Một số đường đưa thuốc thường dùng cho trẻ em

Cơ thể của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nhiều sự khác biệt về sinh lý và bệnh lý so với người lớn. Bên cạnh đó các quá trình dược động của thuốc diễn ra trong cơ thể trẻ cũng không giống. Vì vậy, để đạt được hiệu quả điều trị, việc lựa chọn đường đưa thuốc phù hợp cho trẻ rất quan trọng. Bài viết dưới đây nhằm giới thiệu sơ nét đến các bậc cha mẹ một số đường đưa thuốc phổ biến thường dùng cho đối tượng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

ĐƯỜNG UỐNG

Đây là đường dùng phổ biến nhất, dễ thực hiện nhất cho trẻ. Tuy nhiên với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, việc dùng các dạng thuốc viên thường gặp nhiều khó khăn, nên bác sĩ thường hay chỉ định các dạng thuốc lỏng (siro, dung dịch, thuốc bột hay cốm pha thành hỗn dịch uống…). Nhược điểm của thuốc dạng uống cho trẻ em là rất khó phân liều chính xác theo lứa tuổi. Hầu hết các chế phẩm đều là dạng phân liều cho người lớn, và phải bẻ, cắt hoặc nghiền nhỏ rồi phân thành 1/2, 1/3, 1/4 viên, gói… khi dùng cho trẻ nhỏ. Các bậc cha mẹ cần lưu ý, đọc kĩ thông tin kê toa của bác sĩ trước khi sử dụng. Dưới đây là một số hướng dẫn chung khi các bậc cha mẹ cho trẻ uống thuốc:

  • Với các dạng thuốc viên: trẻ cần được nuốt trọn viên thuốc với một ít nước đun sôi để nguội. Chỉ bẻ, cắt, nghiền nhỏ viên thuốc nếu toa thuốc của bác sĩ yêu cầu. Không nên cho trẻ nhai thuốc nếu trên bao bì thuốc không có dòng chữ “có thể nhai được” (chewable).
  •   Với một số dạng thuốc bột/cốm được pha thành dung dịch/hỗn dịch chứa trong gói/lọ, bạn cần đọc kĩ hướng dẫn cách pha thuốc. Bạn có thể sử dụng muỗng hoặc xilanh đi kèm với lọ thuốc để cho trẻ uống thuốc. Nếu trẻ uống một lần không hết, thuốc còn lại cần được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Những lần sử dụng sau, cần lắc đều lọ thuốc trước khi cho trẻ uống.
  • Một số thuốc có thể được uống chung với sữa, nước trái cây hoặc thức ăn. Một số khác sẽ có tác dụng tốt nhất nếu được uống vào lúc bụng đói. Những thông tin này đều được ghi rõ trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. Nếu bạn không chắc về những loại thức ăn, thức uống có thể dùng chung với thuốc, hãy hỏi thăm ý kiến của bác sĩ, dược sĩ.

ĐẶT TRỰC TRÀNG

Đây là đường dùng thuốc thuận lợi cho trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, nhất là trong những trường hợp sốt cao, ốm nặng (trẻ bỏ ăn, quấy khóc), bé sợ phải uống thuốc… Phổ biến nhất là các dạng thuốc đạn hạ sốt giảm đau (Efferalgan 80mg, 150mg…).  Thuốc đặt hậu môn cần được bảo quản ở nhiệt độ dưới 30oC để đảm bảo độ cứng trước khi đưa vào hậu môn. Nếu trong trường hợp thuốc không đủ độ cứng, có thể cho vào tủ lạnh ít phút trước khi thao tác. Khi đặt thuốc, cần cho bé nằm nghiêng, co hai chân, dùng tay sạch nhét viên thuốc vào sâu trong hậu môn, ngập hết chiều dài của viên thuốc và để trẻ nằm yên một thời gian.

Tuy là dạng dùng thuốc thuận lợi cho trẻ, các bậc cha mẹ cũng không nên cho trẻ sử dụng thuốc đặt hậu môn trong trường hợp bị táo bón, tiêu chảy, hoặc hậu môn bị tổn thương (viêm hậu môn, chảy máu trực tràng…) vì khi đó sự hấp thu thuốc cũng như tác dụng điều trị của thuốc bị giảm.

 ĐƯỜNG HÔ HẤP QUA DẠNG KHÍ DUNG

Đây là đường đưa thuốc vào cơ thể dưới dạng những hạt sương nhỏ li ti. Các hạt này sẽ theo hơi thở vào các hốc mũi xoang, hít thẳng vào phế quản phổi và tác dụng tại đây. Trong khi thuốc được đưa qua đường uống, hậu môn hoặc tiêm cần một khoảng thời gian mới được hấp thu hết, thuốc qua đường phun khí dung sẽ có tác dụng rất nhanh, trong vòng 5 phút sau khi phun và rất hữu ích trong các trường hợp cấp cứu. Ngoài ra, đường khí dung còn có ưu điểm hạn chế tác dụng phụ toàn thân thường có khi uống hoặc tiêm, đặc biệt là các thuốc nhóm corticoid. Tuy nhiên, những tác dụng phụ tại chỗ khi phun khí dung như ho, nhiễm nấm vùng họng, kích thích niêm mạc họng…. Để hạn chế những tác dụng phụ này, cha mẹ nên cho trẻ súc miệng sau khi sử dụng thuốc.

Một trong những khó khăn khi dùng dạng thuốc này cho trẻ em là chọn dụng cụ thích hợp. Việc phối hợp động thở khi xịt thuốc không thể làm được ở trẻ nhỏ (dưới 8 tuổi), những trường hợp này nên dùng buồng phun. Sử dụng dạng phun mù luôn cần có người giúp đỡ trẻ, không nên để trẻ làm.

 ĐƯỜNG TIÊM

Đường tiêm (chủ yếu là tiêm tĩnh mạch) chỉ được ưu tiên cho trường hợp nặng, cấp tính và những trường hợp bé không thể uống được (như hôn mê, tắc ruột, nôn, trẻ không chịu uống thuốc…). Đường dùng này có ưu điểm là dễ phân liều chính xác, hiệu quả của thuốc được đảm bảo. Nhược điểm là giá thành cao, đau do tiêm làm cho trẻ sợ…Các bậc cha mẹ cũng lưu ý trẻ chỉ nên được tiêm truyền bởi nhân viên y tế ở các cơ sở chăm sóc sức khỏe.

KHOA DƯỢC
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ