Mát-xa cho trẻ sơ sinh: Lợi ích và cách thực hiện

Mát-xa là phương pháp xoa bóp nhằm tăng cường sức khỏe và tạo cảm giác thư giãn, thoải mái. Đối với trẻ em, mát-xa ra quan trọng, cần được thực hiện sớm từ khi trẻ mới lọt lòng. Vì đây là thời điểm trẻ chuyển từ trong tử cung ấm áp của mẹ sang môi trường độc lập bên ngoài cơ thể mẹ. Mát-xa thực sự hiệu quả đối với trẻ sanh non – nhẹ cân, đặc biệt khi trẻ được chăm sóc bằng phương pháp Kangaroo, giúp thúc đẩy sự phát triển của trẻ, tăng cường tình cảm gắn bó yêu thương mẹ – con và giúp trẻ nhanh chóng hoàn thiện các phản xạ bình thường.

LỢI ÍCH CỦA MÁT-XA:
Thể chất:

  • Cải thiện hô hấp, tuần hoàn, giúp máu lưu thông tốt, lỗ chân lông thông thoáng, làm da trẻ mịn màng.
  • Giảm nguy cơ mắc các bệnh hô hấp như ho, cảm lạnh và viêm nhiễm.
  • Giúp trẻ tiêu hóa tốt, ít táo bón.
  • Thúc đẩy hoàn thiện hệ thống miễn dịch giúp trẻ phòng chống bệnh tật.
  • Làm cho cơ săn chắc, hệ thống xương khớp dẻo dai.
  • Giúp tăng cân và chiều dài tốt hơn

Tinh thần:

  • Trẻ được mát-xa sẽ thấy dễ chịu, ít khóc, ngủ ngon và sâu hơn.
  • Kích thích làm trẻ nhanh nhẹn, thích nói chuyện và vui vẻ với mọi người.
  • Giúp giảm các cơn đau, giảm lo lắng, sợ hãi, giúp mau phục hồi sức khỏe.

Tình cảm:

  • Trong khi mát-xa, các rung động vuốt ve từ bàn tay, ánh nhìn âu yếm cùng với giọng nói và nụ cười hạnh phúc của bố mẹ sẽ tang tình cảm yêu thương, nâng đỡ bảo vệ con vượt qua những khó khăn đầu tiên trong cuộc đời,
  • Tác dụng mát-xa ngay từ giai đoạn đầu đời giúp trẻ khi lớn lên sẽ có bản lĩnh hơn, dễ dàng vượt qua được những thử thách về tâm lý và tình cảm.

CÁC ĐỘNG TÁC MÁT-XA: Mỗi động tác lặp lại 6 lần trong khoảng thời gian 1 phút (10 giây cho 1 động tác)

Để trẻ trong tư thế nằm sấp và bắt đầu mát-xa:

  • Đầu – cổ: dùng lòng bàn tay vuốt từ trán về phía sau gáy xuống cổ, rồi ngược lên trán.
  • Vai: dùng đồng thời cả 2 tay , chéo 2 bàn tay ở cổ và đi xuống 2 vai rồi dọc xuống khuỷu tay.
  • Lưng: dùng mặt long các ngón tay cả 2 tay vuốt cùng lúc dọc 2 bên cột sống từ cổ xuống thắt lưng và quay ngược về phía cổ.
  • Chân: dùng các ngón tay của 1 bàn tay, vuốt mặt sau chân từ mông xuống cổ chân và ngược lại
  • Tay: dùng các ngón tay của cả 2 tay vuốt từ giữa 2 bả vai xuống cổ tay và ngược lại.

Đặt trẻ nằm ngửa lại, làm động tác thư giãn chân tay:

  • Ngực: dùng 2 lòng bàn tay, vuốt từ giữa ngực sang 2 bên, dọc theo xương ức, sau đó vòng xuống tạo hình trái tim. 
  • Bụng: dùng mặt long các ngón tay, vừa ấn nhẹ vừa xoa theo chiều kim đồng hồ, từ góc dưới bụng bên phải, lên trên góc trên bên phải, vòng theo dưới xương sườn qua góc trên bên trái, đi xuống góc dưới bên trái
  • Tay: giữ cổ tay trẻ, nhẹ nhàng dang 2 tay trẻ ra, rồi gập khuỷu tay lại sao cho bàn tay vừa chạm cổ.
  • Bàn tay: một tay giữ cổ tay trẻ, một tay mở lòng bàn tay trẻ ra, nhẹ nhàng vuốt và day nhẹ các khớp từ bàn tay ra các ngón tay trẻ.
  • Chân: nắm cổ chân trẻ, nhẹ nhàng kéo duỗi ra, rồi gập gối lại về phía bụng
  • Bàn chân: một tay giữ cổ chân trẻ, một tay mở lòng bàn chân trẻ ra, nhẹ nhàng vuốt và day nhẹ các khớp từ bàn chân ra các ngón chân trẻ.

Lưu ý khi mát-xa:

  • Khi thực hiện mát-xa, người mẹ cần thể hiện tình cảm âu yếm (hát, nói chuyện, ru nựng con, tạo sự tương tác, nương theo phản ứng của con)
  • Mỗi lần mát-xa không nên kéo dài quá 10 phút, vì trẻ có nguy cơ hạ thân nhiệt. Luôn giữ ấm cho trẻ khi mát-xa, chỉ bộc lộ từng phần cần mát-xa.
  • Khi mới bắt đầu, mát-xa từ từ nhẹ nhàng, khi trẻ quen có thể mạnh dần và kéo dài hơn.
  • Theo dõi biểu hiện của trẻ, xem động tác nào trẻ thích hoặc không thích. Nếu trẻ khóc ít, dỗ nín trước khi mát-xa. Nếu trẻ khóc nhiều, khóc lớn thì không mát-xa cho trẻ nữa.
  • Dùng loại kem, dầu dành cho trẻ em để bảo vệ làn da mõng manh và mềm mại của trẻ, làm cho trẻ cảm thấy dễ chịu hơn và giúp cho việc mát-xa thuận lợi và hiệu quả hơn.

Thời điểm tốt nhất để mát-xa:

  • Trẻ tỉnh táo, sẵn sàng tiếp nhận, không đói bụng và không cáu kỉnh
  • Người làm mát-xa phải thư giãn và thoải mái

Không nên mát-xa khi:

  • Trong vòng 1 tiếng sau ăn
  • Trẻ đang ngủ
  • Trẻ không khỏe hoặc bị bệnh
  • Trẻ không muốn

BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ