Khuyến cáo: Triển khai quy trình “báo động đỏ nội viện” và “báo động đỏ liên viện” nhằm tăng khả năng cứu sống người bệnh trong tình trạng nguy kịch

KHUYẾN CÁO TRIỂN KHAI QUY TRÌNH “BÁO ĐỘNG ĐỎ NỘI VIỆN” VÀ “BÁO ĐỘNG ĐỎ LIÊN VIỆN” NHẰM TĂNG KHẢ NĂNG CỨU SỐNG NGƯỜI BỆNH TRONG TÌNH TRẠNG NGUY KỊCH
(Ban hành kèm theo công văn số 9850/SYT-NVY ngày 06  tháng 10 năm 2016 của Sở Y tế)

  1. Nâng cao năng lực cấp cứu và hồi sức của bệnh viện, triển khai quy trình nhằm huy động sự phối hợp khẩn cấp cùng lúc nhiều chuyên khoa trong bệnh viện – báo động đỏ nội viện, và quy trình phối hợp, hỗ trợ khẩn cấp giữa các bệnh viện với nhau – báo động đỏ liên viện, là trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện trong nỗ lực cứu sống người bệnh trong tình trạng nguy kịch. Phòng Kế hoạch Tổng hợp (KHTH) và ban An toàn người bệnh chịu trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo bệnh viện xây dựng và triển khai hiệu quả quy trình báo động đỏ nội viện và liên viện.
  2. Xây dựng và ban hành quy trình báo động đỏ nội viện có tính khả thi, căn cứ vào mô hình bệnh tật, năng lực chuyên môn kỹ thuật và điều kiện thực tế của từng bệnh viện. Nội dung của quy trình cần nêu rõ công việc và thời gian thực hiện trong từng bước cụ thể, phân định rõ trách nhiệm và nhiệm vụ của từng chuyên khoa, từng cá nhân, phân quyền cho bác sĩ trưởng kíp trực cấp cứu nơi tiếp nhận người bệnh ban đầu được quyền kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện. Quy trình báo động đỏ nội viện phải phổ biến và tập huấn cho tất cả khoa, phòng trong toàn bệnh viện.
  3. Xác định và phổ biến trong toàn bệnh viện tiêu chuẩn cụ thể của các tình huống được gọi là nguy kịch cần kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện và liên viện phù hợp với từng chuyên khoa, tránh lạm dụng gây tốn kém thời gian và chi phí khi thật sự chưa cần thiết. Những tình huống cần ưu tiên vận dụng quy trình báo động đỏ bao gồm: (1) đa chấn thương do tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông,… cần can thiệp hồi sức tích cực và phẫu thuật khẩn cấp của nhiều chuyên khoa; (2) tai biến sản khoa nặng cần can thiệp hồi sức tích cực và phẫu thuật; (3) phát hiện thêm bệnh lý chuyên khoa trong tình trạng nguy kịch ngoài khả năng chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện.
  4. Sẵn sàng kích hoạt báo động đỏ nội viện từ xa, khi bệnh viện nhận được thông tin về tình trạng người bệnh nguy kịch cần được can thiệp điều trị khẩn cấp từ các bác sĩ đi hội chẩn tại bệnh viện tuyến trước hoặc đi sơ cấp cứu người bệnh tại hiện trường hoặc từ bệnh viện tuyến trước thông báo có người bệnh trong tình trạng nguy kịch đang được chuyển viện khẩn cấp. Người được phân công điều phối quy trình báo động đỏ kịp thời thông tin đến các khoa, phòng có liên quan chuẩn bị sẵn sàng khi người bệnh được chuyển về bệnh viện và quy trình báo động đỏ chính thức được kích hoạt.
  5. Xây dựng và triển khai quy trình báo động đỏ liên viện phù hợp với đặc điểm tình hình bệnh viện và dựa trên hướng dẫn của Sở Y tế. Chủ động liên hệ bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của thành phố để bổ sung và hoàn thiện quy trình báo động đỏ liên viện, ưu tiên cho quy trình báo động đỏ liên viện trong tình huống cần can thiệp phẫu thuật khẩn cấp trong cấp cứu sản khoa và đa chấn thương. Chỉ kích hoạt báo động đỏ liên viện khi báo động đỏ nội viện đã được kích hoạt. Đối với các bệnh viện chưa đủ điều kiện thực hiện báo động đỏ nội viện, thực hiện đồng thời vừa sơ cấp cứu, vừa chuyển viện, vừa thông báo khẩn cấp tình trạng người bệnh đến bệnh viện sẽ chuyển đến.
  6. Thống nhất những việc cần làm khi kích hoạt báo động đỏ liên viện cho tất cả những người được phân công. Kích hoạt và điều phối quy trình báo động đỏ liên viện là trách nhiệm của bác sĩ phòng KHTH trong giờ hành chính hoặc người trực lãnh đạo bệnh viện trong giờ trực, thông qua các số điện thoại của phòng KHTH, đường dây nóng hoặc số điện thoại của trực lãnh đạo bệnh viện. Khi kích hoạt báo động đỏ liên viện, cần thông tin rõ “Bệnh viện X báo động đỏ cần sự trợ giúp khẩn cấp của bệnh viện Y; chẩn đoán/tình trạng người bệnh…; tên tuổi, giới tính người bệnh…”.
  7. Phân công bác sĩ thông báo kịp thời cho thân nhân người bệnh diễn biến bất thường và tiên lượng xấu nếu phải chuyển viện ngay và sẽ được bệnh viện tuyến trên đến hỗ trợ can thiệp tại chỗ, tư vấn về những tình huống có thể xảy ra như cần can thiệp phẫu thuật, truyền máu,… Nếu người bệnh có chỉ định phẫu thuật khẩn cấp, phải tư vấn giải thích để thân nhân đồng ý ký giấy cam kết theo quy định, vừa hồi sức vừa khẩn trương chuyển người bệnh đến phòng mổ, đồng thời cử người tiếp đón để hướng dẫn đội cấp cứu liên viện tiếp cận ngay phòng mổ.
  8. Nắm bắt ngay những thông tin cần thiết khi nhận được tín hiệu báo động đỏ liên viện từ bệnh viện cần sự trợ giúp là trách nhiệm của người điều phối, bao gồm chẩn đoán, tình trạng, nhóm máu và số lượng máu mất của người bệnh, số lượng máu sẵn có tại bệnh viện cần hỗ trợ, khả năng thực hiện gây mê – hồi sức, số điện thoại liên lạc của bác sĩ đang trực tiếp điều trị người bệnh. Các thông tin này phải được ghi chép và chuyển ngay đến bác sĩ sẽ trực tiếp đi hỗ trợ cấp cứu liên viện.
  9. Căn cứ vào những thông tin nhận được, người điều phối phải khẩn trương điều động đội cấp cứu đi hỗ trợ, bao gồm: nhân sự phù hợp như phẫu thuật viên, bác sĩ gây mê, bác sĩ hồi sức,…; dụng cụ hồi sức cấp cứu chuyên khoa, dụng cụ phẫu thuật đặc thù; thuốc cấp cứu chuyên khoa, kể cả máu và chế phẩm của máu (nếu cần); xe cấp cứu. Đảm bảo đội đi hỗ trợ cấp cứu xuất phát trong thời gian ngắn nhất có thể, trường hợp xe cấp cứu của bệnh viện chưa sẵn sàng, chủ động liên hệ với Trung tâm cấp cứu 115 để được hỗ trợ xe. Tổ chức diễn tập tình huống điều động khi có tín hiệu báo động đỏ liên viện nhằm đạt mục tiêu: đội cấp cứu đi hỗ trợ chuẩn bị đầy đủ theo yêu cầu và xuất phát trong thời gian ngắn nhất.
  10. Tiếp tục liên lạc với bác sĩ tuyến dưới đang trực tiếp cấp cứu người bệnh trong khi di chuyển đến bệnh viện cần hỗ trợ là trách nhiệm của bác sĩ đội cấp cứu liên viện để nắm bắt thêm thông tin về chẩn đoán, biện pháp xử trí, hướng dẫn chuẩn bị và chuyển người bệnh đến ngay phòng mổ để thuận lợi cho công tác cấp cứu tiếp theo nếu cần phải can thiệp phẫu thuật. Khi đến bệnh viện, bác sĩ của đội cấp cứu liên viện cần trao đổi nhanh lại với bác sĩ tại chỗ để xác nhận, thống nhất về chẩn đoán và biện pháp can thiệp.
  11. Lập kế hoạch chi tiết cho các bước điều trị và theo dõi tiếp theo sau khi cấp cứu người bệnh qua cơn nguy kịch là trách nhiệm của bác sĩ bệnh viện tuyến trên và bác sĩ điều trị của bệnh viện tuyến dưới. Nếu người bệnh tiếp tục được điều trị ở bệnh viện tuyến dưới, đội cấp cứu liên viện phải báo cáo lại phòng KHTH hoặc người trực lãnh đạo của bệnh viện mình để có kế hoạch tiếp tục theo dõi và hỗ trợ điều trị tiếp theo.
  12. Đảm bảo tuân thủ các quy chế chuyên môn của Bộ Y tế trong quá trình thực hiện báo động đỏ: tổ chức hội chẩn nhanh trước khi quyết định phẫu thuật, ghi chép đầy đủ diễn biến của người bệnh và các y lệnh vào hồ sơ bệnh án; phải lấy cam kết và đồng thuận của thân nhân trước khi thực hiện can thiệp xâm lấn hoặc khi có thay đổi hoặc bổ sung phương pháp điều trị trong quá trình phẫu thuật trên người bệnh. Trường hợp chưa có thân nhân, lãnh đạo bệnh viện sẽ quyết định can thiệp điều trị theo quy định.
  13. Thành lập ngân hàng máu hoặc đơn vị truyền máu đảm bảo luôn dự trữ cơ số máu và chế phẩm của máu cần thiết sẵn sàng cung ứng kịp thời cho người bệnh khi có chỉ định, nhất là các bệnh viện có can thiệp phẫu thuật hoặc có khoa sản. Khi người bệnh nguy kịch cần loại máu không sẵn có tại bệnh viện, khởi phát báo động đỏ liên viện đến bệnh viện Truyền máu – Huyết học để được hỗ trợ khẩn cấp. Trường hợp người bệnh thuộc nhóm máu hiếm, bệnh viện Truyền máu – Huyết học không sẵn có loại máu phù hợp, bác sĩ điều trị cần hội chẩn với bác sĩ phụ trách ngân hàng máu để chọn loại máu sẵn có phù hợp nhất theo quy định.
  14. Tập huấn thường xuyên các tiêu chuẩn và quy trình báo động đỏ nội viện và liên viện cho toàn thể nhân viên tại các khoa nhất là các khoa cấp cứu, hồi sức tích cực chống độc, khoa chẩn đoán hình ảnh, các khoa thuộc khối ngoại – sản, phẫu thuật gây mê hồi sức, ngân hàng máu. Tổ chức rút kinh nghiệm sau mỗi lần xảy ra các trường hợp báo động đỏ. Bệnh viện có kế hoạch diễn tập hàng năm quy trình báo động đỏ nội viện, chủ động đề xuất với bệnh viện chuyên khoa và bệnh viện tuyến trên tổ chức diễn tập quy trình báo động đỏ liên viện nhằm đảm bảo phối hợp nhuần nhuyễn khi xảy ra các tình huống thực tế.
  15. Củng cố hoạt động tổ cấp cứu ngoại viện sẵn sàng tham gia sơ cấp cứu khi có yêu cầu, khuyến khích các bệnh viện đăng ký tham gia làm điểm cấp cứu 115 vệ tinh thuộc mạng lưới cấp cứu ngoại viện của thành phố. Khuyến khích các bệnh viện tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong triển khai quy trình báo động đỏ nội viện và liên viện. Chủ động liên lạc với Sở Y tế để được hỗ trợ kịp thời khi gặp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai quy trình báo động đỏ liên viện.

Tải về
BAN AN TOÀN NGƯỜI BỆNH – HỘI ĐỒNG QLCL KCB SỞ Y TẾ