Trẻ chậm nói – Chờ đợi hay can thiệp sớm?

Chậm nói là một từ ngữ thông dụng được các phụ huynh sử dụng hơn là tên một thuật ngữ chuyên môn hoặc là tên của một chẩm đoán. Thông thường, chậm nói là một dấu hiệu cho thấy tình trạng chậm xuất hiện lời nói của một bé so với các bé khác nói cùng một ngôn ngữ mẹ đẻ có cùng lứa tuổi chẳng hạn như 18 tháng tuổi mà bé chưa nói được từ nào hoặc chậm nói cũng chỉ tình trạng một bé chậm phát triển toàn diện 3 tuổi chưa nói. Chậm nói là một vấn đề phát triển đáng lo ngại hay không.?

Thông thường sự phát triển ngôn ngữ tuân theo một lộ trình cố định, phụ thuộc vào khả năng nhận thức thần kinh bẩm sịnh và tác động của môi trường-những lầm tiếp xúc với lời nói con người. Ngay từ khi sinh ra, trẻ sơ sinh đã quan tâm đến giọng nói của con người và có thể phát ra những âm thanh đầu tiên của cuộc đời. Âm thanh phát ra lúc đói, lúc đau, lúc vui vẻ là những âm thanh mà người lớn có thể phân biệt được khi chăm sóc bé. Người mẹ, người chăm sóc chính là người gán nghĩa cho những âm thanh này. Sau 3 tháng, những âm thanh này nghe như những nguyên âm đầu tiên  e, a…phát ra khi bé hóng chuyện. Đến 6 tháng, bé bập bẹ baba, mama,…đồng thời với những cử chỉ có ý nghĩa xuất hiện. Bé cố gắng giao tiếp như vói tay đòi bế, ưỡn người lên về phía mẹ, ngoái đầu nhìn, mếu máo khóc khi nghe mẹ lớn tiếng hoặc mĩm cười khi nghe lời vỗ về yêu thương. Khoảng 8-9 tháng, bé biết tìm cách thu hút sự chú ý của người khác, tập trung nhìn vào cái bé thấy trước mắt và chỉ ngón trỏ về phía một đồ vật, lắc đầu, vẫy tay tạm biệt.  Bé học tạo ra những âm thanh ngày càng giống như từ của người lớn và đôi khi biết bắt chước giọng nói của người lớn. Hầu hết các bé nói từ đầu tiên khi được 12 tháng, những từ chỉ con người, đồ vật trong một tình huống nhất định. Những câu đầu tiên được coi là sự kết hợp 2 từ đơn lại với nhau để chỉ một hành động xuất hiện ở độ tuổi 20 tháng đến 24 tháng. Từ 24 tháng đến 36 tháng, trẻ bắt đầu nói được câu 3 từ. Lúc đạt 3 tuổi, vốn từ vựng của bé khoảng 1000 từ. Từ 3 đến 5 tuổi, bé hiểu hết những gì người khác nói và khả năng đàm thoại của bé tiến bộ. Bé biết bắt đầu một cuộc trò chuyện, thu hút người khác và thay phiên nghe nói trong cuộc trò chuyện đó.

Tuy nhiên, một số trẻ nhỏ 18 đến 24 tháng biểu hiện chậm nói hoặc có vốn từ vựng hạn chế, mặc dù không có bấc kỳ một vấn đề nào khác đáng lo ngại. Những bé này thường được coi là trẻ chậm nói. Trẻ chậm nói được xác định ở mốc 24 tháng dựa vào:

  • Có vốn từ vựng dưới 50 từ.
  • Không có khả năng kết hợp 2 từ lại với nhau.

Một số trường hợp tất cả các lĩnh vực phát triển đều bị chậm trễ và trẻ không nói được từ nào trước 24 tháng.

Đôi khi việc chẩn đoán sớm tình trạng chậm nói có thể bị cản trở bởi đặc điểm văn hóa xã hội, trong môi trường gia đình có nhiều thể hệ chẳng hạn. Nói muộn có thể do di truyền, vì vậy vấn đề liên quan đến chậm nói được cha mẹ đánh giá thấp, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn. Mặc dù trẻ chậm nói có thể cải thiện ở độ tuổi 6-7 tuổi nhưng những nghiên cứu cho thấy rằng những đứa trẻ này có thể biểu hiện kỹ năng ngôn ngữ kém hơn các bạn cùng trang lứa. Mặc dù rất khó để chẩn đoán tình trạng chậm nói trước 3 tuổi nhưng những can thiệp lâm sàng sớm giúp cải thiện đáng kể kỹ năng ngôn ngữ khi các bé lớn lên. Do đó, phuơng pháp chờ đợi – không áp dụng bất cứ một biện phát can thiệp lâm sàng nào với hy vọng cuối cùng bé sẽ bắt kịp các bạn cùng trang lứa đang phát triển bình thường được cho là lỗi thời. Mặc dù cách này giúp người chăm sóc bớt căng thẳng, lo lắng và tránh nỗi sợ bị dán nhãn bệnh không cần thiết. Chờ đợi trẻ chậm nói sẽ biết nói khi lớn hơn đã trở nên thiếu khoa học. Cần phải phát hiện sớm để sàng lọc các vấn đề nghiêm trọng hơn như là rối loạn phổ tự kỷ, chậm phát triển toàn bộ, chậm phát triển trí tuệ, rối loạn ngôn ngữ. Can thiêp sớm trong những năm đầu đời, não của trẻ có khả năng học hỏi và tạo ra các đường dẫn thần kinh mới nhờ tính mềm dẻo cũng như việc nắm bắt ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ xẩy ra tuần tự trong 5 năm đầu đời. Một đứa bé bình thường 5 tuổi có thể sử dụng hầu hết các mẫu câu, nói đủ rõ để người khác có thể hiểu 100% lời của bé cũng như có thể giao tiếp, trò chuyện thành công với bạn và người lớn thân quen cũng như người lạ sử dụng cùng một ngôn ngữ. Vì vậy, khi phát hiện trẻ chậm nói hãy hành động sớm- không chờ đợi.

Nếu bé sinh ra có mang một trong số những yếu tố nguy cơ như tình trạng nhiễm trùng bào thai, sinh non, bệnh não thiếu oxy, viêm não màng não, xuất huyết não, vàng da nhân hoặc những bất thường liên quan đến phát triển thần kinh và vùng đầu cổ thì giám sát phát triển và can thiệp được khởi động sớm từ lúc 3 tháng sau sinh. Nếu bé có sức khỏe bình thưởng thì chú ý mốc phát triển lời nói trước 2 tuổi. Một số dấu hiệu gợi ý tình trạng chậm trễ như sau:

  • Trước 6 tháng, bé không phản ứng với âm thanh, tiếng động lớn bất ngờ.
  • Lúc 6 tháng, bé không bập bẹ chuỗi âm thanh hoặc không bắt chước âm thanh gồm nguyên âm ư e.., gừ gừ hóng chuyện.
  • Lúc 12 tháng, bé không biết bắt chước bấc cứ từ hoặc âm thanh ví dụ gâu gâu, ò o.
  • Cho đến 21 tháng, bé không hiểu-không làm theo các yêu cầu bằng lời như “ngồi xuống”, “lại đây”, “đưa mẹ” (khi lời nói của người lớn không kèm theo cử chỉ).
  • 2 tuổi, bé có vốn từ dưới 50 từ đơn, không thể kết hợp hai từ đơn với nhau ví dụ như đi ra, ba dậy.
  • Bé không có hoặc hạn chế giao tiếp mắt.

Việc lượng giá ban đầu và xác định vấn đề giao tiếp, ngôn ngữ của bé nằm trong giới hạn bình thường hay gặp trục trặc cần phải được các nhà chuyên môn thực hiện như chuyên viên Ngôn ngữ trị liệu. Bên cạnh đó, bé cũng được khám để xác định các vấn đề có thể đi kèm như nghe kém, bất thường cấu trúc hàm mặt, chậm đứng đi, chậm trí tuệ nhận thức hoặc các rối loạn phát triển thần kinh, tâm lý. Đó là công việc của một đội nhóm chuyên gia thực hiện tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố. Khi trẻ chậm nói, hãy đưa trẻ đến khám sớm- đừng chần chờ.

 REFER EARLY-DO NOT WAIT.

Sau đây những thông tin cụ thể cho từng lứa tuổi trên trang của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa bệnh tật CDC (Centers for Disease Control and Prevention) có phiên bản tiếng Việt, mời Qúy phụ huynh tham khảo.

CDC_LTSAE Checklists’21_Eng_FNL2_508colors_VI_508

Đỗ Thuận – Khoa Phục hồi chức năng
Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố