Tầm quan trọng của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn

Thực trạng nhiễm khuẩn bệnh viện ở Việt Nam và thế giới
– Trên thế giới:
Tại Mỹ, trong năm 2011, khảo sát cho thấy có khoảng 722.000 ca nhiễm khuẩn bệnh viện, trong đó 75.000 bệnh nhân tử vong trong thời gian nằm viện. Tổng chi phí hằng năm ở Mỹ để điều trị nhiễm khuẩn bệnh viện vào khoảng 6.5 tỷ đô la. Tại Châu Âu, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện trung bình là 7.1 %, với số ca lên đến 4.544.100, kéo theo tổng chi phí lên đến 7 tỷ Europe mỗi năm
– Tại Việt Nam:  
Năm 2005, nghiên cứu cắt ngang của Bộ Y Tế cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn Bệnh viện là 5,8%. Trong cùng thời gian, Sở Y Tế TPHCM khảo sát trên tất cả các bệnh viện công lập cho ra tỷ lệ là 6,4%. Phản ánh một tình trạng nhiễm khuẩn đáng lo ngại, không chỉ riêng TPHCM, mà cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) từ xưa đến nay vẫn là một trong những thách thức đối với ngành y tế Việt Nam, cũng như thế giới. Nó tồn tại, âm ỉ và dai dẳng như một vấn nạn, một “cơn sóng” mà bất kì bệnh viện nào cũng phải đối mặt. Vì lẽ đó, Khoa Kiểm Soát Nhiễm Khuẩn (KSNK) ra đời như một giải pháp, một sự chống trả của ngành y tế đối với “dịch bệnh” này.

Kiểm Soát Nhiễm Khuẩn là gì?
Nhắc tới Kiểm Soát Nhiễm Khuẩn, nhiều người còn không biết có sự tồn tại của khoa trong bệnh viện, hoặc không hiểu rõ công tác KSNK cụ thể là làm những gì. Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), công tác KSNK trong bệnh viện là một sự phối hợp liên khoa giữa Khoa KSNK và các khoa phòng mà mục tiêu nhắm tới đó là giảm thiểu tối đa sự lây lan của NKBV thông qua các công việc xây dựng quy trình, giám sát và tập huấn cho người nhà và nhân viên y tế. Nói nôm na, KSNK là một đội ngũ “bảo vệ” cho bệnh nhân, thân nhân người bệnh và chính những người làm công tác y tế.

Lịch sử ra đời của công tác Kiểm Soát Nhiễm Khuẩn
Từ nửa đầu của thế kỉ 19, bác sĩ Ignaz Semmelweis đã nhận thấy có lây lan triệu chứng sốt từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác thông qua bàn tay bẩn của nhân viên y tế. Tuy nhiên, nhận định của ông đã bị bác bỏ ở thời đó. Mãi đến thập niên 50 của thế kỉ 20, những vụ dịch liên tiếp xảy ra ở những bệnh viện cùng với sự tăng dần về số lượng người tử vong, nhận thấy sự nghiêm trọng của vấn đề, các nhà lâm sàng  bước đầu nghiên cứu và đề xuất những phương pháp nhằm cải thiện tình hình. Bắt đầu từ năm 1960, công tác KSNK mới sơ bộ hoàn thành, và được áp dụng rải rác ở các bệnh viện tại Mỹ. Tới những năm 90, KSNK là một phần bắt buộc ở mỗi bệnh viện tại Mỹ

Hưởng ứng theo thế giới, KSNK bước đầu vào Việt Nam từ năm 1997, Bộ Y Tế đã yêu cầu phải thành lập khoa KSNK tại các bệnh viện từ hạng 2 trở lên. Từ năm 1997 đến nay, công tác KSNK đã và đang là một thành phần không thể thiếu tại các bệnh viện nói riêng và ngành y tế nói chung.

Tầm quan trọng của công tác KSNK
Mục tiêu của công tác KSNK nhắm đến là giảm thiểu tối đa tình trạng NKBV bằng cách ngăn ngừa sự lây lan của các vi sinh vật. Thông qua 4 phương pháp chính: Đơn vị Tiệt Khuẩn Trung Tâm (CSSD), quản lý đồ vải, quản lý rác thải và các hoạt động giám sát

  • Đơn vị Tiệt Khuẩn trung tâm: hay còn gọi là CSSD (Central Sterile Services Department), là một đơn vị chuyên tiệt khuẩn các loại dụng cụ tái sử dụng trong bệnh viện (như là kềm, kéo, ống nội soi,….) cụ thể là dụng cụ sau khi được sử dụng, sẽ được tập trung tại bộ phận nhận rửa của đơn vị, sau khi làm sạch ban đầu bằng nước, những dụng cụ đó sẽ được sấy khô, đóng gói và tiệt – khử khuẩn bằng các phương pháp như: hấp ướt, plasma, ozone,…. tùy theo loại và tính chất từng nhóm dụng cụ mà sẽ có phương pháp thích hợp, đảm bảo dụng cụ được vô khuẩn khi tiếp xúc với bệnh nhân, ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn từ dụng cụ sang cơ thể người bệnh.
  • Quản lý đồ vải: Đồ vải bẩn là một nguồn lây nhiễm giữa người sang người, vì vậy để ngăn ngừa đường lây nhiễm này đòi hỏi phải có một quy trình giặt đồ vải tập trung cho cả người bệnh và nhân viên y tế. Nhà giặt là một phần không thể thiếu của phương pháp này, những đồ vải bẩn, bị lây dính chất tiết của người bệnh sau một ngày sẽ được thu gom từ các khoa phòng, phân loại và có chế độ giặt thích hợp  cho từng loại. Sau đó được đóng gói và bảo quản theo từng ngăn riêng, đảm bảo đồ vải sạch  (vô khuẩn) đến khi tiếp xúc với bệnh nhân.
  • Quản lý rác thải: Rác thải là một vấn đề không chỉ riêng ngành y tế mà còn của toàn cầu, nhất là rác thải y tế có nguy cơ lây nhiễm hoặc gây độc hại cho người trong bệnh viện và những vùng lân cận cần phải có một quy trình phân loại và xử lý nghiêm ngặt. Tổ chức những buổi tập huấn về cách phân loại rác thải là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu của công tác KSNK nhằm cung cấp kiến thức đúng về cách phân loại rác và mối nguy hại khi ra ngoài cộng đồng.
  • Giám sát: Đây là một phương pháp hỗ trợ đắc lực cho công tác KSNK, giám sát kiến thức và thực hành các quy trình chăm sóc và điều trị, thống kê và lập bảng biểu nhằm đánh giá tình trạng hiện tại của bệnh viện và đề xuất những phương pháp để cải thiện với mục đích cải thiện chất lượng điều trị tại bệnh viện và bảo vệ sức khỏe bệnh nhân.

Khoa KSNK tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố

  • Khoa KSNK được thiết kế theo nguyên tắc một chiều (từ vùng bẩn sang vùng sạch và cuối cùng ở vùng vô khuẩn), các nhân viên không được đi từ vùng này sang vùng khác để đảm bảo chất lượng không khí và chất lượng dụng cụ đầu ra
  • Hệ thống CSSD của khoa KSNK là một trong những phần được chú trọng với máy móc tân tiến theo chuẩn Châu Á gồm:
  • Hệ thống 4 máy hấp ướt hai cửa (1 cửa đưa dụng cụ vào, 1 cửa lấy dụng cụ ra) đảm bảo dụng cụ đầu ra đi theo một chiều vô khuẩn
  • Công nghệ tiệt khuẩn dụng cụ tiên tiến nhất – Plasma, được trang bị 4 máy plasma, với tải lượng dụng cụ lên đến 6kg/máy (với 2 máy nhỏ) và 15kg/máy (với 2 máy lớn)
  • Được trang bị máy ozone, máy E.O hiện đại cùng với các máy rửa công suất lớn, tạo thành một vùng tiệt khuẩn chặt chẽ thích hợp với  từng loại dụng cụ
  • Hệ thống giám sát cũng đang dần được hoàn thiện, bắt đầu với việc mở các lớp tập huấn về kiểm soát nhiễm khuẩn cho các bác sĩ, điều dưỡng và cả nhân viên vệ sinh, để bước đầu tạo dựng một vốn kiến thức đúng, cơ bản nhắm đến thực hành đúng và khuôn mẫu theo một mô hình bệnh viện chuẩn quốc gia
  • Năm 2018, khoa sẽ hướng tới hoàn thiện đội ngũ nhân viên, xây dựng được bước đầu mạng lưới KSNK và hoàn thành bộ quy trình chuẩn để cải thiện chất lượng khám và điều trị tại bệnh viện

Tuy chỉ phát triển khoảng 70 năm trở lại đây, nhưng công tác KSNK trong bệnh viện đã và đang khẳng định mình như là một phần không thể thiếu trong mỗi bệnh viện thông qua những phương pháp cụ thể nhằm giảm thiểu được NKBV mang lại lợi ích về nhiều mặt cho bệnh nhân, thân nhân và nhân viên y tế. Tuy nhiên, công tác KSNK vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thời gian phát triển còn ngắn, chưa được nhắc đến như một trọng điểm của công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Do vậy, việc có sự tham gia, phối hợp của các ban ngành, khoa phòng là một yếu tố tiên quyết giúp cho KSNK làm tròn được trách nhiệm của mình.

BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ