Khuyến cáo: Triển khai hiệu quả hoạt động dược lâm sàng tại các bệnh viện

KHUYẾN CÁO TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG DƯỢC LÂM SÀNG TẠI CÁC BỆNH VIỆN

  1. Triển khai hoạt động dược lâm sàng theo quy định và đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động khám, chữa bệnh của bệnh viện là trách nhiệm của Giám đốc bệnh viện. Phân công một thành viên trong Ban Giám đốc chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ các hoạt động dược lâm sàng, chỉ đạo khoa Dược phối hợp phòng Kế hoạch tổng hợp (KHTH) và các khoa, phòng có liên quan xây dựng kế hoạch ngắn hạn và dài hạn triển khai hoạt động dược lâm sàng theo quy định của Luật Dược số 105/2016/QH13, định kỳ có sơ kết đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm.
  2. Thành lập đơn vị/tổ Dược lâm sàng trực thuộc khoa Dược của bệnh viện, trưởng khoa Dược phân công dược sĩ đại học chuyên trách hoạt động dược lâm sàng. Ban hành quy chế phối hợp giữa khoa Dược, phòng KHTH, các khoa lâm sàng và cận lâm sàng có liên quan nhằm đảm bảo sự phối hợp đồng bộ và triển khai có hiệu quả các hoạt động dược lâm sàng theo quy định.
  3. Căn cứ vào kế hoạch ngắn hạn và dài hạn triển khai hoạt động dược lâm sàng, rà soát và xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo bổ sung nguồn nhân lực cho hoạt động dược lâm sàng. Dược sĩ và nhân viên y tế tham gia công tác dược lâm sàng phải được đào tạo chính quy hoặc ít nhất phải có chứng chỉ hoặc chứng nhận đào tạo liên tục về dược lâm sàng, có chứng chỉ hành nghề dược lâm sàng theo quy định. Khuyến khích dược sĩ phụ trách dược lâm sàng có trình độ sau đại học chuyên ngành dược lâm sàng.
  4. Phối hợp với phòng KHTH, phòng Điều dưỡng và phòng/tổ Quản lý chất lượng, triển khai hiệu quả hệ thống thu thập sự cố y khoa liên quan đến chỉ định và sử dụng thuốc, trong đó hoạt động thu thập và báo cáo sự cố liên quan đến phản ứng có hại của thuốc (ADR) đảm bảo được thực hiện nghiêm túc đúng theo quy định, tiến hành điều tra kịp thời các nguyên nhân, có biện pháp khắc phục và phòng ngừa hiệu quả.
  5. Xây dựng và cập nhật tài liệu hướng dẫn sử dụng thuốc phù hợp với danh mục thuốc nội trú và ngoại trú của bệnh viện, bao gồm ít nhất các nội dung sau: hướng dẫn sử dụng kháng sinh, hướng dẫn cách pha và bảo quản các thuốc tiêm truyền, cảnh báo chống nhầm lẫn các thuốc có tên gọi và bao bì giống nhau. Khuyến khích triển khai các phần mềm cảnh báo: chỉ định thuốc theo cơ địa và bệnh lý sẵn có, tương tác thuốc, phản ứng có hại của thuốc.
  6. Tăng cường thông tin thuốc và đa dạng hoá hình thức thông tin thuốc cho nhân viên y tế tại các khoa lâm sàng và người bệnh như: tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại, qua thư điện tử, qua trang thông tin điện tử,…Phân công nhân viên phụ trách hướng dẫn sử dụng thuốc cho người bệnh ngoại trú tại khu vực khoa Khám bệnh của bệnh viện. Khuyến khích định kỳ hàng tháng hoặc hàng quí ban hành bản tin dược lâm sàng đến các khoa điều trị trong bệnh viện.
  7. Triển khai hoạt động bình bệnh án và bình đơn thuốc do phòng KHTH tổ chức với sự tham gia của dược sĩ lâm sàng, phản hồi kịp thời các sai sót đến bác sĩ trực tiếp kê đơn, đồng thời phổ biến và rút kinh nghiệm trong toàn bệnh viện. Nội dung bình bệnh án và bình đơn thuốc cần tập trung vào các vấn đề: chỉ định thuốc phù hợp chẩn đoán và tuân thủ phác đồ điều trị, sai sót trong kê đơn theo quy định, cảnh báo phản ứng có hại của thuốc được chỉ định hoặc kê đơn, chi phí đơn thuốc hợp lý.
  8. Bổ sung thành phần dược sĩ lâm sàng tham dự hội chẩn các trường hợp bệnh lý phức tạp, không đáp ứng điều trị và cho ý kiến về chọn lựa thuốc, phối hợp thuốc, chọn lựa thuốc thay thế, pha chế dung dịch nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch,… Khuyến khích triển khai việc theo dõi nồng độ trị liệu trong máu đối với các thuốc có khoảng trị liệu hẹp như vancomycin, aminoglycosides, digoxin, theophylline…. tại các bệnh viện đủ điều kiện nhằm tối ưu hóa hiệu quả điều trị
  9. Chọn các khoa bệnh nặng hoặc các khoa có người bệnh thường được chỉ định sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc để ưu tiên triển khai các hoạt động của dược sĩ lâm sàng trực tiếp ngay tại khoa lâm sàng như: tham dự các buổi giao ban chuyên môn hàng ngày của khoa và đi buồng bệnh cùng với bác sĩ điều trị để trao đổi và tư vấn trực tiếp cho bác sĩ điều trị trong chỉ định thuốc hợp lý cho người bệnh.
  10. Chọn các vấn đề ưu tiên liên quan đến dược lâm sàng, ngoài phác đồ điều trị, làm chủ đề ưu tiên cho hoạt động đào tạo liên tục và sinh hoạt khoa học kỹ thuật của bệnh viện. Phối hợp với phòng KHTH và các khoa, phòng có liên quan thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học chuyên đề về sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả theo yêu cầu của Hội đồng thuốc và điều trị xuất phát từ thực tiễn về tình hình sử dụng thuốc của bệnh viện.
  11. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thông tin thuốc, quản lý sử dụng thuốc, xây dựng các phần mềm cảnh báo, phần mềm giám sát kê đơn và chỉ định thuốc theo phác đồ điều trị. Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện theo lộ trình về số hóa hồ sơ bệnh án, tiến tới bệnh án điện tử có tích hợp công cụ giám sát, phản hồi, tương tác giữa dược sĩ lâm sàng với bác sĩ điều trị về chỉ định thuốc hợp lý trên hồ sơ bệnh án điện tử cụ thể của người bệnh.
  12. Tổ chức giao ban định kỳ chuyên đề về hoạt động dược lâm sàng nhằm lượng giá hiệu quả các hoạt động đã triển khai, chủ động nắm bắt những vướng mắc để có giải pháp phù hợp đáp ứng yêu cầu về hiệu quả điều trị, chi phí điều trị hợp lý và hạn chế tối đa các tai biến điều trị do sử dụng thuốc. Tăng cường học tập, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau giữa các bệnh viện về triển khai hoạt động dược lâm sàng.

Tải về
BAN PHÁC ĐỒ ĐIỀU TRỊ – BAN AN TOÀN NGƯỜI BỆNH