Một số vấn đề trong dinh dưỡng tiêu hóa cho trẻ sanh non

Trẻ sanh non là trẻ được sanh sớm trước 37 tuần tuổi thai. Trẻ càng sanh sớm độ trưởng thành các cơ quan càng kém, trẻ chưa sẵn sàng cho cuộc sống bên ngoài tử cung dẫn đến nguy cơ tử vong cao và đối diện với rất nhiều khó khăn trong việc dinh dưỡng phát triển.

Việc dinh dưỡng cho trẻ sanh non trong giai đoạn đầu đời không chỉ có ý nghĩa là thúc đẩy trẻ tăng cân kịp đà phát triển như trong tử cung mà còn tác động đến kết quả phát triển tâm thần vận động về lâu dài.

Tuy nhiên việc dinh dưỡng cho trẻ sanh non gặp rất nhiều khó khăn thách thức, đa phần trẻ không đạt đà tăng trưởng như trong tử cung.

Ngay sau sanh, trẻ sanh non có nguy cơ cao đối diện các vấn đề về hô hấp, tim mạch, nhiễm trùng; các tình trạng bệnh lý nặng này có thể cản trở việc bắt đầu hoặc duy trì việc dinh dưỡng qua đường tiêu hóa cho trẻ. Trẻ có thể chỉ được duy trì dinh dưỡng với lượng sữa tối thiểu hoặc nhịn trong những ngày đầu tiên và được bổ sung qua dịch truyền đường tĩnh mạch đến khi tình trạng trẻ ổn định. Trong trường hợp trẻ phải trì hoãn dinh dưỡng qua tiêu hóa, mẹ vẫn nên bắt đầu ngay việc vắt sữa thường xuyên để duy trì sẵn sàng lượng sữa mẹ quan trọng và cần thiết cho trẻ.

Đối với các trẻ sanh sớm trước 34 tuần, phản xạ bú nuốt của trẻ chưa có hoặc chưa hoàn chỉnh hoặc chưa phối hợp tốt hoặc do ảnh hưởng của tình trạng bệnh lý nên trẻ cần được đánh giá kỹ lưỡng để quyết định cách thức dinh dưỡng bằng tự bú nuốt hoặc đút muỗng hoặc nuôi qua thông dạ dày.

Sữa được khuyến cáo dành cho trẻ sanh non vẫn là sữa mẹ. Nghiên cứu đã chứng minh rõ sữa mẹ giúp giảm tử vong, viêm ruột hoại tử, nhiễm khuẩn ở nhóm trẻ sanh non. Tuy nhiên với một số nhóm trẻ đặc biệt như trẻ rất non (< 32 tuần) hoặc cực non tháng (<28 tuần), sữa mẹ là tốt nhưng có thể chưa đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết của trẻ nên việc dinh dưỡng cho nhóm trẻ này cần được bác sĩ chuyên khoa xem xét để bổ sung thêm một số thành phần như đạm, năng lượng, vi chất … Sữa mẹ trong giai đoạn đầu đời nhưng rất quan trọng cho trẻ sanh non vì dễ dung nạp và giảm nguy cơ viêm ruột nên dù ít vẫn tốt hơn nhiều là không sử dụng. Khi trẻ cần đút muỗng hoặc ăn qua thông, sữa mẹ cần được vắt ra và trữ đúng cách. Sữa mẹ giữa các bà mẹ có con nhóm tuổi thai khác nhau có thành phần thay đổi không giống nhau và sữa mẹ có thể là đường lây nhiễm nên cần thận trọng khi sử dụng nguồn sữa không rõ ràng. Trong trường hợp không có sữa mẹ, trẻ mới được chỉ định sử dụng sữa công thức dành riêng cho nhóm trẻ này. Và lưu ý loại sữa công thức dành cho trẻ non tháng không nên sử dụng cho trẻ đủ tháng hoặc trẻ > 3 kg vì hàm lượng đạm, vitamin và khoáng chất cao.

Trẻ cần được đánh giá không chỉ cân nặng mà còn các chỉ số khác như chiều dài, vòng đầu ít nhất mỗi tuần bằng biểu đồ Fenton để theo dõi tình trạng dinh dưỡng cho trẻ.

Trẻ sanh non gặp rất nhiều nguy cơ sau sanh, dễ tử vong, nhiều bệnh tật và khó khăn trong dinh dưỡng nên gia đình cần nắm các kiến thức cần thiết trong chăm sóc, theo dõi trẻ sanh non đúng cách. Dinh dưỡng trẻ sanh non đóng vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng sống còn của trẻ cần được sự quan tâm đúng mức cùng với sự tư vấn chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa.

BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ