Rụng tóc ở trẻ em

Rụng tóc là tình trạng tóc rụng nhiều hơn 100 sợi hàng ngày và tốc độ mọc chậm hơn rụng, dẫn tới tóc mỏng và thưa chỉ trong thời gian ngắn. Rụng tóc xảy ra ở mọi giới tính, lứa tuổi, kể cả trẻ em. Theo Thư viện Y học quốc gia Mỹ, rụng tóc là bệnh da liễu phổ biến thứ ba ở trẻ em, với khoảng 40% bệnh nhân biểu hiện bệnh trước 20 tuổi.

  1. Nguyên nhân gây rụng tóc ở trẻ em

Nguyên nhân rụng tóc không liên quan tới bệnh lý

Rụng tóc ở trẻ sơ sinh:

Rụng tóc thoáng qua ở trẻ sơ sinh hay còn gọi là rụng tóc vùng chẩm ở trẻ sơ sinh (Neonatal Occipital Alopecia), thường xuất hiện từ 8 đến 12 tuần sau sinh và tỷ lệ trẻ mắc là từ 9 đến 12%. Đây là vấn đề hoàn toàn bình thường. Biểu hiện của bệnh rụng tóc thoáng qua ở trẻ sơ sinh là những mảng tóc rụng dạng dải hoặc hình oval ở vùng chẩm, có ranh giới rõ ràng ở bờ dưới tổn thương, nên còn được gọi là Rụng tóc vành khăn, xảy ra trong suốt 6 tháng đầu đời – đây là rụng tóc kiểu TE (Telogen Effluvium – tóc rụng trong giai đoạn các nang tóc ở pha nghỉ ngơi), sau đó tóc sẽ phát triển khỏe mạnh.

Ở trẻ sơ sinh, mức hormone của trẻ giảm ngay sau khi sinh nên đó là một nguyên nhân khiến bé rụng tóc. Tình trạng này tương tự các bà mẹ mới sinh bị rụng tóc do thay đổi các hormone đột ngột trong thời kỳ sinh nở.

Rụng tóc ở những vị trí da đầu chà sát nhiều

Các bé có thể bị rụng tóc do cọ da đầu với giường nệm nếu bé luôn ngủ ở cùng một tư thế. Tình trạng này sẽ dừng lại và tóc trẻ sẽ phát triển bình thường khi bé bắt đầu biết ngồi, hành vi cọ đầu dừng lại

Rụng tóc ở trẻ có chứng nghiện giật tóc (Trichotillomania)

Chứng nghiện giật tóc được xem là một loại rối loạn tâm thần thường gặp ở trẻ em. Bệnh thường khởi phát sớm, trước khi trẻ lên 6 tuổi nếu được phát hiện và điều trị chứng nghiện giật tóc sớm sẽ có tiên lượng bệnh tốt hơn là khởi phát ở trẻ lớn, bệnh có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành.

Thông thường tổn thương mà trẻ phải chịu do mắc chứng nghiện giật tóc sẽ là các mảng rụng tóc ở phần thái dương và phần đỉnh, không đối xứng nhau và đa hình thái. Nguyên nhân rụng tóc do  chứng nghiện giật tóc này thường không dễ được phát hiện vì đa số trẻ hay kéo tóc vào ban đêm. Các vùng tóc bị ảnh hưởng thường nằm ở phía tay thuận của bé.

Theo đó, các tật như tật cắn móng tay (onychophagia) hay mút ngón tay là những tật thường thấy có thể đi kèm.

Rụng tóc do tác động của hóa chất hoặc buộc quá chặt

Tóc của trẻ thường khá mỏng manh, không chắc khỏe như người lớn. Đôi khi, việc buộc tóc cho trẻ quá chặt hoặc kéo tóc quá mạnh khi chải, sử dụng quá nhiều hóa chất lên tóc hoặc dùng lược điện có thể làm tóc trẻ bị gãy rụng. Một số trẻ (nhỏ hơn 3 tuổi) xoắn tóc như một thói quen thư giãn và vô tình làm tóc gãy rụng. Hành vi này thường dừng lại khi trẻ 4 tuổi

1.2 Nguyên nhân rụng tóc ở trẻ em do một số bệnh lý

Rụng tóc do mắc bệnh Alopecia

Một số trẻ có thể bị rụng tóc vì mắc một bệnh tự miễn có tên là Alopecia. Ở dạng này, tóc rụng ở một vùng tạo thành vùng hói có dạng hình tròn, trơn nhẵn, đôi khi lông mi bị rụng, móng tay trẻ bị rỗ và giòn. Đây là căn bệnh khiến cho hệ miễn dịch tự động tấn công các nang tóc, làm giảm tốc độ mọc tóc.

Thông thường, khi hiện tượng này được giới hạn trong một vài mảng, sẽ có nhiều triển vọng hồi phục hoàn toàn. Nhưng khi tình trạng kéo dài và nặng hơn, bôi kem thậm chí chích thuốc corticoid tại chỗ có thể được sử dụng.

Rụng tóc do nấm da đầu (Tinea Capitis)

Nấm da đầu là nguyên nhân phổ biến nhất gây rụng tóc ở trẻ em. Đây là một dạng nhiễm trùng do nấm có tính truyền nhiễm, gây rụng từng mảng tóc nham nhở, trơ ra phần chân bị gãy sát da đầu và có những vẩy mày nâu xuất hiện có kèm theo bong vẩy trắng trên da đầu, thường kèm triệu chứng ngứa da đầu.

Rụng tóc do thiếu vitamin, stress

Căng thẳng do áp lực trong học tập, sinh hoạt; trẻ mới trải qua một đợt ốm; thay đổi nội tiết tố khi dậy thì; cơ thể thiếu dinh dưỡng: thiếu một số vitamin và khoáng chất cần thiết cũng là nguyên nhân gây rụng tóc ở trẻ em. Việc rụng quá nhiều tóc ở trẻ thường do thiếu hụt: Vitamin H (còn được gọi là biotin), một trong các loại vitamin B, kẽm, sắt và thiếu máu gây ra do thiếu sắt. Ngoài ra, trẻ bị rụng tóc kết hợp với các triệu chứng khác như chậm mọc răng, chậm vận động, thóp rộng mềm, trẻ sinh non,… có thể là do thiếu canxi.

Rụng tóc do mắc bệnh nội tiết

Ở trẻ em, tình trạng rụng tóc có thể là dấu hiệu cảnh báo suy tuyến yên hoặc suy giáp

Rụng tóc do tác dụng phụ của một số loại thuốc

Một trong những nguyên nhân chính là hóa trị dẫn tới rụng toàn bộ tóc hoặc một phần tóc. Một vài loại thuốc cũng gây tác dụng phụ rụng tóc tạm thời ở trẻ. Vì vậy, phụ huynh có thể hỏi ý kiến bác sĩ về tác dụng phụ của một số loại thuốc mà bé uống khi thấy bé có biểu hiện rụng tóc.

  1. Điều trị rụng tóc ở trẻ em:

Để có được những cách cha trị đúng cho căn bệnh rụng tóc ở trẻ chúng ta cần biết rõ được nguyên nhân để đưa ra hướng giải quyết phù hợp.

  • Với những nguyên nhân chủ quan như buộc tóc sai, ngủ sai tư thế thì các bậc phụ huynh khắc phục những tình trang như thế tránh lặp lại.
  • Tránh sử dụng các loại hóa chất có thành phần tẩy rửa mạnh lên tóc trẻ.
  • Nên sử dụng lược mềm làm từ lông tự nhiên hay nilon cho trẻ. Luôn giữ da đầu trẻ sạch sẽ, khô thoáng.
  • Ăn uống bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình mọc tóc của bé, như vitamin A, B, C, E, H, kẽm, sắt… trong khẩu phần ăn hàng ngày hoặc thuốc.
  • Nên tạo không gian vui chơi trò chuyện cùng bé để bé luôn có tâm trạng tốt nhất, phát triển cơ thể 1 cách toàn diện.
  • Ngoài ra, với các trường hợp bệnh do da liễu nên đến gặp bác sĩ để có thể điều trị 1 cách hiệu quả nhất. Ngoài điều trị bệnh gốc, mỗi liệu trình trị rụng tóc có thể kết hợp nhiều phương thức gồm dùng dầu gội đặc trị rụng tóc; bôi hoặc tiêm corticosteroid vào vùng rụng tóc; xịt thuốc chứa minoxidil; tiêm vi điểm; lăn kim; liệu pháp ánh sáng; tiêm huyết tương tiểu cầu, laser…

Hãy đến gặp bác sĩ nhi khoa – da liễu nếu con bạn bị rụng tóc không rõ lý do kèm theo:

  • Mệt mỏi
  • Mẩn đỏ dọc theo sống mũi
  • Sốt hay các dấu hiệu ốm khác
  • Mất lông mi và lông mày

Khoa Khám bệnh
Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố