Những điều ba mẹ cần biết về lấy máu để làm xét nghiệm cho bé

Tại bệnh viện, bác sĩ thường cần xét nghiệm để hỗ trợ cho chẩn đoán và điều trị. Việc bé bị chích lấy máu là mối quan tâm lớn của phụ huynh. Có cần lấy máu của bé không? Bé có bị đau quá không? Bé có bị lấy máu nhiều quá không? Tại sao phải lấy máu con tôi nhiều mà lấy của bé khác ít hơn? Tại sao con tôi cần phải được lấy máu nhiều lần? v.v…Đó là những băn khoăn lo lắng của bậc phụ huynh cần được giải đáp.

Trước hết, một điều chắc chắn là: tất cả bác sĩ đều từng là trẻ em nên cũng từng trải qua những nỗi sợ của bé khi bị tiêm chích, cũng như nhiều bác sĩ là bậc cha mẹ nên cũng thấu hiểu nỗi lòng của phụ huynh khi con cần phải lấy máu xét nghiệm. Do vậy, bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố luôn luôn cân nhắc có cần thiết thực hiện xét nghiệm hay không và chỉ chỉ định xét nghiệm khi thực sự cần. Có nhiều phụ huynh nghĩ rằng xét nghiệm có thể tìm ra tất cả bệnh và khi đến khám yêu cầu bác sĩ “lấy máu làm xét nghiệm” cho bé. Trong trường hợp đó, bác sĩ sẽ từ chối thực hiện khi thấy xét nghiệm không cần thiết vì vừa tốn kém vừa có thể làm cho bé sợ hãi bệnh viện.

Câu hỏi thứ hai là “Con tôi có bị lấy máu nhiều quá không? Lấy bao nhiêu là đủ? Lấy máu xét nghiệm có ảnh hưởng đến sức khỏe con tôi hay không?”. Đây cũng là nỗi băn khoăn của Ban giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố từ khi khối xét nghiệm chưa đi vào hoạt động. Bệnh viện đã chọn những loại ống đựng máu phù hợp để lấy lượng máu ít nhất của bé mà vẫn bảo đảm chất lượng xét nghiệm dù có làm tăng chi phí xét nghiệm. Các phương án bố trí các máy xét nghiệm về khu vực hợp lý nhằm có thể sử dụng chung một ống máu, giảm thiểu lượng máu cần thiết của bệnh nhi cũng đã được thực hiện. Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới, lượng máu lấy làm xét nghiệm cho bé trong điều kiện bình thường không quá 3ml/kg/24 giờ, nghĩa là đối với bé có cân nặng 10 kg không lấy quá 30ml. Như vậy lượng máu 0,5-2ml cần thiết cho xét nghiệm cho một lần đến khám bệnh là không nhiều và không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bé.

Câu hỏi thứ ba hay gặp là “Việc lấy máu có gây đau cho bé không?”. Câu trả lời là chắc chắn có, nhưng ở mỗi trẻ có ngưỡng chịu đựng khác nhau nên có bé vẫn cười sau khi chích và có bé vừa nhìn thấy kim là đã khóc. Mức độ đau mà bé cảm nhận phụ thuộc rất lớn vào sự chuẩn bị tâm lý của ba mẹ cho bé đối với việc lấy máu. Ở những phụ huynh động viên, khích lệ để bé lấy máu thì “mức đau” của bé sẽ ít hơn hoặc bằng không. Thường ba mẹ vẫn động viên con “đau như kiến cắn ấy mà, có gì đau mà sợ” thì bé vẫn bình tĩnh hơn dù bé có trả lời “con sợ kiến cắn lắm”. Có bé bản thân sợ kim chích sau khi bị chích. Có rất nhiều bé sợ kim chích do sai lầm mà người lớn thường mắc phải là dùng hình ảnh tiêm chích để dọa bé, ví dụ như dọa bé “Không nghe lời thì bác sĩ chích đó.” Chính sự tạo tâm lý sợ hãi trước như vậy làm cho bé thấy bị kim chích là ác mộng. Sự sợ hãi đó của bé góp phần rất lớn vào việc lấy máu không thành công. Do vậy, cần phải chuẩn bị tâm lý cho bé trước để giảm nỗi sợ của bé đối với việc “bị tiêm chích”. Sự chuẩn bị tâm lý trước sẽ giúp “giảm đau” cho bé.

Câu hỏi “Việc lấy máu của bé có dễ không?”. Câu trả lời là không dễ. Lý do: 1./ mạch máu ở bé nhỏ và khó thấy, 2./ bé sợ nên không hợp tác, 3./ phụ huynh lo lắng làm ảnh hưởng tâm lý của nhân viên y tế. Để được lấy máu cho bé, trước đó điều dưỡng bệnh viện phải được tập huấn rất kỹ, thực tập rất rất nhiều lần ở người lớn, thực tập ở mô hình trẻ em, lấy máu ở trẻ lớn rồi mới được lấy máu của bé nhỏ với sự giám sát chặt chẽ của những điều dưỡng có kinh nghiệm trong một thời gian nhất định. Chính sự không hợp tác, dãy dụa của bé làm việc lấy máu khó thành công hơn. Hơn nữa, sự lo lắng quá mức của phụ huynh cũng làm ảnh hưởng đến tâm lý của nhân viên y tế khi lấy máu. Trong nhiều trường hợp ba mẹ thấy sự có mặt của mình có thể ảnh hưởng đến việc lấy máu đã chủ động tránh ra ngoài để điều dưỡng thao tác. Để việc lấy máu dễ dàng hơn, rất cần sự hợp tác của bé và đặc biệt là từ phụ huynh.

Các bậc phụ huynh cũng hay thắc mắc “Tại sao con tôi có bệnh giống bé nằm giường bên nhưng lại bị lấy máu nhiều hơn và thường xuyên hơn?”. Câu trả lời là dù cùng bệnh nhưng mức độ nặng nhẹ của mỗi bé khác nhau nên bác sĩ sẽ phải cân nhắc chỉ định xét nghiệm. Ví dụ trong những bệnh cảnh nặng và đặc biệt, cùng một xét nghiệm máu có thể phải được làm đi làm lại vài lần trong một ngày để theo dõi diễn tiến bệnh lý hỗ trợ cho việc chẩn đoán và điều trị. Đối với bệnh nhân ngoại trú, như bệnh sốt xuất huyết có thể bé phải đến bệnh viện mỗi ngày để làm xét nghiệm theo dõi để điều trị kịp thời khi bệnh diễn tiến nặng. Ngược lại cũng có nhiều trường hợp ba mẹ lo lắng yêu cầu làm xét nghiệm nhưng bác sĩ vẫn từ chối do không cần thiết. Trong mọi trường hợp, số lượng máu lấy và lần lấy máu để xét nghiệm luôn được bác sĩ cân nhắc trước khi chỉ định để đem lại kết quả điều trị tốt nhất cho bé.

Và một thắc mắc khác là “Liệu con tôi có bị chích đau hơn nếu tôi không “biết điều” như thông tin gần đây trên mạng lan truyền hay không?”. Câu trả lời khẳng định là không. Như đã đề cập ở trên, có chích là có đau, chỉ là ngưỡng đau của mỗi bệnh nhân khác nhau và kỹ năng của điều dưỡng ảnh hưởng như thế nào thôi. Lấy được máu của bệnh nhi mà bé không khóc là niềm vui, là sự thành công lớn của các điều dưỡng có nhiệm vụ lấy máu bệnh nhi. Và trên hết, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố luôn phấn đấu để tạo điều kiện tốt, thuận lợi giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế hiện đại, do vậy, mọi hành vi nhũng nhiễu đều bị nghiêm cấm và không xảy ra tại bệnh viện.

Với mong muốn Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố là điểm đến tin yêu của các bậc cha mẹ khi cần cũng như luôn xinh xắn và đáng yêu như trường mầm non đối với các thiên thần bé nhỏ, việc làm giảm nỗi sợ kim chích – sợ bệnh viện – sợ áo blue trắng luôn là một trong những tiêu chí hàng đầu mà mỗi thành viên của Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố luôn tâm niệm. Bệnh viện luôn cố gắng để làm giảm nỗi sợ kim chích của bé. Trong đó, sự hỗ trợ của các bậc phụ huynh, sự động viên chuẩn bị tâm lý cho bé trước khi “bị chích” là “liều thuốc giảm đau” quan trọng nhất.

THS BS VÕ MINH HIỂN
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ