Từ ngày 01/7/2023 đối tượng nào sẽ được tăng lương?

Tăng lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên thành 1.800.000 đồng/tháng kể từ ngày 01/7/2023.

Tăng lương cơ sở, đối tượng nào được tăng lương trực tiếp?

Tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 năm 2022 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Quốc hội đã đồng ý tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên thành 1,8 triệu đồng/tháng.

Căn cứ Nghị định 24/2023/NĐ-CP, mức lương cơ sở mới được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động.

Theo đó, từ ngày 01/7/2023, khi lương cơ sở tăng, những người hưởng lương, phụ cấp sau đây sẽ được tăng lương:

  1. Cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện.
  2. Cán bộ, công chức cấp xã.
  3. Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
  4. Người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP.
  5. Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo Nghị định 45/2010/NĐ-CP.
  6. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân.
  7. Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân.
  8. Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.
  9. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn và tổ dân phố.
Tăng lương cơ sở, đối tượng nào được tăng lương trực tiếp? (Ảnh minh họa)

    Tăng lương cơ sở, đối tượng nào được tăng lương trực tiếp? (Ảnh minh họa)

Từ ngày 01/7/2023, người lao động đang hưởng lương tiền đồng có được tăng lương?

Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ tính mức lương của các cán bộ, công chức, viên chức,… trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác. Ngoài ra, lương cơ sở còn dùng để tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật. Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP có quy định về lương cơ sở làm căn cứ để tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với đối tượng theo quy định.

Trong khi đó, tiền lương của người lao động đang hưởng lương tiền đồng là tiền lương do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận với nhau để thực hiện công việc nhất định dưới sự chỉ đạo, điều hành của người sử dụng lao động.

Khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng nêu rõ, người lao động có quyền hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động.

Trong hợp đồng lao động, các bên sẽ thỏa thuận với nhau về các nội dung như mức lương theo công việc, hình thức trả lương, thời hạn trả lương; chế độ nâng bậc, nâng lương,…

Việc tăng lương cho người lao động hưởng lương tiền đồng phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các bên chứ không thực hiện theo chính sách tăng lương cơ sở.

Do đó, khi tăng lương cơ sở từ ngày 01/7/2023, không buộc phải tăng lương cho người lao động đang hưởng lương tiền đồng. Việc tăng lương cho người lao động đang hưởng lương tiền đồng vẫn được thực hiện theo thỏa thuận về chế độ nâng lương trước đó.

Người lao động đang hưởng lương tiền đồng có được tăng lương từ ngày 01/7/2023? (Ảnh minh họa)
Người lao động đang hưởng lương tiền đồng có được tăng lương từ ngày 01/7/2023? (Ảnh minh họa)

Người lao động đang hưởng lương tiền đồng được nhiều lợi khác từ ngày 01/7/2023?

Dẫu không được tăng lương từ ngày 01/7/2023 nhưng nhờ chính sách tăng lương cơ sở, những người lao động đang hưởng lương tiền đồng cũng được hưởng thêm quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Cụ thể như sau:

– Được tăng 10 khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội bao gồm: (1) Trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau; (2) Trợ cấp 1 lần khi sinh con; (3) Trợ cấp dưỡng sức sau thai sản; (4) Trợ cấp 1 lần khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; (5) Trợ cấp hằng tháng khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; (6) Trợ cấp phục vụ cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; (7) Trợ cấp 1 lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; (8) Trợ cấp dưỡng sức sau điều trị; (9) Trợ cấp mai táng; (10) Trợ cấp tuất hằng tháng.

– Được tăng mức mức thanh toán trực tiếp cho người có thẻ bảo hiểm y tế khi khám, chữa bệnh không đúng tuyến.

Trên đây là giải đáp thắc mắc cho câu hỏi: “Từ ngày 01/7/2023 đối tượng nào sẽ được tăng lương?”

 Nguồn: Tổng hợp

Phòng Tổ chức cán bộ
Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố