Tình hình bệnh nhân mắc sốt xuát huyết dengue đang gia tăng tại khoa Nhiễm

  1. TỔNG QUAN

Trong thơi gian cuối tháng 10 và đầu tháng 11 vừa qua, khoa Nhiễm bệnh viện Nhi đồng Thành phố ghi nhận số bệnh nhi mắc sốt xuất huyết Dengue (SXH Dengue) nhập viện gia tăng. Trước tình hình bệnh Tay chân miệng và các bệnh lý viêm đường hô hấp chiếm vẫn tỉ lệ nhập viện cao, và diễn biến còn phức tạp, khoa Nhiễm cũng tiếp nhận thêm số ca sốt xuất huyết nhập viện cao hơn các tháng trước đó, cụ thể trung bình khoảng 10 ca/ngày.

Lí giải về sự gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết Dengue, có thể do điều kiện thời tiết và môi trường thuận lợi cho muỗi vằn, vốn là trung gia truyền virus Dengue cho người sinh sôi phát triển, đặc biệt trong các tháng 10-12 là thời điểm mùa mưa ở miền Nam. Bên cạnh đó, virus Dengue có 4 loại (DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4). Ở Việt Nam có cả 4 loại này, có nghĩa là một người đã bị mắc một typ virus Dengue vẫn có nguy cơ tái nhiễm thêm các typ virus khác.

  1. CÁC BIỂU HIỆN LÂM SÀNG Ở TRẺ MẮC SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE TẠI KHOA NHIỄM

Phần lớn các bệnh nhi nhập viện tại khoa Nhiễm với bệnh cảnh sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết Dengue nặng, đặc biệt là sốt xuất huyết Dengue có sốc, là thể nặng thường gặp ở trẻ em.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng với 3 giai đoạn:

Giai đoạn sốt: Trong giai đoạn này người bệnh có biểu hiện sốt cao đột ngột, liên tục 39-40oC, đau nhức toàn thân, buồn nôn; có thể nổi chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu mũi. Khoa Nhiễm cũng ghi nhận 30-50% trường hợp mắc SXH Dengue có kèm theo các triệu chứng đường hô hấp và tiêu hóa. Do đó cũng tăng nguy cơ chẩn đoán nhầm bệnh cảnh. Chúng tôi khuyến cáo các bệnh nhi có biểu hiện sốt cao từ 2 đến 3 ngày nên đi khám bệnh để được làm các xét nghiệm máu chẩn đoán bệnh SXH Dengue.

Giai đoạn nguy hiểm: Thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt, tuy nhiên có thể xuất hiện các triệu chứng cảnh báo như:

– Đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng hạ sườn phải
– Nôn ói nhiều
– Trẻ vật vã, kích thích hoặc lừ đừ
– Xuất huyết.
+ Xuất huyết dưới da: Nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn hoặc mảng bầm tím.
+ Xuất huyết niêm mạc như chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu máu.

Nhiều bệnh nhi nhập viện trong bệnh cảnh nặng hơn với dấu hiệu sốc, gồm các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu ≤ 20mmHg hoặc tụt huyết áp, không đo được huyết áp, mạch không bắt được, da lạnh, nổi vân tím (sốc nặng), tiểu ít. Bệnh có thể chuyển nặng nhanh chóng, gây suy đa cơ quan và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Do đó các bác sĩ luôn chỉ định bệnh nhân mắc SXH Dengue cần tái khám mỗi ngày để kiểm tra dấu hiệu sinh tồn, cũng như thăm khám tổng quát. Đồng thời chỉ định xét nghiệm máu thường quy để kiểm tra số lượng tiểu cầu, thể tích khối hồng cầu, men gan, đây là những chỉ dấu nhằm đánh giá giai đoạn bệnh và từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp

Giai đoạn hồi phục: Thường vào ngày thứ 7-10 của bệnh. Người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, tiểu nhiều. Một số bệnh nhi có thể phát ban hồi phục hoặc ngứa ngoài da. Các trường hợp mắc SXH Dengue nặng, cần hỗ trợ hô hấp sẽ có thời gian nằm viện lâu hơn nhằm theo dõi tình trạng lâm sàng và các chỉ số xét nghiệm đến khi đạt tiêu chuẩn xuất viện

  1. MỘT SỐ LƯU Ý TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE

Hiện nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Phần lớn các trường hợp được điều trị ngoại trú, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời.

Đối với trẻ chưa có chỉ định nhập viện: việc tái khám hàng ngày trong 7 ngày của bệnh và theo dõi các dấu hiệu nặng của bệnh SXH Dengue là hết sức quan trọng.

Phụ huynh cần đưa trẻ đến khám lại ngay (bất cứ lúc nào trong ngày lẫn đêm) khi có một trong các dấu hiệu sau:

– Người bệnh thấy khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt.
– Không ăn, uống được.
– Nôn ói nhiều.
– Đau bụng nhiều.
– Tay chân lạnh, ẩm.
– Mệt lả, bứt rứt.
– Chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo.
– Không tiểu trên 6 giờ.
– Biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì.

Đối với trẻ có chỉ định nhập viện, bù dịch sớm bằng đường uống nếu bệnh nhân còn khả năng uống được. Bác sĩ điều trị sẽ khám và đánh giá con bạn có chỉ định truyền dịch hay không. Trong quá trình truyền dịch, trẻ vẫn cần uống nhiều nước (nếu uống được), theo dõi lượng nước tiểu và xét nghiệm Hct (lấy máu đầu ngón tay), cũng như các xét nghiệm thường quy cho bệnh nhi SXH. Việc điều trị sẽ theo y lệnh của bác sĩ và thay đổi tùy thuộc từng diễn tiến lâm sàng của mỗi bệnh nhân. Mọi thắc mắc của quý phụ huynh sẽ được bác sĩ điều trị trực tiếp giải thích và tư vấn.

  1. CÁCH PHÒNG NGỪA BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE

Tháng 6/2016, vắc xin phòng sốt xuất huyết Dengvaxia đầu tiên trên thế giới đã được cấp phép lưu hành. Đã có nhiều quốc gia đưa vào sử dụng vắc xin này, bao gồm 3 nước Đông Nam Á (ASEAN) như: Thái Lan, Singapore, Philippines. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam vẫn chưa sử dụng loại vắc xin sốt xuất huyết, bởi tính miễn dịch của vắc xin phòng sốt xuất huyết chưa cao, nên vẫn còn nhiều lo ngại về tính hiệu quả, an toàn khi triển khai tiêm chủng thực tiễn cho người dân.

Hiện sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Muỗi vằn chính là nguồn lây bệnh trung gian và cách tốt nhất để phòng bệnh sốt xuất huyết là tiêu diệt muỗi tận gốc, khi đó nguy cơ bùng phát dịch sẽ giảm.

Biện pháp phòng và diệt bọ gậy, lăng quăng, muỗi:

  • Thay nước thường xuyên cho các lọ hoa, chậu cây cảnh có nước,…
  • Thả cá vàng vào bể cá, hồ cá, hòn non bộ,… để tiêu diệt bọ gậy, lăng quăng.
  • Che đậy lu nước, xô nước,…
  • Xúc rửa các dụng cụ chứa nước hàng tuần.
  • Lật úp các dụng cụ chứa nước khi không sử dụng.
  • Thu gom phế liệu, rác thải thường xuyên.
  • Phát quang bụi rậm, cây cối trong vườn.
  • Phun thuốc diệt muỗi quanh nhà.

Thay đổi thói quen sinh hoạt:

  • Ngủ màn kể cả ban ngày.
  • Mặc quần áo dài tay, dài chân và nhạt màu khi ra ngoài.
  • Thoa dầu tràm hoặc kem chống muỗi.
  • Mùa mưa, nên hạn chế ra ngoài vào buổi chiều tối, đặc biệt không đến những nơi um tùm, ẩm thấp, nhiều cây cối,…
  • Ba mẹ khi cho bé ra ngoài vui chơi cần theo dõi, giám sát bé thường xuyên, không để bị muỗi đốt.
  • Đóng kín các cửa trong nhà.
  • Người bị sốt xuất huyết cần ngủ màn thường xuyên để phòng tránh muỗi đốt và lây truyền cho những thành viên khác trong nhà.

Khoa Nhiễm
Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố