Tiêm chủng cho đối tượng không có lá lách

Giới thiệu:

 

Bệnh nhân không có lách về mặt giải phẫu hoặc thiểu năng lách về mặt chức năng có nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng dẫn đến tử vong. Nhiễm trùng tối cấp là biến chứng đáng sợ nhất ở bệnh nhân vô lách, tần suất tử vong do nhiễm trùng huyết tăng 50 lần ở nhóm đối tượng này. 

Nguy cơ nhiễm trùng huyết cao hơn ở trẻ nhỏ vô lách (so với trẻ lớn) và có thể cao hơn trong những năm đầu tiên sau cắt lách.

Nhiễm trùng ở các bệnh nhân này hầu hết là do vi khuẩn có vỏ bọc, bao gồm nhiễm trùng do Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae type B (Hib) và Neisseria meningitidis. (ngoài ra còn có các mầm bệnh nội bào như Babesia, Bartonella và Plasmodia sp; Capnocytophaga canimorsus thứ phát sau vết cắn của chó cũng đã được ghi nhận)

Biến chứng nhiễm trùng ở bệnh nhân vô lách có thể phòng ngừa được bằng cách: Dùng kháng sinh dự phòng, tiêm ngừa, và giáo dục các biện pháp phòng tránh cho bệnh nhân và gia đình.

 

Các vaccine cần tiêm ngừa cho bệnh nhân không có lá lách:

 

Ngoài các vắc-xin thông thường cho trẻ em và người lớn, Ủy ban Cố vấn về Thực hành Chủng ngừa (ACIP) của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị tiêm phòng phế cầu khuẩn, viêm màng não do não mô cầu, H. influenzae loại b (Hib) và cúm cho nhóm dân số có nguy cơ này. Lịch tiêm chủng do ACIP khuyến nghị phụ thuộc vào tiền sử tiêm chủng, tuổi tại thời điểm cắt lách và liệu quy trình này là tự chọn hay khẩn cấp:

STT PHÒNG BỆNH TÊN VACCINE SỐ MŨI THEO PHÁC ĐỒ
1 Bệnh do vi khuẩn Hib Hexaxim/ Infanrix
Quimi Hib
4  (Trẻ dưới 2 tuổi)
1 liều (trẻ trên 1 tuổi)
2 Phế cầu Prevenar 13 1-4 tuỳ theo độ tuổi
3 Cúm Vaxigrip tetra/ Influvac tetra 2 mũi và chích nhắc lại hằng năm
4 Viêm màng não do não mô cầu Menactra (A,C,Y,W135) 1 hoặc 2 tuỳ theo độ tuổi
Mengoc BC (B,C) 2 liều
5 Viêm gan B Heberbiovac/ Engerix B/ Euvax B/ Gene-Hbvax/ Twinrix 3-4 liều

 

 

Thời điểm tiêm ngừa cho bệnh nhân chuẩn bị cắt lách theo kế hoạch: 

 

Bệnh nhân chuẩn bị cắt lách theo kế hoạch nên được tiêm ngừa càng sớm càng tốt, thời điểm tiêm ngừa trễ nhất là > 2 tuần trước khi cắt lách theo kế hoạch. Nếu bệnh nhân không thể tiêm ít nhất một liều vắc-xin trước khi cắt lách, nên bắt đầu tiêm vắc-xin cần thiết khoảng 2 tuần sau khi cắt lách.

Khoa Sức khỏe trẻ em
Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố