Khám tâm lý – Tuy không khẩn nhưng không thể trì hoãn.

“Khám tâm lý không phải là một tình huống khẩn cấp nhưng không thể vì thế mà trì hoãn hay xem nhẹ. Việc trẻ có các rối nhiễu tâm lý có thể ảnh hưởng đến các hoạt động sống, sinh hoạt… Nếu để càng lâu càng khó can thiệp và nguy cơ đưa đến các hậu quả đáng tiếc” (Theo Báo Tuổi trẻ.)

Đúng vậy, và không chỉ ảnh hưởng đến các hoạt động sống, mà một số bệnh lý tâm lý – tâm thần còn là biểu hiện của tình trạng rối loạn phát triển ở trẻ nhỏ, mà nếu không can thiệp kịp thời có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống hiện tại và tương lai. Thấu hiểu vấn đề đó, với tất cả sự tận tâm và trách nhiệm, Đơn vị Tâm lý – Khoa Sức khỏe Trẻ em, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố vẫn tháng ngày khám, chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến các dạng rối loạn như: ADHD, tự kỷ, chậm phát triển, rối loạn ngôn ngữ và lời nói… cũng như những bất thường về cảm xúc, hành vi, những khó khăn trong học tập, những khó khăn trong tương tác với bạn bè, những triệu chứng cơ thể mà không được giải thích bởi các bệnh thực thể cho trẻ ngoại viện lẫn nội viện. Đơn vị có 4 chuyên gia và bác sĩ chuyên khoa tâm thần nhi thăm khám cho khoảng gần 50 lượt/ngày, phục vụ phụ huynh đặt hẹn và vãng lai. Thừa nhận rằng, việc thăm khám, tham vấn tâm lý cho một trẻ cần nhiều thời gian (30-60 phút/ trẻ) với nhiều các bài test khác nhau, nhưng Đơn vị vẫn bố trí nhân sự khám dành cho cha mẹ có nhu cầu đột xuất. Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố chúng tôi, đăng ký khám tâm lý không cần đóng tiền giữ chỗ và không có việc “cầu may”.
Khi nào nên khám tâm lý: Cha mẹ và những người chăm sóc sẽ là người đầu tiên phát hiện ra các dấu hiệu bất thường của trẻ. Những dấu hiệu này có thể đến từ việc trẻ chưa điều chỉnh được hành vi cũng như cảm xúc của bản thân. Đồng thời những hạn chế về mặt giao tiếp, tương tác xã hội là những tín hiệu hết sức quý giá để phụ huynh có thể nhận thấy sự bất thường của con. “Báo động đỏ” cho cha mẹ lúc con 18 tháng – 24 tháng:
– Chưa biết lắc đầu thể hiện sự không đồng ý
– Chưa chỉ đồ vật cho người khác xem
– Chưa bắt chước người khác
– Chưa nói được từ đơn khác ngoài “ba”, “mẹ”
– Chưa để ý hoặc quan tâm khi cha mẹ bỏ đi hoặc quay lại
– Chưa đi được
– Chưa làm theo lời chỉ dẫn đơn giản

Những dấu hiệu bất thường này nếu không được phát hiện và can thiệp sớm sẽ ảnh hưởng nghiệm trọng đến cuộc sống của trẻ sau này.
Hiểu con: Nhiều biểu hiện, hành vi, cảm xúc của trẻ mà các bậc cha mẹ khó có thể hiểu được. Cùng với những tín hiệu “báo động đỏ”, việc cho trẻ đến thăm khám tâm lý là điều cần thiết để cha mẹ có thể hiểu, hỗ trợ và đồng hành cùng con.
Sự phát triển về thể lý cũng như tâm lý luôn đi theo một tiến trình. Bên cạnh việc phát hiện những khó khăn của trẻ trong giai đoạn rất sớm, cha mẹ và người chăm sóc cũng cần phát hiện những điều bất thường ở các giai đoạn sau. Sự lo lắng, căng thẳng, những khó khăn trong học tập, những khó khăn trong mối quan hệ bạn bè, những cảm xúc tiêu cực, các hành vi không phù hợp.. đều là những vấn đề mà cha mẹ nên cùng con đến phòng khám tâm lý để được gỡ rối những “nút thắt”.

Hãy để Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đồng hành cùng trẻ và cha mẹ vì sự một phát triển thể chất và tinh thần lành mạnh.

Khoa Sức khỏe trẻ em
Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố