Trẻ nói ngọng – Can thiệp sớm

Trẻ nói ngọng, phát âm không rõ ràng khiến người khác không hiểu hết điều trẻ muốn nói, đặc biệt là khi trẻ gặp người lạ. Trẻ có thể có cảm giác thất vọng và dẫn đến việc ngại giao tiếp. Ngoài ra việc nói ngọng có thể làm ảnh hưởng đến việc học đọc – viết, khó khăn trong việc học tiếng Việt lẫn ngoại ngữ.  Đây cũng là điều khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Tuy nhiên, việc chữa nói ngọng cho trẻ cũng không quá khó như nhiều người vẫn tưởng. Ngoài phương pháp Âm ngữ trị liệu của các nhà chuyên môn thì các bậc phụ huynh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chữa hết tật nói ngọng cho trẻ.

Bình thường, từ 2 đến 6 tuổi là thởi gian trẻ học nắm bắt cách phát âm giống như người lớn. Vì thế khi thấy con mình nói ngọng ở độ tuổi này, quý phụ huynh cũng đừng quá lo lắng. Trẻ cần được xác định là nghe bình thường và không bị tật ở vùng hầu họng như tật chẻ vòm chẳng hạn.  Sau đó, hãy lắng nghe và quan sát xem con mình nói có giống với đa số các bạn cùng lớp, các trẻ em cùng lứa tuổi ở gần nhà hay không. Nếu câu trả lời là giống thì trẻ sẽ nói đúng dần cho đến 6- 7 tuổi.

Nếu câu trả lời là không, thì cần đưa trẻ đến khám ở các cơ sở y tế có chuyên ngành âm ngữ trị liệu.  Đa số các trẻ sẽ nói đúng các phụ âm ở độ tuổi như sau:
2 tuổi: b, m, d, n, h, g, c
3-4 tuổi: ch, t, đ, v, ph, nh, ng, x
5- 6 tuổi: kh, s, th, r, tr

Việc học nói không phải chuyện một ngày một bữa mà cần có thời gian luyên tập, thực hành việc học nói ngày này qua ngày khác, cũng giống như việc người lớn chúng ta học ngoại ngữ. Để giúp con nắm bắt cách phát âm tốt, ngay từ lúc trẻ mới bi bô tập nói, quý phụ huynh nên nói rõ ràng và phát âm đúng nhất có thể khi trò chuyện với con. Tránh việc nói nhại theo lời ngọng ngịu của trẻ, vô tình các phụ huynh đang dạy cho con bắt chước những âm ngọng ngịu đó. Bởi vì trẻ học nói thông qua việc bắt chước những gì nghe được. Mặc khác, cũng không nên trêu chọc hay chê bai trẻ. Việc này dễ làm cho trẻ thất vọng, mặc cảm. Hãy lắng nghe con trẻ nói một cách tích cực, đầy thành ý. Khen ngợi khi con nói rõ và phát âm tốt. Thành thật cho trẻ biết nếu phụ huynh chưa hiểu được ý mà trẻ đang diễn đạt. Giúp trẻ diễn đạt tốt hơn bằng cách sử dụng câu ngắn, ngắt câu hoặc nhắc lại các mẫu câu gợi ý. Đừng quên khen và tiếp tục khen ngợi khi trẻ có bất kỳ một nổ lực nào trong việc học phát âm.

Trong lúc nói chuyện với trẻ, từ nào trẻ nói ngọng, quý phụ huynh hãy lặp lại các từ đó theo cách nói đúng, lặp lại trong nhiều câu khác nhau. Lập lại cho trẻ nghe các phát âm đúng một cách tự nhiên chứ không bắt buộc trẻ lập lại. Bởi vì trẻ học nói thông qua việc bắt chước những gì nghe được. Ví dụ:

Trẻ: cho chon chái cháo (cho con trái táo)!
Mẹ: à, cho con trái táo!  Con thích táo! Mẹ cho con trái táo nè!

Trẻ nói ngọng khi đến bệnh viện chữa sẽ được các chuyên viên Âm ngữ trị liệu đánh giá lời nói và chọn lựa phương pháp phù hợp nhất, hiệu quả nhất đối với từng trẻ và tùy theo từng rối loạn cụ thể.  Ví dụ như hướng dẫn cách đặt lưỡi, tạo hơi như thế nào để tạo ra một âm đúng, được kiểm tra xem nghe và phân biệt âm vị chính xác chưa? Thông thường, tập nói đúng từng từ, cụm từ gồm 2- 3 từ, rồi nói đúng một câu, sau cùng là nói đúng trong lúc nói chuyện với người khác.

Nếu như không được xử lý sớm, việc nói ngọng còn tồn tại cho đến khi trẻ lớn, nó có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập, giao tiếp, phát triển tâm lý của trẻ sau này. Do đó, các quý phụ huynh cũng không nên quá chủ quan bỏ qua lỗi này.

Hy vọng quý phụ huynh đã tìm ra cách xử lý sớm trong trường hợp con mình nói ngọng.

ĐỖ THỊ BÍCH THUẬN
KHOA PHỤC HỔI CHỨC NĂNG
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ