Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng

Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng là gì?
Tim bình thường có ba lớp, từ ngoài vào trong, là:

  • Lớp ngoại tâm mạc, bao quanh mặt ngoài của tim
  • Lớp cơ tim, ở giữa.
  • Lớp nội tâm mạc, lót mặt trong của tim. Lớp này bao gồm cả các van tim.

Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng là tình trạng viêm do vi trùng ăn vào lớp nội mạc của tim.
Đây là một bệnh nhiễm trùng nặng nguy hiểm đến tính mạng. Hậu quả của bệnh để lại rất nặng nề như tổn thương não, hủy van tim, hay thậm chí phải đoạn chi. Tuy vậy bệnh có thể điều trị được bằng kháng sinh.

Tại sao lại bị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng?
Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng xảy ra khi vi trùng xâm nhập vào máu, sau đó theo máu đến tim, bám vào các lá van tim bị bất thường hay những vị trí tim có tổn thương, phát triển thành “tổ vi trùng” hay còn gọi là các nốt sùi. Như vậy, có hai yếu tố làm trẻ có thể bị viêm mội tâm mạc nhiễm trùng:

  • Có tiền căn viêm nội tâm mạc nhiễm trùng trước đó
  • Bệnh tim bẩm sinh như thông liên thất, còn ống động mạch, hẹp van tim bẩm sinh, các dạng tim bẩm sinh phức tạp.
  • Bệnh cơ tim phì đại
  • Bệnh nhân có tổn thương van tim.
  • Van tim nhân tạo.
  • Bệnh nhân đã bị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng trước đó.

Những bệnh nhân này được gọi là nhóm bệnh có nguy cơ bị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.

Ổ nhiễm trùng: vùng răng miệng, nhiễm trùng da, hoặc ổ nhiễm trùng ở các vị trí khác trong cơ thể. Từ các ổ nhiễm trùng này, vi trùng phát tán theo đường máu đến bám và mọc trên các tổn thương sẵn có của nội mạc tim.

Khi nào cần đi khám để loại trừ viêm nội tâm mạc nhiễm trùng?
Bố mẹ các trẻ có yếu tố nguy cơ bị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng cần đưa bé đến khám khi có các dấu hiệu sau:

  • Sốt 37.5-38.5 độ C không giải thích được và kéo dài hơn 5-7 ngày.
  • Lạnh run, vã mồ hôi nhất là về đêm.
  • Chán ăn, bỏ bú.
  • Đau nhức cơ khớp (gối, vai, khuỷu…)
  • Sụt cân
  • Ban da
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi.

Phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng:

Đối tượng nào cần phải phòng ngừa: Chỉ những trẻ thuộc nhóm đối tượng nguy cơ viêm nội tâm mạc nhiễm trùng mới cần phải phòng ngừa.

Nguyên tắc phòng ngừa:

  • Chăm sóc răng miệng:
    • Đối với sơ sinh và trẻ nhỏ, luôn dùng khăn mềm để lau sạch nướu và răng trẻ sau mỗi bữa ăn.
    • Khi trẻ được 1 tuổi bố mẹ cần sử dụng bàn chải răng chuyên dụng để vệ sinh cho bé. Không cho bé ngậm bình sữa khi đi ngủ.
    • Khi trẻ lớn hơn, bố mẹ cần giám sát việc chải răng của bé sau mỗi bữa ăn chính, ăn vặt và nhất là sau khi uống thuốc nước (vì trong thuốc dạng nước có chứa nhiều đường).
    • Bố mẹ cần đưa bé đến khám nha sĩ định kỳ mỗi 6 tháng.
  • Dùng kháng sinh dự phòng
    • Dùng kháng sinh dự phòng viêm nội tâm mạc nhiễm trùng khi trẻ phải thực hiện các thủ thuật liên quan đến răng miệng (như nhổ răng…).
    • Do vậy, cần phải báo Bs răng hàm mặt là trẻ bị bệnh tim khi đến khám tại các cơ sở Nha khoa. Tốt nhất là nên mang các giấy tờ liên quan theo, để Bs răng hàm mặt tham khảo.

BS NGUYỄN TẾ ĐINH HƯƠNG
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ