng thể kháng nhân (ANA) là một yếu tố thiết yếu trong chẩn đoán các bệnh tự miễn, đặc biệt là các bệnh thấp khớp. Phân tích ANA cũng hữu ích trong chẩn đoán các bệnh tự miễn khác, chẳng hạn như viêm đường mật mật nguyên phát (primary biliary cholangitis-PBC) hoặc viêm gan tự miễn (autoimmune hepatitis – AIH).

ANA dương tính xuất hiện ở nhiều bệnh bao gồm SLE và các bệnh khớp khác, bệnh tự miễn đặc hiệu cơ quan, bệnh tăng sinh lympho và nhiễm trùng mạn tính. Một số ANA dương tính do thuốc nhưng ít phổ biến như trong hội chứng giống lupus.

II. Các bệnh lý tự miễn thường gặp

1. Bệnh lupus ban đỏ hệ thống (Systemic lupus erythematosusSLE)

Ban hình cánh bướm

SLE là một bệnh tự miễn viêm mãn tính xảy ra theo từng giai đoạn và chủ yếu ảnh hưởng đến các mô liên kết và các cơ quan khác nhau. Phụ nữ thường bị ảnh hưởng bởi bệnh chất tạo keo (collagenosis) gấp mười lần so với nam giới. Độ tuổi mắc bệnh thường từ 15 đến 30 tuổi.

Các triệu chứng lâm sàng rất khác nhau và mỗi đợt bộc phát của SLE thường đi kèm với sốt.

  • Mệt mỏi, sốt không rõ nguyên nhân
  • Ban đỏ ở da mặt, cổ tay, bàn tay. Thường gặp ở mặt (Hình 1)
  • Nhạy cảm với ánh sáng mặt trời
  • Đau hoặc sưng khớp, thường vào buổi sáng
  • Đau ngực khi hít thở sâu
  • Sưng ở chân hoặc xung quanh mắt

Các tự kháng thể điển hình:

  • dsDNA
  • Nucleosomes
  • Sm
  • Ribosomal P proteins

Ngoài ra, còn có kháng thể kháng: ssDNA, histones, U1-nRNP, SS-A, SS-B, Ku, PCNA, Cardiolipin, b2-Glycoprotein

2. Các bệnh mô liên kết (Mixed Connective Tisue Diseases hay còn gọi là Sharp Syndrome)

Bàn tay bệnh nhân mắc bệnh mô liên kết

Là thể bệnh hỗn hợp giữa Lupus ban đỏ rải rác và xơ cứng bì, có các dấu hiệu viêm đa khớp, hội chứng Raynaud, ngón tay sưng to hình khúc dồi lợn, viêm da cơ.

Các tự kháng thể điển hình: U1-nRPN (95-100%)

3. Hội chứng Sjögren (Sjögren‘s Syndrome – SS) (SS-A, SS- B)

Hội chứng Sjögren là một bệnh tự miễn viêm mãn tính của tuyến ngoại tiết:

  • Chủ yếu gặp ở nữ (90%).
  • Đặc điểm lâm sàng chính của SS nguyên phát là khô mắt và miệng do hậu quả của sự phá hủy các tuyến nước mắt và tuyến nước bọt do thâm nhiễm lymphocytic (Hình 3). Các tuyến tụy, các tuyến tiết chất nhầy của ruột, phế quản hoặc âm đạo và các tuyến mồ hôi cũng có thể bị ảnh hưởng.
  • Khoảng 5% bệnh nhân SS phát triển ung thư hạch ác tính.
  • Ở hội chứng Sjögren thứ phát, các dấu hiệu bệnh của SS nguyên phát xảy ra như các triệu chứng kèm theo của viêm khớp dạng thấp, bệnh lý mô liên kết, SLE, viêm đa cơ / viêm da cơ…
Tình trạng khô mắt, lưỡi. Viêm bờ mi do khô mắt.

4. Bệnh xơ cứng bì hệ thống tiến triển Progressive systemic sclerosis (SSc)

Triệu chứng:

  • Triệu chứng biến đổi da chiếm 98%:các mảng da xơ, cứng, dày lên ở các ngón tay quanh khớp bàn ngón, khớp liên đốt
  • Hiện tư­ợng Raynaund: gặp ở hơn 90% bệnh nhân xơ cứng bì và th­ường là triệu chứng bắt đầu
  • Tổn thương tim, phổi , thận.

Các tự kháng thể điển hình:

Centromere (80-95%): thể giới hạn

Scl-70: thể lan tỏa

RNA polymerases

PM-Scl (PM-Overlap)

5. Bệnh viêm đa cơ

Viêm da cơ/viêm đa cơ được xếp vào nhóm bệnh tự miễn với tổn thương cơ bản là tình trạng viêm mạn tính của các bó cơ (viêm đa cơ) và có thể có tổn thương da kèm theo (viêm da-cơ) (Hình 4).

Triệu chứng:

  • yếu cơ vùng gốc chi đối xứng hai bên và có thể kèm tổn thương da
  • có thể có các triệu chứng ở khớp, phổi, tim mạch và tiêu hóa

Các tự kháng thể điển hình:

Jo-1

Mi-2

PM-Scl (PSS-Overlap)

PL-7

PL-12

Hình ảnh viêm da

6. Viêm khớp dạng thấp Rheumatoid Arthritis

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh viêm đặc hiệu xảy ra ở các khớp gây tổn thương màng hoạt dịch, sụn khớp và đầu xương dưới sụn, diễn biến mạn tính dẫn đến tình trạng dính và biến dạng khớp. Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn khá điển hình ở người, dưới dạng viêm mãn tính ở nhiều khớp ngoại biên với biểu hiện khá đặc trưng: sưng, đau khớp, cứng khớp buổi sáng và đối xứng hai bên.

Hình bàn tay và hình chụp Xquang bàn tay 1 bệnh nhân viêm khớp dạng thấp

III. Xét nghiệm chẩn đoán

Bên cạnh các triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm đóng vai trò hỗ trợ quan trọng cho bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh.

Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm được thực hiện để chẩn đoán rối loạn tự miễn dịch phụ thuộc vào chứng rối loạn cụ thể mà bác sĩ y tế nghi ngờ một người mắc phải nhưng thường bao gồm xét nghiệm máu cho một hoặc nhiều tự kháng thể cũng như các xét nghiệm về tình trạng viêm như CRP (xét nghiệm được ưu tiên) và tốc độ lắng hồng cầu (ESR).

Trong các xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh tự miễn, xét nghiệm tự kháng thể ANA được triển khai tại bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố có thể phát hiện 23 tự kháng thể kháng nhân, bao gồm: dsDNA, nucleosomes, histones, SS-A, Ro-52, SS-B, nRNP/Sm, Sm, Mi-2a, Mi-2ß, Ku, CENP A, CENP B, Sp100, PML, Scl-70, PM-Scl100, PM-Scl75, RP11, RP155, gp210, PCNA và DFS70.

Việc đến khám sớm ngay khi có triệu chứng, khi cần thiết bác sĩ sẽ cho chỉ định xét nghiệm để có chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Bs. Võ Minh Hiển  – Khoa Xét nghiệm Hóa Sinh
Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố