Trẻ sứt môi chẻ vòm bú sữa như thế nào?

Một trong số những khó khăn đầu tiên mà cha mẹ có con bị sứt môi chẻ vòm  gặp phải là khó khăn về nuôi ăn, ngoại trừ những trường hợp khiếm khuyết rất nhẹ. Trẻ sơ sinh dễ dàng bị thở hổn hển và mất nhiều thời gian cho việc nút bú. Điều này làm cho cha mẹ và bản thân trẻ cảm thấy mệt mỏi và lo lắng.

Vòm họng bị chẻ làm cho trẻ không thể tạo được một áp lực mà áp lực này giúp rút sữa từ bầu vú mẹ hoặc bình bú thông thường. Trẻ có thể nút mạnh nhưng không ra sữa. Vòm họng bị chẻ làm cho khoang mũi và khoang miệng luôn luôn thông thương với nhau, làm cho trẻ dễ bị sặc sữa lên mũi. Do đó, trẻ có thể được cho uống sữa theo kiểu khác với kiểu của các trẻ sơ sinh bình thường không bị chẻ vòm. Khi được cho ăn uống theo kiểu khác với kiểu bình thường cộng với  những khiếm khuyết về thể chất có thể làm ảnh hưởng tới việc phát triển cảm giác và vận động miệng của trẻ. Kết quả là những mẫu thần kinh vận động bất thường có thể phát triển bởi 2 kỹ năng giải mã và mã hóa mà trẻ học được từ kiểu ăn bất thường.

Một ảnh hưởng khác của vấn đề khó khăn về nuôi ăn là sự cản trở mối quan hệ tương tác mẹ – con. Mối quan hệ này dễ bị tổn thương. Khi trẻ ra đời với một khiếm khuyết ở mặt, người mẹ thường cảm thấy đau khổ. Và đau khổ hơn nữa  khi trẻ không bú mẹ được. Nỗi đau buồn này kết hợp với sự mệt mỏi thường xuyên, bữa bú bữa ăn kéo dài có thể giới hạn động lực của người mẹ giao tiếp với trẻ.

Theo Neiman và Savage (1997) trong nghiên cứu về sự phát triển của trẻ sứt môi chẻ vòm từ mới sanh đến 3 tuổi, bản chất của bữa bú bữa ăn giúp định hình sự giao tiếp sớm. Sự giao tiếp sớm hình thành từ mối quan hệ giữa trẻ với cha mẹ hoặc người chăm sóc. Khuyết tật này ảnh hưởng đến thái độ của cha mẹ đối với trẻ. Vô hình cha mẹ có thể đánh giá thấp tiềm năng của trẻ.

Việc sử dụng bình bú đặc biệt dành cho trẻ có khe hở môi vòm miệng có thể giúp cải thiện vấn đề nuôi ăn. Núm vú với bầu to, đường cắt đầu núm hình chữ y hay x, van một chiều và cấu tạo núm vú phần trên cứng hơn phần dưới giúp trẻ mút sữa từ bình bú dễ dàng hơn. Nếu không có bình bú đặc biệt, nên đút sữa bằng muỗng đúng cách, cho ăn từ từ với từng muỗng sữa nhỏ. Luôn luôn cho trẻ bú hoặc đút muỗng trong tư thế bồng nữa nằm nữa ngồi với đầu thẳng, cằm trẻ nhìn xuống phía ngực. Trong lúc bú, trẻ thường nuốt phải nhiều hơi hơn các trẻ không có khe hở, người mẹ cần giúp trẻ ợ hơi  trong và sau khi bú.

Bữa bú bữa ăn hiệu quả và an toàn là uống đủ lượng sữa và không bị sặc, trẻ lên cân bình thường. Thái độ và cách cho ăn của cha mẹ, của người chăm sóc nên nhẹ nhàng, ân cần, trao cho trẻ ánh mắt, nụ cười và những lời trìu mến. Đó là những giải pháp ban đầu trong lộ trình chăm sóc và sữa chữa những khiếm khuyết cho trẻ sứt môi chẻ vòm.

ĐỗThuận – Khoa Phục hồi chức năng
Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố

Nguồn tham khảo: A.C.H. Watson, D.A& P.Grunwell (2005). Management of cleft lip and palate.

(Hình minh  họa: Một trong số những loại núm vú đặc biệt dành cho trẻ sứt môi chẻ vòm)