Bệnh cúm ở trẻ em

Cúm là một bệnh rất dễ lây lan, có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Cúm lây lan dễ dàng từ người này sang người khác khi ho, hắt hơi hoặc chạm vào các bề mặt.

Tại Hoa Kỳ, hàng năm, các biến chứng của bệnh cúm khiến hơn 200.000 người phải nhập viện. Những trường hợp biến chứng nghiêm trọng thường xảy ra ở trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai và những người có một số vấn đề về sức khỏe trước đó như hen suyễn hoặc các dạng bệnh lý về phổi khác.

Trước đây, đã có các trận đại dịch về cúm, dẫn tới tử vong trên nhiều quốc gia trên thế giới. Các đợt bùng phát này xảy ra khi các chủng virus cúm mới được hình thành (thường từ lợn hoặc chim) và con người bị nhiễm bệnh vì không có khả năng miễn dịch với những loại virus này.

Các loại cúm: Có 3 loại virus cúm gây bệnh cho người: Cúm A, cúm B, cúm C

  • Cúm A chia thành các loại phụ type và mỗi loại phụ type đều có tính đặc hiệu riêng cho một nhóm loài kí chủ. Đây là loại cúm có thể gây dịch và đại dịch ở người. Tại Việt Nam, đã xảy ra các trận đại dịch cúm A/H1N1 (Cúm lợn) và cúm A/H5N1, cúm A/H7N9 (cúm gia cầm).
  • Cúm B chỉ có ở người và có thể gây nên dịch
  • Cúm C chỉ có ở người, bệnh thường nhẹ và tự giới hạn, không gây ra dịch bệnh ở người

Virus cúm A (thường gặp A/H3N2, A/H1N1)  là và B gây ra các đợt dịch bệnh theo mùa ở người, nên được gọi là cúm mùa.

Triệu chứng nhiễm cúm: Các triệu chứng của bệnh cúm mùa có thể đa dạng, bao gồm

  • Sốt
  • Nhức đầu và đau cơ
  • Mệt mỏi
  • Ho và đau họng cũng có thể xuất hiện

Các triệu chứng này thường cải thiện sau 2 đến 5 ngày, mặc dù bệnh có thể kéo dài một tuần hoặc hơn. Biến chứng thường gặp nhất của cúm là viêm phổi. Trẻ nhỏ, người già trên 65 tuổi hay những người sống trong các cơ sở chăm sóc dài hạn (viện dưỡng lão) hay mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim, phổi có nguy cơ xảy ra biến chứng nhiều hơn.

Đặc biệt, viêm phổi cũng phổ biến hơn ở những người có hệ thống miễn dịch yếu, chẳng hạn như những bệnh nhân ghép tạng.

Chẩn đoán: Cúm thường được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng trên lâm sàng như sốt, ho và đau cơ. Các xét nghiệm tìm cúm chỉ được thực hiện trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như trong đợt bùng phát cúm mới trong cộng đồng và ở những bệnh nhân có nguy cơ biến chứng cao.

Điều trị: Phần lớn các trường hợp nhiễm cúm sẽ tự hồi phục trong vòng 1 đến 2 tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, các biến chứng nghiêm trọng của bệnh cúm có thể xảy ra. Cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện nếu có các dấu hiệu:

  • Trẻ quấy khóc nhiều, li bì
  • Sốt kèm phát ban
  • Trẻ không chảy nước mắt khi khóc (ở trẻ sơ sinh)
  • Trẻ cảm thấy hụt hơi, khó thở
  • Trẻ cảm thấy tức ngực hoặc bụng
  • Trẻ có dấu hiệu da xanh hoặc tím tái

Điều trị các triệu chứng — Điều trị các triệu chứng của bệnh cúm có thể trẻ cảm thấy dễ chịu hơn nhưng sẽ không làm cho bệnh cúm khỏi nhanh hơn. Các điều trị này bao gồm:

  • Nghỉ ngơi trong giai đoạn bệnh.
  • Uống đủ nước để không bị mất nước. Một cách để đánh giá xem trẻ có uống đủ hay không là quan sát màu sắc của nước tiểu. Thông thường, nước tiểu có màu vàng nhạt hoặc trong. Nếu uống đủ nước, bạn nên đi tiểu ba đến năm giờ một lần.
  • Thuốc hạ sốt, ví dụ acetaminophen vừa có tác dụng hạ sốt, giảm nhức đầu và giảm đau cơ. Aspirin và các loại thuốc có chứa aspirin không được khuyến cáo cho trẻ em dưới 18 tuổi vì aspirin có thể dẫn đến một căn bệnh nghiêm trọng gọi là hội chứng Reye.
  • Thuốc ho thường không có tác dụng. Triệu chứng ho thường tự khỏi mà không cần điều trị.

Điều trị bằng thuốc kháng virus — Không phải tất cả các trẻ bị cúm đều cần dùng thuốc kháng virus, quyết định điều trị dựa trên một số yếu tố. Nếu trẻ có triệu chứng nặng và/hoặc có các yếu tố nguy cơ phát triển các biến chứng của bệnh cúm, trẻ cần dùng thuốc kháng virus. Các loại thuốc kháng virus được sử dụng để điều trị bệnh cúm bao gồm oseltamivir, zanamivir, peramivir và baloxavir. Điều trị bằng thuốc kháng virus có hiệu quả nhất đối với bệnh cúm mùa chỉ khi được thực hiện trong vòng 48 giờ đầu tiên khi có triệu chứng cúm.

Thuốc kháng sinh — Thuốc kháng sinh không hữu ích để điều trị các bệnh do virus như cúm. Thuốc kháng sinh chỉ nên được sử dụng nếu có biến chứng do vi khuẩn của bệnh cúm như viêm phổi do vi khuẩn, viêm tai hoặc viêm xoang. Sử dụng kháng sinh không hợp lý có thể gây ra các tác dụng phụ và dẫn tới đề kháng kháng sinh.

Phòng ngừa: Tiêm vắc xin cúm là cách hiệu quả nhất để giảm nguy cơ bị nhiễm cúm. Những người chủng ngừa cúm có nguy cơ mắc bệnh và tử vong do cúm thấp hơn so với những người không chủng ngừa. Vì virus cúm thay đổi từ năm này sang năm khác, nên trẻ cần tiêm vắc xin cúm mới hàng năm, trước mỗi mùa cúm. Vắc xin cúm được khuyến cáo cho tất cả các đối tượng từ 6 tháng tuổi trở lên.Vắc xin đặc biệt quan trọng đối với:

  • Nhân viên y tế
  • Trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi
  • Người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch…)
  • Người trên 65 tuổi

Thuốc kháng virus

Thuốc kháng virus có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh cúm sau khi tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Những loại thuốc này cũng có thể được sử dụng ở một số người có nguy cơ bị biến chứng do cúm và những người không thể chủng ngừa cúm.

Kiểm soát nhiễm khuẩn

Các biện pháp kiểm soát lây nhiễm, như rửa tay và che miệng khi ho, có thể giúp ngăn ngừa sự lây lan của bệnh cúm.

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước có thể giúp hạn chế sự lây lan của bệnh cúm. Có thể sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn khi không có xà phòng và nước.
  • Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, đồng thời vứt bỏ khăn giấy bẩn ngay lập tức.
  • Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng vì virus lây lan theo cách này.
  • Tránh tiếp xúc gần với người bệnh.
  • Nếu bị bệnh giống như cúm, người bệnh nên cách ly tại nhà ít nhất 24 giờ sau khi hết sốt.

Tài liệu tham khảo

  1. Centers for Disease Control and Prevention. Influenza antiviral medications: Summary for clinicians. https://www.cdc.gov/flu/professionals/antivirals/summary-clinicians.htm(Accessed on October 22, 2022)
  2. Chẩn đoán và điều trị cúm mùa – Bộ Y tế

Khoa Nhiễm
Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố