Nhược thị

Bệnh nhược thị là gì?

Nhược thị hay còn gọi là chứng “mắt lười”, là tình trạng giảm thị lực ở một mắt hoặc cả hai mắt do sự phát triển thị giác bất thường từ khi trẻ còn nhỏ hoặc từ lúc sơ sinh. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực ở trẻ em. Tỉ lệ mắc bệnh nhược thị chiếm 1,75% trong dân số.

Giai đoạn phát triển quan trọng nhất của của đường dẫn truyền thị giác từ mắt đến não là trong 7 năm đầu đời, đặc biệt là vài tháng cho đến vài năm đầu tiên của trẻ. Sau 7 tuổi thần kinh thị giác và não bộ đã phát triển tương đối hoàn thiện nên việc can thiệp điều trị sẽ kém hiệu quả hơn. Do đó các trường hợp bất thường tại mắt cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời để có thể phòng ngừa nhược thị và phục hồi thị lực.

Bệnh nhược thị mắt chia làm hai loại là nhược thị chức năng và nhược thị thực thể. Nhược thị chức năng là tình trạng thị lực của mắt có thể hồi phục sau một thời gian điều trị và phục hồi chức năng. Còn nhược thị thực thể là tình trạng mắt không thể phục hồi hoàn toàn trở về bình thường được.

Ba nguyên nhân chính gây nhược thị bao gồm:

  • Các tình trạng gây cản trở đường dẫn truyền thị giác như đục giác mạc, đục thủy tinh thể, tổn thương võng mạc, bệnh lý thần kinh thị giác…. Bao gồm cả thiếu kích thích thị giác như sống trong bóng tối hoàn toàn hoặc bị che một mắt.
  • Lác mắt
  • Bất thường khúc xạ bao gồm cận thị, viễn thị, loạn thị.

Nhận biết bệnh nhược thị

Tùy vào nguyên nhân, một số dấu hiệu có thể gặp trong bệnh nhược thị như:

  • Mắt lác: là hiện tượng 2 mắt nhìn về 2 hướng khác nhau
  • Cận thị, loạn thị, viễn thị
  • Nheo mắt, mỏi mắt, nghẹo cổ khi nhìn không rõ

Nhược thị thường xảy ra chỉ ở một mắt nên nhiều bậc cha mẹ vẻ trẻ nhỏ có thể không nhận ra được. Bệnh chủ yếu được chẩn đoán chính xác bằng cách khám mắt và đo thị lực. Do đó việc đưa trẻ đi mắt định kỳ là cần thiết để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời bảo vệ thị lực cho trẻ.
Điều trị nhược thị

Bao gồm điều trị nguyên nhân và phục hồi thị lực cho mắt bị nhược thị

  • Điều trị nguyên nhân như sử dụng kính cho các trường hợp trẻ có tật khúc xạ hoặc can thiệp phẫu thuật ở trẻ bị đục thủy tinh thể, sẹo đục giác mạc,…
  • Phục hồi thị lực cho mắt bị nhược thị bằng cách tập luyện nhằm kích thích phục hồi dẫn truyền của thần kinh thị giác từ đó cải thiện thị lực. Dùng miếng dán để dán lên mắt khỏe mạnh hoặc nhỏ thuôc làm mắt khỏe mạnh bị mờ đi tạm thời nhằm kích thích thị lực của mắt yếu hơn và giúp các bộ phận não tham gia vào quá trình hoàn thiện phát triển thị giác.

Phòng ngừa

Khám mắt định kỳ giúp phát hiện sớm các bệnh lý tại mắt để được can thiệp điều trị sớm và kịp thời phòng ngừa bệnh Nhược thị hiệu quả nhất.

Khoa Khám bệnh
Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố