Khuyến cáo: Triển khai hoạt động an toàn người bệnh tại bệnh viện

KHUYẾN CÁO TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG AN TOÀN NGƯỜI BỆNH TẠI CÁC BỆNH VIỆN
(Ban hành kèm theo công văn số 2600/SYT-HĐQLCLKCB ngày 13 tháng 5 năm 2014 của Sở Y tế)

  1. An toàn người bệnh là mục tiêu hàng đầu trong hoạt động quản lý chất lượng bệnh viện. Hoạt động an toàn người bệnh được thể hiện trong kế hoạch hoạt động hàng năm của bệnh viện và của từng khoa phòng, định kỳ có sơ kết và tổng kết.
  2. Bệnh viện có phân bổ nguồn lực hợp lý cho hoạt động an toàn người bệnh, nhất là nhân lực và các phương tiện, trang thiết bị phục vụ hoạt động chăm sóc và theo dõi người bệnh.
  3. Lãnh đạo bệnh viện tổ chức giao ban chuyên đề an toàn người bệnh định kỳ và đột xuất với từng khoa để kịp thời nắm bắt, hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động liên quan đến an toàn người bệnh.
  4. Thành lập Ban an toàn người bệnh thuộc Hội đồng Quản lý chất lượng bệnh viện, thành phần Ban an toàn người bệnh có đủ thành phần đại diện các khoa phòng trong bệnh viện có liên quan đến quy trình chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh.
  5. Ban an toàn người bệnh triển khai hoạt động báo cáo sự cố tự nguyện đến tất cả nhân viên trong bệnh viện, lãnh đạo bệnh viện có hình thức động viên và khuyến khích nhân viên báo cáo sự cố tự nguyện.
  6. Triển khai các hoạt động chủ động giám sát sự cố liên quan đến an toàn người bệnh qua hồ sơ bệnh án những bệnh nhân tử vong, bệnh nhân có thời gian điều trị kéo dài, bệnh nhân tái nhập viện và bệnh nhân chuyển viện.
  7. Ban an toàn người bệnh tổ chức họp định kỳ hàng tháng và họp đột xuất để đánh giá tình hình tai biến điều trị qua báo cáo tự nguyện, qua hoạt động giám sát chủ động; phân tích những nguyên nhân hoặc yếu tố có liên quan, đề xuất cho lãnh đạo bệnh viện các giải pháp cải tiến hoặc chấn chỉnh.
  8. Tình hình tai biến điều trị, nguyên nhân tai biến, giải pháp phòng ngừa được thông tin kịp thời và thường xuyên cho nhân viên của bệnh viện biết để tránh lặp lại ở khoa khác.
  9. Xây dựng và triển khai chương trình huấn luyện cho nhân viên mới (bác sỹ, điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên, hộ lý), có nội dung an toàn người bệnh phù hợp cho từng đối tượng.
  10. Xây dựng và triển khai quy trình thẩm định cho phép bác sỹ, điều dưỡng, nữ hộ sinh thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán, can thiệp điều trị có nguy cơ cao.
  11. Các nguy cơ tai biến, cách phòng ngừa, và xử trí khi tai biến xảy ra khi thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán, điều trị cần được xây dựng lồng ghép vào các quy trình kỹ thuật chẩn đoán và can thiệp điều trị của bác sĩ và các quy trình chăm sóc điều dưỡng.
  12. Tổ chức huấn luyện chuyên đề an toàn người bệnh trong một số lĩnh vực được ghi nhận có tần suất tai biến cao như trong sử dụng thuốc, trong truyền máu và các sản phẩm của máu và trong thủ thuật, phẫu thuật.
  13. Xây dựng và triển khai các hoạt động “phản ứng nhanh” như quy trình phối hợp cấp cứu khẩn cấp (Báo động đỏ) để phối hợp các khoa phòng có liên quan kịp thời xử trí những trường hợp bệnh lý nặng và phức tạp liên quan đến nhiều chuyên khoa có nguy cơ tử vong cao; đội cấp cứu nội viện (Code Blue) để kịp thời hỗ trợ các khoa cấp cứu những trường hợp bệnh nhân nội trú đột ngột trở nặng đe doạ tính mạng.
  14. Triển khai hoạt động dược lâm sàng, dược sĩ trực tiếp tham vấn sử dụng thuốc hợp lý cho bác sĩ tại các khoa lâm sàng có nguy cơ cao, hướng dẫn sử dụng thuốc cho người bệnh nội trú và khu vực phòng khám.
  15. Bệnh viện ban hành quy định và tổ chức kiểm tra giám sát việc tuân thủ hội chẩn phẫu thuật theo quy định, bác sĩ phẫu thuật thăm khám bệnh nhân trước phẫu thuật.
  16. Xây dựng và triển khai, giám sát các quy trình đảm bảo chống nhầm lẫn người bệnh  trong cấp phát thuốc (5 đúng theo quy định của Bộ Y tế), trong phẫu thuật (3 đúng theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới) và các quy trình chống nhầm lẫn trong xét nghiệm.
  17. Triển khai và giám sát tuân thủ “Hướng dẫn tiêm an toàn tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” của Bộ Y tế; các bảng kiểm y dụng cụ tại phòng mổ và các khoa có can thiệp thủ thuật xâm lấn.
  18. Đối với những trang thiết bị đòi hỏi độ chính xác cao để đảm bảo an toàn cho người bệnh khi sử dụng: bệnh viện có phân công người chịu trách nhiệm kiểm tra, cân chỉnh lại máy trước khi sử dụng lại cho bệnh nhân khác.
  19. Xây dựng hệ thống nhắc để tránh nhầm lẫn trong sử dụng thuốc, nhất là những thuốc có hình thức đóng gói giống nhau, tên gọi giống nhau; bệnh nhân có tiền sử dị ứng thuốc. Ứng dụng công nghệ thông tin tránh nhầm lẫn trong kê đơn.
  20. Xây dựng và triển khai quy trình hợp lý và tuân thủ luật khám bệnh – chữa bệnh khi có bức xúc, thưa kiện của gia đình liên quan đến tai biến điều trị.

Tải về

HỘI ĐỒNG QLCL KHÁM CHỮA BỆNH
BAN AN TOÀN NGƯỜI BỆNH