Chăm sóc trẻ bệnh ho gà

Ho gà là bệnh lây truyền cấp tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ em. Biểu hiện chính của bệnh là cơn ho dữ dội, thở rít vào.

Bệnh ho gà lây truyền theo đường nào?
Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của người bệnh khi ho, hắt hơi. Khả năng lây lan của bệnh cao, nhất là đối với những trẻ sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín như trong nhà, trường học…

Biểu hiện của bệnh ho gà:
Thời gian đầu mắc bệnh, trẻ thường xuất hiện những cơn ho nhẹ, sau đó ho nhiều hơn, hắt hơi, chảy nước mũi, sốt nhẹ.
Giai đoạn kịch phát:
+ Cơn ho kéo dài, xuất hiện một cách tự nhiên hay do một kích thích nhỏ.
+ Trẻ ho rũ rượi, đỏ mặt, thở rít (khi hít thở sẽ xuất hiện tiếng rít như tiếng rít cổ ở gà), nôn nhiều đờm, đặc quánh. Đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có những cơn ngừng thở ngắn. Giữa các cơn ho, thông thường trẻ cảm thấy dễ chịu và có thể sinh hoạt bình thường. Ngoài ra trong giai đoạn này còn thấy một số dấu hiệu như: chảy máu cam, xuất huyết kết mạc mắt hay bầm tím quanh mi mắt dưới.
Giai đoạn hồi phục: Cơn ho ngắn lại, số cơn giảm. Ho còn có thể tồn tại trong vài tuần

Các yếu tố tiên lượng bệnh của trẻ nặng?

Trẻ bị ho gà có kèm theo 1 trong các yếu tố sau tiên lượng bệnh của trẻ sẽ là nặng:
– Trẻ dưới 6 tháng, đặc biệt là trẻ dưới 3 tháng
– Ăn uống kém, nôn nhiều.
– Cơn ngừng thở kéo dài.
– Co giật
– Viêm phổi

Trẻ bị bệnh ho gà có thể chăm sóc tại nhà được không?

Về chế độ ăn
– Ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa do trong giai đoạn bệnh bé có biểu hiện biếng ăn và rất dễ rối loạn tiêu hóa.
– Cho bé ăn thành nhiều bữa trong ngày.
– Không được nấu quá loãng, vì như vậy bé sẽ không đủ năng lượng cho cơ thể.
– Nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, kẽm, sắt như thịt bò, thịt gà, trứng và các loại rau xanh có màu xanh thẩm hoặc đỏ.

Nên kiêng các loại thức ăn sau cho bé
– Các thực phẩm ngọt vì những loại thức ăn này sẽ khiến cơn ho nặng hơn.
– Các thực phẩm qua chiên rán sẽ làm cho dạ dày có cảm giác nặng hơn.
– Các thực phẩm nhiều chất béo làm cho dịch đờm tiết ra nhiều hơn mức bình thường.

Chăm sóc trẻ
– Không tự ý cho bé uống thuốc ho khi không có sự chỉ định của bác sĩ.
– Giữ ấm cơ thể bé.
– Cho bé sống trong môi trường không khói thuốc lá, không bụi bẩn và hóa chất.
– Cần ân cần, kiên trì dỗ bé ăn để bé có sức đề kháng chống lại bệnh tật. Vì khi ho làm cơ thể trẻ chán ăn và mệt mỏi, kèm với việc cổ họng đau và rát nên trẻ không muốn ăn. Vì vậy cho trẻ ăn ít, ăn chậm nhưng nhiều lần trong ngày.
– Nhớ vệ sinh sạch sẽ môi trường sống xung quanh và các vật dụng trong nhà, nhất là các đồ bé hay sử dụng. Và thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng.

Khi nào cần đưa trẻ đi khám ngay?
Khi trẻ ho có kèm 1 trong các dấu hiệu sau:
– Trẻ có nhiều cơn ho, trong cơn ho có đỏ hoặc tím mặt, thời gian mỗi cơn ho kéo dài
– Ăn kém, nôn chớ nhiều
– Ngủ ít
– Thở nhanh/ khó thở

Phòng bệnh ho gà cho trẻ bằng cách nào?
– Tiêm phòng: Tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà cho trẻ là biện pháp đạt hiệu quả phòng bệnh cao nhất lên tới 90%.
– Cách ly người bệnh: Cho trẻ tránh xa những người có dấu hiệu bị ho gà. Những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cũng không nên cho tiếp xúc với trẻ nhỏ, nhất là những trẻ chưa được tiêm phòng. Nếu trong gia đình có người bị ho gà thì cần phải điều trị dứt điểm, các thành viên khác cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần người bệnh và có hướng điều trị, kiểm tra cho cả gia đình xem có bị lây truyền bệnh không vì bệnh rất dễ lây lan qua đường không khí.

TRẦN HỒ TRUNG TÍN
PHÒNG ĐIỀU DƯỠNG
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ