Nhiễm Adenovirus ở trẻ em

  1. TỔNG QUAN

Adenovirus là virus gây bệnh cảnh viêm đường hô hấp phổ biến ở trẻ em. Được chia làm 7 phân nhóm (từ A-G) với hơn 60 typ huyết thanh gây bệnh ở người. Bệnh gây ra nhiều tổn thương ở các cơ quan như: đường hô hấp, mắt, hệ tiêu hóa

Adenovirus có đặc tính bền vững với môi trường ngoài, góp phần làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm virus gián tiếp cho nhiễm người

Khi nhiễm adenovirus, người bệnh sẽ có miễn dịch hiệu quả cao và kéo dài với typ virus gây bệnh, tuy nhiên không có miễn dịch chéo với các typ huyết thanh khác của Adenovirus. Do đó bệnh có nguy cơ lây lan rộng và dễ tái phát nhiều lần.

  1. ĐƯỜNG LÂY TRUYỀN

Bệnh chủ yếu lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp, các giọt bắn; đường phân miệng hoặc sau khi tiếp xúc với các chất tiết của mắt

Bệnh có thể lây gián tiếp qua việc tiếp xúc các đồ dùng sinh hoạt cá nhân và ăn uống.

  1. BIỂU HIỆN TRIỆU CHỨNG

Độ tuổi các trẻ nhiễm Adenovirus tập trung trong nhóm từ 6 tháng đến 5 tuổi, cao nhất ở trẻ dưới 2 tuổi.

Đa phần biểu hiện bệnh nhẹ và tự giới hạn. Tuy nhiên ở trẻ có cơ địa suy giảm miễn dịch, bệnh nền mạn tính, bệnh có nguy cơ tiến triển nặng và lây lan rộng

Triệu chứng lâm sàng đa dạng tùy thuộc vào typ huyết thanh gây bệnh, chủ yếu:

  • Viêm đường hô hấp: viêm mũi họng, viêm họng-kết mạc, viêm amidan xuất tiết, viêm tai giữa, viêm tiểu phế quản, viêm phổi (chủ yếu loài B typ 3,7,14,21). Bệnh có các biểu hiện thường gặp như sốt, có thể sốt cao, ho, chảy mũi, có thể kèm theo viêm kết mạc với mắt đỏ, thường không đau, chảy dịch trong.
  • Mắt: viêm kết mạc, viêm giác mạc với biểu hiện đau mắt đỏ
  • Tiêu hóa: biểu hiện bệnh cảnh viêm dạ dày ruột với buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy…bệnh thường gây ra do các typ 40,41,31.
  1. CHẨN ĐOÁN

Với các trường hợp bệnh nhẹ, việc chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào biểu hiện lâm sàng của trẻ. Không cần thực hiện xét nghiệm thường quy ở tất cả trẻ nhiễm Adenovirus

Các trường hợp bệnh nặng, nhiều biến chứng, việc chẩn đoán nhiễm Adenovirus có thể dựa vào xét nghiệm PCR với bệnh phẩm là máu. Xét nghiệm định lượng PCR còn giúp đánh giá hiệu quả điều trị

  1. ĐIỀU TRỊ

Điều trị nhiễm Adenovirus ở trẻ em chủ yếu là điều trị triệu chứng, đa phần bệnh sẽ tự giới hạn. Các biện pháp góp phần điều trị triệu chứng cho trẻ bao gồm:

  • Nghỉ ngơi tại giường
  • Sử dụng Paracetamol để hạ sốt cho trẻ
  • Đảm bảo cung cấp đủ nước và thức ăn giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt khi trẻ có nôn ói và tiêu chảy
  • Vệ sinh mũi họng hàng ngày với nước muối sinh lý; dùng thuốc nhỏ mắt điều trị viêm kết mạc theo chỉ định của bác sĩ
  • Bổ sung vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ
  • Theo dõi và khám ngay bác sĩ nếu trẻ có các dấu hiệu nặng: sốt cao khó hạ, thở mệt, lừ đừ, bỏ bú, dấu mất nước…

Kháng sinh: không sử dụng thường quy; được chỉ định khi có dấu hiệu bội nhiễm và lựa chọn kháng sinh phù hợp bởi bác sĩ.

Thuốc kháng virus: hiện chưa có đầy đủ dữ liệu về hiệu quả và tính an toàn cho các nhóm thuốc kháng virus trong điều trị nhiễm Adenovirus ở trẻ em

  1. PHÒNG NGỪA

Bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu. Các biện pháp phòng ngừa cơ bản có thể giúp ngăn ngừa sự lây lan của virus:

  • Khi trẻ có dấu hiệu nhiễm Adenovirus cần cho trẻ nghỉ học, cách ly tại nhà
  • Vệ sinh tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn
  • Che mũi miệng khi ho hoặc hắt hơi. Chủ động đeo khẩu trang để phòng bệnh cho mình và mọi người xung quanh
  • Hạn chế sử dụng chung các vật dụng cá nhân nhằm tránh lây nhiễm gián tiếp Adenovirus
  • Tăng cường tập thể dục, ăn uống đầy đủ chất để nâng cao sức đề kháng.

Khoa Nhiễm
Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố